Phát triển kỹ năng đọc sách cho sinh viên
Truyền thông - Ngày đăng : 16:49, 10/05/2021
Phát triển kỹ năng và các phương pháp tiếp cận việc đọc sách cho người đọc là việc các thư viện đại học không ngừng hướng tới. Với quan niệm tất cả lấy người đọc làm trung tâm, thư viện đại học cần nâng cao hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh thư viện và người làm thư viện thân thiện, năng động, nhiệt huyết, chuyên nghiệp, để cùng chung tay xây dựng văn hóa đọc trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ các phương tiện truyền thông hiện đại như truyền hình, Internet, điện thoại, các thiết bị thông minh… việc đọc sách của sinh viên (SV) ngày một giảm dần là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục - đào tạo cũng như chất lượng nguồn nhân lực của nước ta hiện nay. Chính vì vậy, để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của SV, thư viện các trường đại học cần xây dựng các kỹ năng đọc sách hiệu quả.
Thư viện - sợi dây giúp SV kết nối nguồn tri thức
Hiệu quả của việc đọc sách không chỉ phụ thuộc vào đọc cái gì, mà còn phụ thuộc vào đọc như thế nào? Đọc không phải là quá trình cơ giới mà là quá trình sáng tạo, suy nghĩ vấn đề đã đọc được, so sánh và tổng hợp nội dung của quyển sách. Để nắm và hiểu được nội dung mà quyển sách muốn truyền tải, SV phải xác định được mối liên hệ giữa từng phần nội dung trình bày, phải định hướng, phát hiện được những nội dung nào cần cho mình.
Đặc biệt, hiện nay các trường đại học đều đào tạo theo học chế tín chỉ, SV cần phát huy hơn khả năng tự học, tự nghiên cứu. Kết quả học của SV là sự kết hợp giữa học tập và lĩnh hội tri thức từ sách, tài liệu.
Tuy nhiên, hiện nay có một bộ phận nhỏ SV chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, giá trị của sách mang lại, có xu hướng lười đọc, ngại đọc sách dẫn đến chưa được hình thành vững chắc thói quen đọc sách.
Một bộ phận SV khác xem việc đọc sách mang tính chất đối phó (do giảng viên yêu cầu, hay tới kỳ thi, kiểm tra mới lên thư viện tìm mượn giáo trình tài liệu tham khảo) hay chỉ chọn đọc những tài liệu mang tính chất giải trí đơn thuần như truyện tranh, báo, tạp chí giải trí.
Đặc biệt, SV chưa xây dựng cho mình kỹ năng và phương pháp đọc hiệu quả, dẫn đến việc nắm bắt thông tin trở nên khó khăn, tốn thời gian và công sức mà không mang lại kết quả cao trong học tập và nghiên cứu.
Vì vậy, việc đọc sách đúng phương pháp, thường xuyên không những giúp SV nâng cao kiến thức mà còn là biện pháp để hoàn thiện tâm hồn nhân cách của con người, tăng khả năng giao tiếp, rèn luyện năng lực sáng tạo... Do đó, thư viện sẽ là sợi dây giúp SV kết nối nguồn tri thức đó.
Việc tổ chức phục vụ tài liệu cho SV là một hoạt động nhằm thúc đẩy, phát triển, thỏa mãn nhu cầu, hứng thú đọc tài liệu thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn và cung cấp tài liệu dưới nhiều hình thức, bao gồm các hình thức tổ chức và phương pháp phục vụ trong và ngoài thư viện. Đồng thời còn là thước đo hiệu quả luân chuyển tài liệu và tác dụng của nó trong đời sống.
Thư viện đại học cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút SV đến thư viện thông qua các hình thức tuyên truyền, giới thiệu các dịch vụ, sản phẩm của thư viện: thường xuyên mở các lớp hướng dẫn sử dụng thư viện, lớp kỹ năng thông tin, hướng dẫn tra cứu các cơ sở dữ liệu thư viện;
Tổ chức các cuộc thi về sách như: đọc diễn cảm, tìm hiểu nhân vật lịch sử, tìm hiểu chủ đề sự kiện nổi bật, dựng lại tác phẩm văn học, dạ hội văn học; tạo các mô hình trao đổi sách yêu thương, các câu lạc bộ về sách; tổ chức các lớp đối thoại chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề học tập và nghiên cứu, tổ chức các cuộc thi về thư viện và sách…
Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức các buổi giao lưu hội nghị bạn đọc để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, lắng nghe những góp ý của họ nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, các dịch vụ và sản phẩm của thư viện. Qua đó, tạo sự hứng thú, thúc đẩy niềm đam mê đọc sách giúp SV đến gần thư viện hơn.
Hướng dẫn kỹ năng đọc sách cho sinh viên
Hướng dẫn đọc được xem là tác động của người làm thư viện lên nội dung và tính chất đọc của SV tới các hình thức và phương thức khác của hoạt động thư viện. Hướng dẫn đọc dựa trên các nguyên tắc: tính tư tưởng, phục vụ có phân biệt, phát triển tính tự giác và sáng tạo của người đọc, tính hệ thống, tính trực quan của việc tuyên truyền sách, báo, tài liệu.
Hiện nay, có nhiều sách, báo, tài liệu nói về các phương pháp đọc sách, hướng dẫn đọc hiệu quả cũng như lợi ích của việc đọc sách. Tuy nhiên, mỗi người sẽ chọn cho mình các phương pháp đọc khác nhau: có thể đọc lướt phụ lục, tóm tắt, đọc phân tích, đọc kết luận hay đọc toàn văn... Dù đọc như thế nào thì vấn đề thiết yếu là phải hiểu được nội dung mà tác giả của quyển sách muốn truyền tải và khi gấp trang sách lại, điều gì còn đọng lại trong mỗi người? Không phải ai cũng hiểu và làm được điều đó. Người làm thư viện có thể thông qua các cuộc thi, các buổi thuyết trình, đưa những ra hướng dẫn tham khảo giúp người đọc hiểu hơn phương pháp đọc sách của mình.
Có thể đưa ra các cấp độ đọc như sau: Đọc sơ đẳng; Đọc kiểm tra; Đọc phân tích; Đọc theo chủ đề tổng hợp.
Khi đọc 1 quyển sách cần đạt một số tiêu chí: Xác định được mục đích đọc "Đọc cái gì?", "Đọc để làm gì?": nhằm lựa chọn sách cần đọc và phương pháp đọc phù hợp; Những cấp độ đọc có thể thực hiện: đọc kiểm tra, đọc lướt, đọc phân tích, đọc theo chủ đề tổng hợp...; Xác định các từ khoá, từ chuyên môn; Tìm ý chính; Xác định thông điệp của tác giả; Đánh giá nội dung sau khi đọc qua quyển sách (phê bình, đồng ý).
Trong công tác phục vụ, người làm thư viện cần đưa ra các biện pháp tuyên truyền giới thiệu những tài liệu phù hợp với hứng thú của SV. Để thực hiện vấn đề này, người làm thư viện không chạy theo xu hướng nhất thời mà phải xuất phát từ nhiệm vụ cơ bản của việc giáo dục con người phát triển toàn diện, tác động tích cực đến sự hình thành hứng thú của SV.
Người làm thư viện cần tìm hiểu những kỹ năng trên giúp SV tiếp thu có ý thức những điều đã được đọc, nắm kiến thức, bồi dưỡng niềm đam mê đọc sách, khuyến khích họ tham gia các hoạt động đọc, qua đó phát huy tính tự giác sáng tạo trong quá trình đọc sách của SV.
Hình thành và phát triển văn hóa đọc tại thư viện đại học là việc làm cần sự kết nối giữa thư viện và người đọc, tuy nhiên phần lớn là từ sự nhận thức của người đọc. Do đó, thư viện đại học sẽ là người bạn đồng hành, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp và hình thức nhằm giúp người đọc nâng cao nhận thức và có cái nhìn đúng đắn hơn trong việc đọc sách để xây dựng cho mình văn hóa đọc phù hợp.