Chú trọng chuyển đổi số và nâng cao chất lượng thông tin
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 17:39, 16/05/2021
Luôn đối mặt thách thức và áp lực
- Là nơi cung cấp thông tin mang tính tổng hợp và chắt lọc ở mức độ cao, phục vụ hoạt động của cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, ông có thể cho biết, sự khác biệt trong chức năng, nhiệm vụ của Thư viện Quốc hội là như thế nào?
- Bên cạnh chức năng như các thư viện thông thường là xây dựng, xử lý, lưu giữ, bảo quản, kết nối và phát triển tài nguyên thông tin phù hợp với người sử dụng thư viện như sách, báo, tạp chí, ấn phẩm, tài liệu thì Thư viện Quốc hội còn có chức năng giống như hệ thống thư viện nghị viện nhiều nước trên thế giới, mang tính đặc thù cao, khác hẳn các thư viện truyền thống, phổ thông hiện nay, đó là nhiệm vụ tổ chức hoạt động cung cấp thông tin hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các cơ quan của Quốc hội. Chức năng này của Thư viện Quốc hội thể hiện trên ba nhiệm vụ sau: Thứ nhất, Tổ chức nghiên cứu cung cấp thông tin dự báo; đó là nghiên cứu, cung cấp các báo cáo chuyên đề, điều tra, khảo sát, tổng hợp và biên dịch có tính chuyên sâu do Thư viện Quốc hội chủ động trên cơ sở Chương trình hoạt động hằng năm của Quốc hội và dự báo nhu cầu thông tin của ĐBQH; Thứ hai là tổ chức nghiên cứu, cung cấp thông tin theo yêu cầu của ĐBQH. Nghĩa là, Thư viện Quốc hội sẽ tiếp nhận và trả lời các yêu cầu/câu hỏi của ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội gửi đến ở cả trong và ngoài thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội phục vụ việc xây dựng pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của quốc gia và giám sát tối cao; và thứ ba, Thư viện Quốc hội chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định về nội dung thông tin, tài liệu tham khảo do các cơ quan hữu quan cung cấp phục vụ ĐBQH để tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội xem xét, quyết định trước khi cung cấp phục vụ ĐBQH tại các kỳ họp Quốc hội.
Thông tin cung cấp cho ĐBQH phải bảo đảm tính khoa học, khách quan, độc lập, có tính chất phản biện, trung lập, kịp thời để hỗ trợ ĐBQH và các cơ quan của Quốc hội có thêm góc nhìn đa chiều trước khi ra quyết định.
- Để đáp ứng được những đòi hỏi đó hẳn là điều không dễ, nhất là khi các yêu cầu cung cấp thông tin thường mang tính thời sự, song lại đòi hỏi chất lượng chuyên môn sâu?
- Thật sự đây là thách thức rất lớn, nhất là trong khi nhân lực, nguồn lực thông tin và điều kiện bảo đảm tuy đã được đầu tư nhưng còn có những hạn chế, khó khăn nhất định. Thư viện Quốc hội luôn đối mặt những thách thức và áp lực lớn. Đó là: Thông tin cung cấp phục vụ ĐBQH phải chính xác, tin cậy, là những vấn đề lớn không chỉ trong nước mà còn của nước ngoài nhưng phải hết sức ngắn gọn, cô đọng, cụ thể, có minh chứng.
Các yêu cầu cung cấp thông tin của ĐBQH luôn đa dạng, thời hạn ngắn, có thể là vấn đề cần phải nghiên cứu hoặc là vấn đề cần phải biên dịch, tổng hợp, phân tích…; trong khi đó nguồn dữ liệu còn hạn chế, việc dịch tài liệu nước ngoài nhất là dịch luật là vấn đề cực kỳ khó. Và điều quan trọng tạo nên áp lực cao đối với Thư viện Quốc hội là luôn luôn phải sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đa dạng, chuyên sâu của các ĐBQH.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức trên, Thư viện Quốc hội đã và đang triển khai tổ chức công việc khoa học, hợp lý, theo quy trình; vừa bám sát chương trình hoạt động của Quốc hội và khảo sát, nắm chắc nhu cầu của ĐBQH, vừa linh hoạt xử lý khi có sự thay đổi; cân đối giữa thông tin dự báo và thông tin theo yêu cầu. Cùng với đó, Thư viện Quốc hội đã tăng cường việc kết nối, bổ sung cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước; xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên; mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó có hệ thống thư viện nghị viện Đông - Nam Á, châu Á, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Chất lượng, tin cậy là ưu tiên hàng đầu
- Ông có thể cho biết, các ĐBQH đánh giá như thế nào về chất lượng những nội dung được cung cấp?
- Với sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc, Thư viện Quốc hội cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ ĐBQH; trong đó đã cung cấp thông tin theo yêu cầu của ĐBQH đạt 100%, trong đó đúng thời hạn đạt 95%.
Các nội dung cung cấp theo yêu cầu được các ĐBQH đánh giá tốt, đáp ứng đúng nội dung, thời hạn; những yêu cầu phải tổng hợp, biên soạn, nghiên cứu, phân tích đều ngắn gọn, có chất lượng tốt, số liệu tin cậy, có trích nguồn cụ thể. Hoạt động cung cấp thông tin theo yêu cầu của đại biểu liên tục được cải tiến. Với kết quả trên, Thư viện Quốc hội đã được Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và biểu dương.
- Với đòi hỏi đổi mới ngày càng cao của hoạt động lập pháp, có thể thấy, công nghệ đang được ứng dụng tích cực trong việc cung cấp thông tin cho các ĐBQH. Trong thời gian tới, xu thế đó hẳn sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn?
- Có thể nói, Thư viện Quốc hội đã và đang là một trong những đơn vị đi đầu trong Văn phòng Quốc hội về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động chuyên môn. Các phần mềm và hệ thống CNTT của Thư viện Quốc hội được trang bị cơ bản đáp ứng được yêu cầu hiện nay và thường xuyên được nâng cấp.
Hiện tại, Thư viện Quốc hội đang quản trị và vận hành một Trang tin điện tử Thư viện Quốc hội và sáu phần mềm thư viện và cung cấp thông tin trực tuyến hỗ trợ ĐBQH, cụ thể như: Hệ thống thư viện truyền thống, thư viện số; phần mềm tìm kiếm tập trung; phần mềm mượn trả tài liệu số; trang lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật, pháp lệnh; hệ thống cung cấp thông tin theo yêu cầu.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Chương trình chuyển đổi số trong ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện Quốc hội đã và đang chuẩn bị, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thư viện; Xây dựng Đề án hiện đại hóa, tự động hóa những hoạt động cơ bản của Thư viện; và tăng cường khai thác, chia sẻ nguồn dữ liệu số với các cơ quan bên ngoài Văn phòng Quốc hội.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động thư viện là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Thư viện Quốc hội, theo đó, Thư viện tập trung vào công tác số hóa và xây dựng kho tài liệu số nhằm mục tiêu xây dựng Thư viện số đầy đủ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tham khảo của bạn đọc và tiết kiệm chi phí. Tổ chức hiện đại hóa việc quản lý các ấn phẩm, tài liệu của Thư viện bằng mã số, mã vạch, dán chỉ từ và cổng từ bảo vệ các ấn phẩm; tổ chức hiện đại hóa việc quản lý bạn đọc thông qua hệ thống thẻ thư viện thông minh và các thiết bị hỗ trợ mượn trả tự động.
Tôi tin rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ công chức, viên chức, Thư viện Quốc hội sẽ ngày càng hiện đại hóa, tự động hóa, tiếp tục đi đầu trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nghiên cứu, cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, các ĐBQH.
- Xin chân thành cảm ơn ông.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thư viện Quốc hội đã nhận gần 2.500 yêu cầu cung cấp thông tin, trong đó có khoảng 400 yêu cầu đòi hỏi phải tổ chức tổng hợp, nghiên cứu, biên dịch, 2.100 câu hỏi, yêu cầu khai thác từ cơ sở dữ liệu của Thư viện Quốc hội, từ dữ liệu trong nước và quốc tế; tổ chức tổng hợp, nghiên cứu, biên dịch, điều tra xã hội học để cung cấp phục vụ các vị ĐBQH hơn 200 chuyên đề, báo cáo nghiên cứu, tài liệu dịch luật nước ngoài; 21 báo cáo điều tra, khảo sát xã hội; 19 hội thảo, diễn đàn, tọa đàm khoa học; thẩm định, cung cấp 527 đầu sách, tài liệu tham khảo bản giấy và gần 6.000 bản tài liệu điện tử.