Trung Quốc “điểm mặt” 33 ứng dụng vi phạm quy định thu thập dữ liệu cá nhân

An toàn thông tin - Ngày đăng : 21:52, 02/05/2021

Cho rằng nhiều người dùng khiếu nại, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã “điểm mặt” 33 ứng dụng di động được cho là vi phạm các quy tắc quản lý, chủ yếu là thu thập dữ liệu cá nhân không cần thiết khi cung cấp dịch vụ.

Trung Quốc “điểm mặt” 33 ứng dụng vi phạm quy định thu thập dữ liệu cá nhân - Ảnh 1.

Trung Quốc đã liệt kê 33 ứng dụng di động thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn mức cần thiết.

Theo trang ZDnet đưa tin, Trung Quốc đã liệt kê 33 ứng dụng di động thu thập nhiều dữ liệu người dùng hơn mức cần thiết. Các công ty này, bao gồm cả những đại gia Internet Trung Quốc như Baidu và Tencent Holdings, được ra hạn chưa đến hai tuần để sửa lỗi.

Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn rằng các ứng dụng này đã vi phạm các quy định của địa phương, chủ yếu là thu thập dữ liệu cá nhân không liên quan đến dịch vụ của họ.

Theo CAC, các ứng dụng này cũng thu thập thông tin cá nhân mà không có sự đồng ý của người dùng.

Trong danh sách 33 ứng dụng này có các ứng dụng từ Sogou, Baidu, Tencent, QQ và Zhejiang Jianxin Technology. Các nhà khai thác này hiện có 10 ngày làm việc để khắc phục sự cố, nếu không khắc phục được, họ sẽ phải chịu các hình phạt theo quy định, CAC cho biết.

Hồi tháng 3, CAC đã ban hành quy định cấm các nhà phát triển ứng dụng di động từ chối cung cấp các dịch vụ cơ bản cho những người tiêu dùng không muốn cung cấp dữ liệu cá nhân không cần thiết.

Các quy định sẽ nêu rõ ràng hơn về các loại dữ liệu được coi là cần thiết cho các ứng dụng thường được sử dụng, bao gồm gọi xe, nhắn tin tức thì, bán lẻ trực tuyến và điều hướng bản đồ. Ví dụ, các ứng dụng gọi xe sẽ cần quyền truy cập vào số điện thoại, chi tiết thanh toán và vị trí của người dùng.

CAC nói thêm rằng các quy định mới rất cần thiết khi các ứng dụng di động ngày càng phổ biến và lạm dụng thu thập nhiều loại dữ liệu cá nhân. Cơ quan chức năng lưu ý rằng một số ứng dụng đã cố tình tìm kiếm thông tin cá nhân trong gói dịch vụ của họ, ngăn chặn người tiêu dùng sử dụng các chức năng cơ bản, nếu họ từ chối cho phép sử dụng dữ liệu của họ.

Những tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc tăng cường nỗ lực nhằm trấn áp các công ty độc quyền công nghệ cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên các nền tảng số.

Tháng trước, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group đã bị phạt kỷ lục 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,77 tỷ USD) vì vi phạm các quy định chống độc quyền của Trung Quốc và "lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường" của Trung Quốc. 

Cục Quản lý thị trường của Trung Quốc cho biết Alibaba đã lạm dụng vị thế thị trường vững chắc của mình kể từ năm 2015 để ngăn các thương gia sử dụng các nền tảng thương mại trực tuyến khác. Cơ quan chính phủ cho biết những hoạt động như vậy đã ảnh hưởng đến sự tự do của hàng hóa và dịch vụ, xâm phạm lợi ích kinh doanh của thương nhân và vi phạm luật chống độc quyền của địa phương.

Bảo Bình