Lai Châu nỗ lực cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 18:33, 14/05/2021
Những kết quả này cho thấy Lai Châu đang nỗ lực đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội
Nỗ lực tăng hạng về cung cấp dịch vụ công trực tuyến
Cung cấp DVCTT là một trong những chỉ số đo lường quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) khi lấy người dân là trung tâm. DVCTT phải được cung cấp đến mọi người dân, mọi lúc, mọi nơi, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, làm cho hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN) được minh bạch, hiệu quả, góp phần phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính toàn diện.
Theo UBND tỉnh Lai Châu, Cổng DVCTT tích hợp một cửa điện tử cung cấp 2092 DVCTT, trong đó mức độ 3 là 426, mức độ 4 là 510, với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 7.432 hồ sơ. 26% DVCTT mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025.
Để tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng CQĐT, CCHC, tỉnh Lai Châu đã và đang tiếp tục đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; tích hợp, cung cấp DVCTT trên Cổng DVC quốc gia; đưa toàn bộ các DVCTT lên mức độ 3, 4; Thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ.
Tỉnh quyết tâm vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2021 của Chính phủ với các chỉ tiêu cụ thể như: Phấn đấu tỷ lệ tích hợp lên Cổng DVC quốc gia năm 2021 đạt tối thiểu 65% trở lên; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC đạt 25%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia đạt 50%; 100% kết quả xử lý hồ sơ được đồng bộ đầy đủ trên Cổng DVC quốc gia; 100% hồ sơ của hệ thống một cửa điện tử được đồng bộ trạng thái trên Cổng DVC quốc gia.
Tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, gửi, nhận văn bản điện tử; tăng cường triển khai ứng dụng CNTT, chữ ký số cá nhân; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa và tái cấu trúc quy trình giải quyết TTHC; thường xuyên đối thoại, lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp về quy định không còn phù hợp, gây cản trở, khó khăn cho hoạt động kinh doanh; tăng cường truyền thông và quảng bá hiệu quả về DVCTT để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng DVCTT.
Chia sẻ về hiệu quả về DVCTT với báo Lai Châu, chị Bùi Thị Yên - Kế toán xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Ứng dụng DVCTT đã giúp cho việc giao dịch tài chính giữa chúng tôi với các giao dịch viên Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện được nhanh gọn, thuận lợi, kịp thời. Tôi công tác ở địa bàn xa trung tâm, nếu không thực hiện DVCTT thì việc đi lại tốn rất nhiều công sức, mà không phải giải quyết một lần là xong. Giờ đây, chỉ cần chiếc máy tính hoặc điện thoại (có mạng Internet) là chúng tôi có thể theo dõi tất cả quá trình giao dịch của mình, sai ở công đoạn nào thì tiến hành trao đổi luôn để chỉnh sửa. Nhờ đó, mà quá trình thanh toán cũng rất công khai, minh bạch, giảm TTHC, tạo điều kiện cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ứng dụng DVCTT còn cho phép kế toán đơn vị sử dụng ngân sách được cung cấp những thông tin đầy đủ, minh bạch về quy trình giải quyết hồ sơ. Một chứng từ thanh toán được duyệt chi phải trải qua nhiều bước. Nhưng với chứng từ điện tử được chuyển qua DVCTT mức độ 4 thì đơn vị sử dụng ngân sách và giao dịch viên KBNN huyện có thể kiểm soát được trạng thái xử lý hồ sơ đang ở giai đoạn nào, ví dụ như KBNN từ chối hay đã tiếp nhận hồ sơ, đã thanh toán hay từ chối thanh toán. Nhờ đó, ứng dụng này có tính công khai, minh bạch gần như tuyệt đối.
Cũng chính vì giao dịch hoàn toàn trên hệ thống máy tính được kết nối mạng Internet nên kể cả giao dịch viên và kế toán của đơn vị sử dụng ngân sách không phải gặp trực tiếp. Điều này khiến cho quá trình làm việc của các bên được tập trung, liên tục, không bị gián đoạn, đặc biệt là những địa bàn xa trung tâm. Việc "tiếp khách từ xa" của các giao dịch viên đối với khách hàng chắc chắn sẽ thuận lợi hơn vì sẽ giảm thời gian giải thích trực tiếp, mà hiệu quả cuối cùng của công việc vẫn đảm bảo.
VNPT đồng hành cùng Lai Châu chuyển đổi số, xây dựng CQĐT
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Lai Châu xây dựng CQĐT, chuyển đổi số (CĐS) và xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn VNPT vừa được UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục lựa chọn là đối tác chiến lược về viễn thông - công nghệ thông tin (VT-CNTT).
Theo biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn VNPT, giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Lai Châu và VNPT sẽ cùng hỗ trợ lẫn nhau trong việc đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông, mở rộng, nâng cao chất lượng phủ sóng điện thoại di động, Internet, ứng dụng CNTT để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số (CĐS), xây dựng CQĐT phát triển chính quyền số và ĐTTM trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 cho tỉnh Lai Châu.
VNPT cũng sẽ kết hợp với sự hỗ trợ của quỹ dịch vụ viễn thông công ích, từng bước triển khai đồng bộ hạ tầng viễn thông trên địa bàn Lai Châu, dần xóa các điểm lõm chưa có sóng điện thoại di động, Internet, tiến tới đảm bảo 100% các thôn, bản, tuyến đường được phủ sóng. Đặc biệt, ưu tiên triển khai bổ sung hạ tầng cáp quang và mở rộng vùng phủ sóng di động, Internet đối với các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ huyết mạch, các điểm du lịch, nơi sản xuất tập trung; các thôn, bản thuộc vùng trọng yếu về quốc phòng - an ninh của 22 xã biên giới; Hợp tác tham gia xây dựng và triển khai các giải pháp CNTT với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện, cơ sở hạ tầng để phục vụ cho việc triển khai CĐS; các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.
Với sự hợp tác này, VNPT cũng sẽ hỗ trợ Lai Châu thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT; Hợp tác triển khai thí điểm các nhiệm vụ trong Chương trình CĐS xã thông minh tại một số xã trên địa bàn tỉnh, nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến với mọi người; Hỗ trợ triển khai xây dựng CQĐT, Chính quyền số và ĐTTM, trong đó ưu tiên triển khai các giải pháp nền tảng số, hạ tầng số, các hệ thống thông tin dùng chung và các cơ sở dữ liệu của tỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của tỉnh Lai Châu…
Ông Phạm Đức Long - Chủ tịch Tập đoàn VNPT cho biết với mong muốn luôn là đối tác chiến lược đáng tin cậy của tỉnh Lai Châu trong sự phát triển lâu dài và bền vững, VNPT sẽ tập trung triển khai các nội dung trong Biên bản ghi nhớ, đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp xây dựng CQĐT, ĐTTM và CĐS.
"VNPT cam kết các giải pháp được thiết kế, cung cấp tại tỉnh Lai Châu sẽ phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ, điều kiện đặc thù, mức độ phát triển của Tỉnh. VNPT sẽ tiếp tục huy động đội ngũ cán bộ, chuyên gia tốt nhất, bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện các kế hoạch đã được thống nhất để đảm bảo việc hợp tác giữa hai bên hiệu quả, thiết thực", Chủ tịch VNPT khẳng định.
Ông Long cũng cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra một trong những định hướng lớn để phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, đó là đẩy mạnh CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Với sứ mệnh của một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực, cũng là nhu cầu phát triển nội tại trong xu thế tất yếu của kỷ nguyên công nghệ số, VNPT xác định vai trò dẫn dắt trong CĐS. Trong công cuộc xây dựng CPĐT, VNPT luôn được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ và đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia; Trục liên thông văn bản Quốc gia; Cổng dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây đều là các hệ thống nền tảng quan trọng cho sự phát triển của CPĐT tại Việt Nam.