Không gian giàu tình nhân ái qua tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương
Truyền thông - Ngày đăng : 16:48, 10/05/2021
Nhắc đến cố nhà văn Trần Hoài Dương là nhắc tới những tác phẩm như "Cuộc phiêu lưu của những con chữ," "Nàng công chúa biển," "Bên ngoài mái trường," đặc biệt truyện dài "Miền xanh thẳm" là cuốn sách gây ấn tượng mạnh mẽ cho bạn đọc nhiều thế hệ về một không gian thơ ấu trong trẻo và ngọt lành.
Tên mỗi truyện của nhà văn Trần Hoài Dương đều viết khá ngắn gọn, dễ hiểu để các em thiếu nhi dễ tiếp cận như: "Em bé và bông hồng," "Cô tiên," "Bà cháu," "Chiếc lá," "Áng mây," "Đàn chim sẻ"…
Nhà thơ Nhuyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng nhà văn Trần Hoài Dương rất giỏi khi tạo dựng nhân vật, đặc biệt là các nhân vật thiếu nhi giàu tình nhân ái và trong trẻo. Văn phong của ông khi xót xa, khi thương yêu, ít dữ dội, nhưng cứ thấm thía, nhẹ nhõm và mang một nỗi buồn rất lạ lùng.
Nói về tác phẩm nổi tiếng "Miền xanh thẳm," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay câu chuyện là những năm tháng ấu thơ mà nhà văn Trần Hoài Dương đã sống, cậu bé Thiện là nơi chứa đựng toàn bộ ký ức của tác giả.
"Tất cả những gì ông viết không có một chút gì được cường điệu hóa. Tất cả hiện lên nguyên khối đời sống tươi ròng của những năm tháng ông đã sống. Văn chương của ông chân thực, da diết mà bình thản giống một người ngồi xuống và kể lại những gì đã và đang chảy trong huyết quản của ông. Sự chân thực ấy được dâng lên từ một tâm hồn thánh thiện và đầy rung vang," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Còn nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng: Cùng với những tên tuổi như Tô Hoài, Định Hải, Phạm Hổ, Đoàn Giỏi, Vũ Hùng…, nhà văn Trần Hoài Dương thuộc về thế hệ "vàng ròng" của văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông như một biểu tượng của một thế hệ nhà văn trong sáng, toàn tâm toàn ý, yêu sự nghiệp viết cho trẻ em đến quên cả bản thân mình.
Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, ngoài số ít tác phẩm ở một số NXB dành cho cả thiếu nhi lẫn người lớn thì toàn bộ sự nghiệp văn học của nhà văn Trần Hoài Dương dành cho thiếu nhi đều nằm trọn ở NXB Kim Đồng. Không chỉ là nguồn dưỡng chất tinh thần quý giá đối với nhiều thế hệ độc giả, các tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người cầm bút.
Thuộc thế hệ 8X, được đọc truyện Trần Hoài Dương từ những ngày còn nhỏ qua tập truyện Những ngôi sao trong mưa, nhà văn trẻ Trương Huỳnh Như Trân chia sẻ, điều khiến chị mê mẩn tác phẩm của nhà văn Trần Hoài Dương là những đoạn tả thiên nhiên đầy say mê và yêu mến của ông.
"Thiên nhiên trong truyện Trần Hoài Dương hiện lên như một thảm cỏ hoa vàng xanh tươi trải dài bất tuyệt với muôn loài chung sống. Với cảm nhận cá nhân tôi, không ai tả thiên nhiên được sống động, nên thơ và tha thiết như Trần Hoài Dương. Từng chiếc lá non trên con đường ở phố, hay đồng cỏ hoa vàng miền quê, những hàng cây bốn mùa thay lá, những hạt mầm cựa mình trong lớp vỏ, những hoa mướp vàng rung rinh… đều được ông kể một cách tỉ mỉ bằng ngôn từ đẹp đẽ, tinh tế", Trương Huỳnh Như Trân nói.
Nhà văn Trần Hoài Dương tên thật là Trần Bắc Quỳ. Ông sinh ngày 8-11-1943 tại Hải Dương, từng công tác tại Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng Sản), Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn, NXB Măng Non, NXB Trẻ.
Từ năm 1992, ông là nhà văn tự do, chuyên sáng tác cho thiếu nhi với 24 tác phẩm đã phát hành, gồm các tập truyện ngắn, đồng thoại, truyện dài, các sách tuyển chọn và giới thiệu tác phẩm như Em bé và bông hồng, Nàng công chúa biển, Miền xanh thẳm… đoạt nhiều giải thưởng lớn dành cho văn học thiếu nhi.
Ngoài sáng tác, ông còn viết kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối cho thiếu nhi, trong đó có 5 kịch bản được dựng thành phim. Nhà văn Trần Hoài Dương qua đời vào ngày 6-5-2011 tại nhà riêng ở TPHCM.