Trí tuệ nhân tạo cạnh tranh việc làm: Lao động Việt Nam sẽ lấy gì làm lợi thế?
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 10:11, 02/05/2021
Có thể phá vỡ thị trường lao động
Khi tự động hóa thay thế người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai và làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó dễ dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng thêm.
Robot hóa đang là xu thế tất yếu của công nghiệp hiện đại.
Các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh của công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, tự động hóa đi đôi với AI sẽ phát triển mạnh hơn, thậm chí với những kỹ năng trước đây chỉ có con người sở hữu, nay máy móc có thể thay thế một phần hoặc toàn bộ.
Cuộc CMCN 4.0 cũng mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với sự phát triển ở mỗi quốc gia. Những ứng dụng của CMCN 4.0 là các công cụ giúp cho việc mở rộng và đa dạng hóa các hình thức sản xuất, quản lý. Con người có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ nhờ sự hỗ trợ của internet, dữ liệu lớn, sự phát triển của hệ thống thông tin trực tuyến, mạng xã hội... Dữ liệu lớn giúp cho việc thu thập và phân tích dữ liệu dễ dàng hơn, thông qua đó có thể hỗ trợ việc ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn. Sự phát triển của công nghệ tự động sẽ giúp giải phóng sức lao động cho con người, tăng năng suất lao động nhưng cũng đẩy hàng triệu người phải đối diện với nguy cơ mất việc làm. Nhiều ngành, nghề sản xuất, kinh doanh truyền thống cũng sẽ biến mất nhanh chóng. Các lĩnh vực nghề thủ công cũng sẽ biến mất, thay vào đó là sự xuất hiện ngành, nghề mới đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao.
Đánh giá về những tác động của AI đối với thị trường lao động, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, CMCN 4.0 sẽ làm mất đi nhiều việc làm nhưng cũng sẽ tạo ra những công việc mới đòi hỏi trình độ cao. Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Tất nhiên, những công việc này đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Lợi thế sẽ là ứng dụng tri thức, công nghệ
Việt Nam - một quốc gia có nguồn cung lao động khá dồi dào và ổn định với hơn 55 triệu lao động thì CMCN 4.0 sẽ mang lại nhiều lợi ích như giúp tăng năng suất lao động nhờ áp dụng những công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, song cũng đặt ra nhiều thách thức như mất việc làm và những vấn đề xã hội khác. Những tác động đó đang được thể hiện rõ rệt và cụ thể qua từng vị trí công việc cũng như những chiến lược, định hướng, kế hoạch... trong việc phát triển thị trường lao động.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, trước yêu cầu của sự phát triển, người lao động còn nhiều hạn chế, bất cập như chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, cơ cấu và trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạch đó, trình độ văn hóa và tay nghề của người lao động dù đã được cải thiện, song vẫn còn thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp thu khoa học - kỹ thuật, đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về những tác động của AI đến thị trường lao động Việt Nam, chuyên gia lao động TS. Nguyễn Thị Lan Phương (Học viện Ngân hàng) cho biết, robot hóa đang là xu thế tất yếu của công nghiệp hiện đại. Theo một số dự báo, trong một số lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot, số lượng lao động sẽ giảm đi 1/10 so với hiện nay. Như vậy, 9/10 nhân lực còn lại sẽ phải chuyển nghề hoặc thất nghiệp. Khi robot và tự động hóa lên ngôi, số lượng lao động dư thừa sẽ tăng lên. Điều này cảnh báo những lợi thế về nhân công giá rẻ tại các nước đang phát triển có thể không còn là lợi thế nữa. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ phải đối mặt với thách thức nêu trên. Chính vì vậy, chúng ta không thể đặt sự phát triển của mình dựa trên lợi thế so sánh lao động giá rẻ nữa. Lợi thế so sánh có hiệu quả bây giờ phải là ứng dụng tri thức, công nghệ. Để có thể làm được việc đó, cần phải có đủ năng lực trí tuệ, khả năng sáng tạo, nắm bắt, làm chủ các công nghệ mới và chủ động hội nhập quốc tế để rút ngắn khoảng cách về với các nước phát triển.