Sếp VIB: Mobile Money không cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:20, 01/05/2021
Cũng theo ông Minh, Mobile Money không phải là khái niệm mới trên thế giới. Từ năm 2000, khái niệm này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Âu và đến cuối năm 2019, đã có khoảng 95 quốc gia và vùng lãnh thổ chấp nhận Mobile Money.
Sau gần 20 năm, thế giới đã có hơn 1 tỷ tài khoản di động được đăng ký, giao dịch tiền điện tử với khối lượng trung bình tương đương với khoảng 1,9 tỷ USD mỗi ngày. Ở Việt Nam Mobile Money mới được chính phủ cho áp dụng thử nghiệm nên còn sớm để đánh giá hết các góc độ phát triển của sản phẩm dịch vụ này, nhưng có thể nói Mobile Money không là đối thủ cạnh tranh trực tiếp hay tạo khó khăn cho hoạt động của VIB.
Ngoài ra, do hạn mức giao dịch được phép tại Việt Nam trên Mobile Money là 10 triệu đồng/tháng, tương đối nhỏ, cho dù sau này có thể được điều chỉnh lên nên chủ yếu hướng tới các người dân không có tài khoản ngân hàng, hay có tài khoản ngân hàng nhưng không dùng các ứng dụng ngân hàng số.
"Do vậy, quan hệ giữa VIB với các bên cung ứng như Mobile Money ít mang tính chất cạnh tranh", ông Minh nói.
Ngược lại, sự phát triển của Mobile Money sẽ tạo điều kiện để đông đảo khu vực dân cư được làm quen với dịch vụ thanh toán số, giảm thanh toán dùng tiền mặt, do vậy, sẽ tạo ra thêm nhiều khách hàng tiềm năng hơn cho VIB trong tương lai. Thêm nữa, bản thân các công ty cung ứng dịch vụ Mobile Money lại cần mở tài khoản và xử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng cho chính bản thân họ nên họ cũng là khách hàng tiềm năng của VIB.
Theo Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG), đến hết năm 2019, chỉ có gần 40% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Trong số này, vẫn có tới 80% chi tiêu hàng ngày của người dùng được thực hiện bởi tiền mặt.
Thống kê cũng cho thấy, 98% người dân Việt Nam sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100.000 đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền. Đây chính là những rào cản nếu Việt Nam muốn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.
Để khơi thông dòng chảy của nền kinh tế số, điều mà Việt Nam cần làm là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Mobile Money chính là giải pháp đơn giản nhất để giải quyết vấn đề này.
Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) ngày 9/3 được trông chờ sẽ là một cú hích lớn cho thị trường thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Bởi vì, với 99,7% dân số được phủ sóng 2G, 3G, 4G và tỷ lệ 136,7 thuê bao di động/100 dân, khi Mobile Money chính thức được triển khai, gần như 100% người dân Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận với dịch vụ thanh toán không tiền mặt.