TTK LHQ kêu gọi biến công nghệ kỹ thuật số trở thành 'một động lực tốt'
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 08:44, 18/05/2021
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu trên được người đứng đầu LHQ đưa ra nhân “Ngày xã hội thông tin và viễn thông thế giới” (17/5). Trong thông điệp của mình, ông Guterres nhấn mạnh “chúng ta hãy cam kết hợp tác để đánh bại đại dịch COVID-19 và đảm bảo các công nghệ kỹ thuật số là động lực giúp chúng ta đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau”.
TTK LHQ cho rằng mặc dù đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên khắp thế giới, nhưng hàng tỷ người vẫn thiếu khả năng tiếp cận Internet. Hiện có khoảng 3,7 tỷ người, chiếm gần một nửa dân số thế giới, vẫn chưa tiếp cận được với Internet, trong đó hầu hết là phụ nữ.
Theo ông Guterres, lý do công nghệ thông tin và truyền thông phải là “một động lực tốt” vì công nghệ kỹ thuật số duy trì cuộc sống, công việc, sức khỏe và học tập cho hàng tỷ người. Trong bối cảnh đối mặt với đại dịch COVID-19, các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng kỹ thuật số đã chứng minh khả năng phục hồi và sáng tạo, giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế. Những thời điểm đầy thách thức này đã thúc đẩy sự chuyển đổi nhanh chóng ở khắp mọi nơi.
Bên cạnh đó, TTK LHQ cũng nhấn mạnh phải chống lại các mối nguy hiểm của công nghệ kỹ thuật số, từ sự lan truyền các tư tưởng thù địch và thông tin sai lệch đến các cuộc tấn công mạng và khai thác dữ liệu.
“Ngày xã hội thông tin và viễn thông thế giới” được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1865, đánh dấu bằng việc ký kết thỏa thuận thành lập Liên minh Điện báo quốc tế (ITU) - tổ chức quốc tế hiện đại đầu tiên trên thế giới. Năm 1932, tổ chức này đổi tên là Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và trở thành cơ quan chuyên môn của LHQ vào năm 1947.
Tháng 6/2020, LHQ đã đưa ra Lộ trình hợp tác kỹ thuật số, với 8 hành động chính, bao gồm cả việc đạt được kết nối toàn cầu vào năm 2030.
TTK LHQ Guterres đánh giá Lộ trình hợp tác kỹ thuật số, cùng với công việc quan trọng của ITU, nhằm mục đích làm cho quá trình chuyển đổi số trở nên công bằng, an toàn, toàn diện và hợp lý cho tất cả mọi người, đồng thời tôn trọng quyền con người.