Ví điện tử Việt đã qua thời “đốt tiền” để hút người dùng?
Kinh tế số - Ngày đăng : 22:09, 12/05/2021
Ví điện tử trở thành phương thức thanh toán phổ biến
Báo cáo "Ứng dụng di động năm 2021" của Appota cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 30,8% dân số có tài khoản ngân hàng, đứng vị trí thứ 6 Đông Nam Á, tỷ lệ sử dụng thẻ debit gần 27%, thẻ credit hơn 4%. Trong năm 2020, tổng mức chi tiêu qua kênh trực tuyến tại Việt Nam đạt trung bình 280 USD/người, giảm 9% so với năm 2019. Theo đó, các giao dịch qua POS di động chiếm hơn 21%, các giao dịch trực tuyến chiếm gần 80%.
Trước việc Việt Nam được kì vọng sẽ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, dự báo tổng chi tiêu đầu người năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt giá trị 323USD/người. Tổng mức giá trị thanh toán sẽ gia tăng khoảng 30%, đạt giá trị 15 triệu USD.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng thanh toán trực tuyến tại Việt Nam vẫn có những điểm sáng. Do sự thúc đẩy thanh toán không tiền mặt của chính phủ trong năm 2020, các ví điện tử đứng đầu tại Việt Nam đã được hưởng lợi mạnh mẽ từ sự thay đổi trong thói quen thanh toán và lượng người dùng gia tăng mạnh mẽ trong năm qua.
Chưa kể đến, lĩnh vực thanh toán điện tử cũng có số lượng startup hoạt động nhiều nhất, chiếm 31% trong số 121 startup fintech tại Việt Nam, cao gấp hai lần so với lĩnh vực P2P lending với 16%. Điều này chứng tỏ đây đang là thị trường có quy mô lớn nhất lĩnh vực fintech, tuy nhiên cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh.
Theo ông Đào Tuấn Anh, CEO của Ví điện tử AppotaPay, một trong những khó khăn hiện nay trong việc "phổ cập" thanh toán không dùng tiền mặt là việc thanh toán trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang chỉ tập trung ở các thành phố lớn, do ở nông thôn và vùng sâu vùng xa vẫn còn có nhiều người chưa có thẻ ngân hàng và các điểm hỗ trợ thanh toán trực tuyến còn rất ít hoặc hầu như không có. Chưa kể đến, thói quen chi tiêu tiền mặt ở đại bộ phân người dân nông thôn vẫn còn rất cao.
Tuy nhiên, với việc Chính phủ đồng ý cho thử nghiệm Mobile Money, đây sẽ là cơ hội rất lớn để có thể tiếp cận nông thôn, vùng sâu vùng xa một cách dễ dàng với phương thức đơn giản hơn mở thẻ ngân hàng. Mặc dù vậy, ông Tuấn Anh cho rằng, việc nâng cao nhận thức của người dân chưa có thẻ ngân hàng với hình thức thanh toán mới là một thách thức không nhỏ, chưa kể đến việc quản lý hồ sơ và định danh khách hàng khi phải đối mặt với nhóm tội phạm công nghệ cao cũng là một khó khăn mà các nhà mạng cần phải tính đến.
Báo cáo "Ứng dụng di động 2021" là báo cáo tiếp theo trong chuỗi báo cáo thị trường mobile hàng năm do Appota phát hành. Ấn phẩm lần này có nội dung đề cập đến thị trường bán lẻ smartphone, thị phần smartphone tại Việt Nam theo nhiều tiêu chí khác nhau. Ngoài ra, báo cáo cũng đưa thêm những thông tin về thị trường trò chơi di động, quảng cáo di động, thanh toán điện tử và cuối cùng là thương mại điện tử đặc biệt hữu ích với các thương hiệu, nhãn hàng, các nhà phát hành cũng như những người làm Marketing.
Momo vẫn là ví điện tử được biết đến nhiều nhất
Vào tháng 9/2020, ví Momo công bố đạt 20 triệu người dùng cá nhân, trở thành ví điện tử có nhiều người dùng nhất tại Việt Nam. Ngay sau đó, trong báo cáo Economy SEA 2020 của Google, startup thanh toán VNPay đã được định giá trên 1 tỷ USD, điều đó có nghĩa VNPay được công nhân là startup "kì lân" thứ hai tại Việt Nam.
Theo thông tin của Appota, trong số các ví điện tử tại Việt Nam, các ví điện tử Momo, ViettelPay và ZaloPay đang là 3 ví điện tử có đông người sử dụng nhất. So sánh lượt tải giữa ba thương hiệu ví điện tử, Momo giữ vị trí là ví điện tử được tải nhiều nhất, trong đó đỉnh điểm là tháng 2 và tháng 3 khi lần lượt đạt 992.000 và 839.000 lượt tải.
Còn ViettelPay và ZaloPay đang có sự cạnh tranh gay gắt về số lượt tải. Nếu như năm 2020 là sự vượt trội của ViettelPay thì đến tháng 2/2021, nhờ sự bứt phá mạnh, ZaloPay đã chính thức vượt qua ví điện tử đến từ Viettel.
Nhận xét về thị trường ví điện tử năm 2020, báo cáo của Appota cho rằng, nếu như Momo là ví sử dụng phổ biến nhất thì ViettelPay lại đang là ví tăng trưởng mạnh nhất về số lượt tải. Điều này là dễ hiểu khi số lượng lượt tải của Momo cao hơn ViettelPay nên tốc độ tăng trưởng sẽ không thể bằng đại diện của Viettel.
Còn về thói quen sử dụng tại Việt Nam, trong số 3 ví điện tử có lượng người dùng lớn nhất, Momo đang là ví điện tử được nhận biết rộng rãi nhất (94% số người được hỏi đều biết đến Momo), và cũng có số lượng người dùng thường xuyên lớn nhất (61%). Cả 2 con số này của Momo đều cao hơn hẳn ViettelPay và ZaloPay. Nếu như ViettelPay có mức độ nhận biết khoảng 76% cùng 15% người sử dụng thường xuyên thì 2 con số này của ZaloPay chỉ đạt khoảng 72% và 6%.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cởi mở hơn trong việc liên kết với các ví điện tử. Điển hình, trong năm 2021, ví Appota đã có sự liên kết với một số ngân hàng như MB bank, ngân hàng Nam Á, ngân hàng OCB. AirPay cũng có sự kết nối thành công với ngân hàng MSB, Techcombank.
Với việc chỉ có 30% người dân có thẻ ngân hàng, trong khi Momo đã chạm mốc hơn 20 triệu người dùng, phải chăng các ví điện tử sẽ không còn nhiều dư địa để tăng trưởng người sử dụng? Trước ý kiến này, ông Tuấn Anh cho rằng, số lượng người dùng có thẻ ngân hàng vẫn đang tiếp tục tăng khi mà chính phủ đang có rất nhiều các chính sách hỗ trợ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thói quen tiêu dùng của người Việt cũng đang chuyển dịch sang mua sắm online nhiều hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên dư địa cho các ví điện tử vẫn còn rất lớn và rất nhiều tiềm năng.
Mặc dù vậy, thay vì thu hút càng nhiều người dùng càng tốt, thị trường ví điện tử năm 2021-2022 sẽ là cuộc chiến cạnh tranh thông qua tiện ích, trải nghiệm thanh toán của người dùng và ưu thế sẽ thuộc về ví điện tử nào giữ chân được nhiều người dùng. "Các ví điện tử hiện nay đều đã cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet… Vì thế, đơn vị nào lựa chọn được tích ích phù hợp hơn với tập khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua khốc liệt này", ông Tuấn Anh chia sẻ.
Đối với AppotaPay, công ty gặp rất nhiều thách thức do "đi sau" và người dùng đã quen thuộc với các thương hiệu ví điện tử khác. Nhưng việc chậm gia nhập thị trường cũng giúp AppotaPay có thời gian nghiên cứu bất cập của các ví điện tử khác, để từ đó đưa ra những trải nghiệm phù hợp với tập khách hàng mà công ty muốn hướng đến. Trong 2-3 năm tới, AppotaPay sẽ hướng tới những người trẻ tuổi, mong muốn chi trả cho các nội dung giải trí số. Ngoài việc tập trung vào phát triển người dùng, AppotaPay sẽ tập trung hơn vào việc nghiên cứu hành vi và gia tăng trải nghiệm người dùng, từ đó cung cấp các nội dung số phong phú nhất, độc đáo nhất.
Đến năm 2023, tiền mặt sẽ không còn là hình thức thanh toán phổ biến
Báo cáo của Appota cũng cho thấy, hiện nay, trong số các cách thức thanh toán thương mại điện tử Việt Nam thì sử dụng thẻ đang chiếm tỷ lệ cao nhất (34%), sau đó là chuyển khoản (26%) và tiền mặt (21%), ví điện tử (14%).
Với thói quen thanh toán không tiền mặt dần hình thành trong dịch Covid-19, JP Morgan đã đưa ra dự báo đến năm 2023, sẽ chỉ còn 15% các giao dịch thương mại điện tử thanh toán bằng tiền mặt. Thay vào đó, việc chuyển khoản ngân hàng (30%) và thanh toán qua thẻ (29%) sẽ là hai hình thức phổ biến nhất. Ví điện tử cũng sẽ là một phương án phổ biến với tỉ lệ 22%.
Theo ông Tuấn Anh, lý do của quá trình chuyển dịch này đến từ việc hạn chế tiếp xúc khi dịch Covid-19 xảy ra, người dùng đã chuyển từ hình thức mua sắm trực tiếp qua các kênh online. Các cổng thanh toán, ví điện tử cũng nắm bắt cơ hội chạy rất mạnh các chương trình giảm giá khi thanh toán online khiến cho tỷ lệ thanh toán hình thức này tăng cao.
Nhận định về thị trường ví điện tử trong thời gian tới, CEO AppotaPay cho rằng, nhờ sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước cũng như việc thay đổi thói quen của người dùng, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.
Tuy nhiên, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các chính sách nên tập trung phát triển cơ sở hạ tầng xây dựng hệ sinh thái thanh toán số như nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hệ thống chuyển mạch, tích hợp hạ tầng, ứng dụng ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác. Ngoài ra, cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công và hành chính công cả ở thành thị, nông thôn và gắn với triển khai chiến lược tài chính toàn diện. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần chú trọng công tác truyền thông để người dân hiểu lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, thay đổi thói quen dùng tiền mặt và tâm lý e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới.