Kích hoạt học, thi trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số giáo dục
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:17, 07/05/2021
Tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống COVID-19
Nhằm tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống COVID-19, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn gửi các Sở GD&ĐT; các trường đại học, học viện, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm về việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống COVID-19.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Giám đốc các Sở GD&ĐT, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 541/CĐTTg ngày 23/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Các sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục không chủ quan, lơi lỏng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương để nắm chắc tình hình, chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong trường học; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên, nhà giáo, người học và cha mẹ học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, Công văn nêu rõ các đơn vị thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang trên đường đến trường và trên đường về nhà; Thực hiện đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, khử khuẩn, vệ sinh trường, lớp học, nhà vệ sinh theo quy định.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cài đặt và đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch trên ứng dụng (App) Antoancovid, tự đánh giá và cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống mỗi tuần hai lần.
Đồng thời, các Sở GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn, phạm vi quản lý; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các yêu cầu phòng, chống dịch.
Nhiều trường học đã kích hoạt hình thức học trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bùng phát. (Ảnh internet)
Khi dịch bùng phát trở lại, xác định chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học", ngành Giáo dục các địa phương cũng đã chuẩn bị phương án điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Đặc biệt là giai đoạn sắp tới học sinh cuối cấp sẽ ôn tập, chuẩn bị thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên các trường cần có phương án để hỗ trợ học sinh ôn tập hiệu quả, cả trong điều kiện bình thường và trong tình huống có dịch bùng phát.
Hiện các trường đều có sẵn nền tảng công nghệ, giáo viên có kinh nghiệm dạy học trực tuyến do đã từng tổ chức phương thức dạy học này khá hiệu quả khi thực hiện giãn cách xã hội vào năm 2020.
Thực tế, từ năm 2020, khi dịch bệnh lây lan, ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên vừa đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 - 2020 khép lại với việc gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước; 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp an toàn trước dịch bệnh.
Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, "đứt gãy" như một số nước đã gặp phải. Trái lại, "trong nguy có cơ", các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường linh hoạt và sáng tạo sử dụng, nhất là trong dạy học trực tuyến. Điều này góp phần hoàn thành kế hoạch năm học, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Dạy trực tuyến hỗ trợ và thay thế trực tiếp để nâng cao chất lượng dạy học. (Ảnh minh họa: baochinhphu)
Kiểm tra đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến trong điều kiện bất khả kháng
Bộ GD&ĐT mới đây cũng đã ban hành thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Thông tư này cho phép các trường sử dụng hình thức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp trên lớp, hoặc thay thế dạy học trực tiếp bằng cách thực hiện toàn bộ nội dung bài học hoặc chủ đề.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục được quyền quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.
Nguyên tắc của dạy học trực tuyến là nội dung phải đáp ứng mức độ hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến.
Các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên khi dạy trực tuyến cần tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.
Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, trong trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.
Mục đích của dạy học trực tuyến là hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục. Hoạt động này cũng nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Trước đó, do dịch COVID-19, các trường đã triển khai dạy và học trực tuyến nhưng mới chỉ là giải pháp tình thế. Với thông tư mới này, các trường sẽ có căn cứ để tổ chức việc dạy và học trực tuyến tốt hơn.
Trường học đầu tiên ở Hà Nội thi học kỳ bằng hình thức trực tuyến
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngày 6/5, Ban giám hiệu trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã thông báo điều chỉnh lịch và hình thức kiểm tra cuối học kỳ II.
Theo đó, nhà trường sẽ cho học sinh thi hết học kỳ II bằng hình thức trực tuyến. Đây cũng là ngôi trường phổ thông đầu tiên tại Hà Nội cho phép học sinh kiểm tra, đánh giá theo hình thức này.
Cụ thể, học sinh khối 10, 11 của trường sẽ kiểm tra trực tuyến các môn (trừ Toán, Văn, Ngoại ngữ) trên nền tảng MS. Teams từ ngày 10 đến 14/5. Riêng các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ 1, nhà trường sẽ thông báo sau, tùy theo diễn biến COVID-19 và chỉ đạo của các cấp liên quan.