Thanh toán số giúp hiện thực hoá thanh toán xuyên biên giới tại ASEAN
Kinh tế số - Ngày đăng : 18:45, 14/05/2021
Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tài chính bền vững trong ASEAN
"Kết nối thanh toán khu vực" là một trong những sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ 6, với mục tiêu kết nối các dịch vụ thanh toán của các nước ASEAN sử dụng công nghệ tài chính mới nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và phát triển bền vững của khu vực.
Mục tiêu của sáng kiến là nhằm thúc đẩy khả năng liên thông của các hệ thống thanh toán bán lẻ trong ASEAN; cung cấp phương tiện thanh toán an toàn, hiệu quả; có cơ chế quản lý, xử lý rủi ro và đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, áp dụng các chuẩn mực về phòng chống rửa tiền…
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp tại ASEAN đẩy nhanh tiến trình này, xem xét chấp nhận rộng rãi các nền tảng thanh toán số. Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á (SEA) 2020 được Google, Temasek và Bain & Company công bố, bất chấp môi trường kinh tế đầy thách thức, các lĩnh vực kỹ thuật số của Đông Nam Á tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và đang trên đà vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện tại, thanh toán số tại ASEAN đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhiều lĩnh vực khác nhau, đáng chú ý nhất là việc ứng dụng gọi xe Gojek và Grab đưa ra các dịch vụ thanh toán số cho các dịch vụ hậu cần, giao hàng và vận chuyển,... Trong khi đó, nhiều ngân hàng trên khắp Đông Nam Á và các công ty công nghệ tài chính cũng đã ra mắt nhiều công nghệ hỗ trợ thanh toán số.
Vẫn còn những thách thức
Tuy nhiên, để thúc đẩy hội nhập tài chính, ASEAN vẫn còn phải đối diện với những thách thức, trong khi nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số vẫn chưa thể hỗ trợ các giao dịch thanh toán xuyên biên giới.
Sự đa dạng của ASEAN đã khiến cho việc thiết lập tiêu chuẩn cho mạng lưới thanh toán xuyên biên giới gặp khó khăn. Do đó, đến nay ASEAN vẫn chưa có một cơ sở hạ tầng chung, tương thích mà tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy khả năng tương tác - vốn là điều kiện tiên quyết quan trọng đối với bất kỳ hệ thống thanh toán xuyên biên giới nào.
Ví dụ, tại châu Âu, mọi người có thể thanh toán SEPA (chuyển khoản được thực hiện trong Khu vực thanh toán chung bằng đồng euro). Phương thức thanh toán này được triển khai vào năm 2008 và được áp dụng cho những giao dịch bằng đồng euro giữa 32 quốc gia trong khu vực châu Âu bao gồm 27 thành viên Liên minh Châu Âu, Ireland, Liechtenstein, Na Uy, Thụy Sỹ và Monaco.
Hiện các nước ASEAN cũng không có đồng tiền chung và mỗi nước có một cơ quan quản lý tài chính riêng, nghĩa là các thỏa thuận về một khuôn khổ chung vẫn còn nhiều thách thức.
Thanh toán số từng bước hiện thực hóa thanh toán xuyên biên giới tại ASEAN
Bất chấp những thách thức, nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong ASEAN đã thúc đẩy hiện thực hóa việc tích hợp các hệ thống thanh toán số. Việc tích hợp các hệ thống thanh toán theo thời gian thực sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số tiếp cận với một nhóm lớn dân số chưa được ngân hàng phục vụ và chưa từng sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào của ASEAN, với tổng số ước tính là khoảng 290 triệu người, phần lớn tập trung tại Indonesia.
Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số có thể thu hẹp khoảng cách này bằng cách đưa ra các mô hình tài chính mới, như các khoản vay siêu nhỏ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ chưa được phục vụ và cho phép họ mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng hơn.
Mới đây, ngày 26/3/2021, việc kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã phản hồi tương thích (interoperable QR code) giữa Việt Nam và Thái Lan chính thức được thực hiện. Sự kiện này là minh chứng cho việc hiện thực hóa các cam kết trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa NHTW hai nước Việt Nam - Thái Lan trong lĩnh vực đổi mới tài chính, nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư thương mại du lịch giữa hai quốc gia. Việc kết nối thanh toán này cũng thể hiện một mốc hợp tác quan trọng trong Sáng kiến kết nối thanh toán khu vực ASEAN nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và phát triển của khu vực.
Dịch vụ mới nói trên sẽ tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới giữa người dân hai nước, đặc biệt sau khi hoạt động qua lại biên giới trở lại bình thường, trong bối cảnh lượng khách du lịch giữa hai nước đạt khoảng 1,5 triệu lượt vào năm 2019. Dịch vụ sẽ cho phép khách du lịch từ Thái Lan sử dụng mã QR trên điện thoại di động để thanh toán mua sắm hàng hóa ở Việt Nam và ngược lại.
Trong giai đoạn đầu của dự án, du khách Thái Lan sẽ sử dụng ứng dụng trên điện thoại của Ngân hàng Bangkok quét mã VietQR để thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ tại các điểm chấp nhận thanh toán của TPBank và BIDV tại Việt Nam. Ngược lại, du khách Việt Nam sẽ sử dụng ứng dụng trên điện thoại của BIDV và Sacombank quét mã ThaiQR để thanh toán tại các điểm chấp nhận thanh toán của Ngân hàng Bangkok tại Thái Lan.
Việc thanh toán bằng mã QR xuyên biên giới sẽ được mở rộng ra nhiều quốc gia trong thời gian tới. Ngoài những ngân hàng tiên phong mở đường nói trên, một số NHTM khác cũng đang rất tích cực để tham gia dự án như Vietcombank, VietinBank… Và có thể, không chỉ ngân hàng mà cả các ví điện tử cũng sẽ được tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán qua QR xuyên biên giới.
Tiếp đó, ngày 29/4/2021, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Ngân hàng Thái Lan (BOT) đã tích hợp hệ thống thanh toán theo thời gian thực của từng quốc gia để tạo ra nền tảng đầu tiên về thanh toán xuyên biên giới được liên kết trên toàn cầu. Theo đó, hệ thống chuyển tiền chỉ cần sử dụng số điện thoại di động PayNow của Singapore đã được kết nối với hệ thống PromptPay tương tự của Thái Lan. Đây là lần đầu tiên trên thế giới có sự liên kết như vậy giữa hai hệ thống chuyển tiền nhanh giữa hai quốc gia.
Trong số 12 ngân hàng của Singapore sử dụng dịch vụ Paynow hiện có 3 ngân hàng gồm DBS, OCBC và UOB tham gia hệ thống liên kết này. Phía Thái Lan có bốn ngân hàng là Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng Kasikorn, ngân hàng Krung Thai và ngân hàng Siam Commercial.
Hệ thống liên kết Paynow-PromptPay sẽ cho phép khách hàng của các ngân hàng tham gia nói trên được chuyển tiền tối đa 1.000 SGD hoặc 25.000 baht mỗi ngày giữa hai nước. Cách thức thực hiện cũng tương tự như việc chuyển khoản PayNow (tại Singapore) hoặc PromptPay (tại Thái Lan), trong đó người gửi có thể sử dụng ứng dụng thanh toán hoặc ngân hàng di động của họ để thực hiện chuyển tiền ngay lập tức và an toàn, bất kỳ lúc nào trong ngày, và chỉ cần có số điện thoại di động.
Việc chuyển tiền cũng sẽ dễ dàng hơn do không cần điền các trường thông tin như họ tên đầy đủ của người nhận và chi tiết tài khoản ngân hàng, khác với các giải pháp chuyển tiền thông thường.
Việc chuyển tiền sẽ được hoàn tất trong vòng chưa đầy 5 phút, nhanh hơn rất nhiều so với mức trung bình từ một đến hai ngày làm việc cần thiết của hầu hết các cách thức chuyển tiền xuyên biên giới khác. Ngoài ra, mức phí chỉ ở mức thấp hơn 3% đến 5% giá trị chuyển nhượng, so với mức trung bình toàn cầu là 11% và sẽ được hiển thị rõ ràng cho người gửi.
Theo ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành của MAS, hệ thống liên kết PayNow-PromptPay là sự khởi đầu của một dự án có mục tiêu lớn hơn đó là phối hợp với các đối tác khác trong ASEAN để phát triển thành một mạng lưới các hệ thống thanh toán bán lẻ được liên kết trên toàn ASEAN.
Thống đốc BoT, ông Sethaput Suthiwartnarueput, cũng khẳng định Thái Lan đang tìm cách tăng cường liên kết thanh toán xuyên biên giới với ASEAN và các nước khác. Hiện, Thái Lan đã triển khai kết nối thanh toán QR xuyên biên giới với Nhật Bản, Lào, Campuchia và Việt Nam.