Dữ liệu mở - Giải pháp tăng trưởng kinh tế số
Kinh tế số - Ngày đăng : 17:42, 30/04/2021
Với ý nghĩa, mục tiêu to lớn đó thì đẩy mạnh việc xây dựng, quản lý, vận hành DLM chính là một nhu cầu cấp thiết, hướng đi tất yếu đảm bảo cho sự phát triển, đồng bộ, hiện đại của xã hội thông tin, tạo ra các giá trị đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế số. Để làm tốt điều này, các đơn vị, bộ, ban, ngành, địa phương cần tích cực, sớm ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai, cung cấp nội dung này, đồng thời đảm bảo cung cấp và duy trì ít nhất một bộ DLM.
DLM phải đảm bảo đồng bộ với các CSDL dùng chung
Cũng nhằm tận dụng các lợi thế, ưu điểm, lợi ích to lớn đó, mới đây UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 22/4/2021 về việc ban hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của tỉnh, trong đó có việc quy định các hạm mục DLM trên một số lĩnh vực như: Thông tin về giá đối với hàng hóa, dịch vụ (theo Thông tư 142/2015/TT-BTC); tên đường, tên công trình công cộng trên địa bàn tỉnh; du lịch; các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành; cơ chế, chính sách khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư; an toàn phòng cháy, chữa cháy; truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP…
Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, vận hành, khai thác dữ liệu trên hệ thống DLM của tỉnh. Theo quy chế này, các dữ liệu từ các đơn vị, địa phương khi tiến hành cung cấp, chia sẻ lên hệ thống DLM của tỉnh phải đảm bảo: Không chồng lấn, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ, ngành; các cơ quan phối hợp thực hiện trên hệ thống sẽ được cấp phát 01 tài khoản truy cập và được phân quyền để cập nhật các thông tin chuyên ngành do đơn vị phụ trách được quy định theo chức năng nhiệm vụ; các cơ quan, đơn vị đã có CDSL chuyên ngành, có hệ thống quản lý CSDL theo các tiêu chuẩn của ngành và Bộ TT&TT quy định, thì cung cấp API để hệ thống kết nối.
Đồng thời, quy chế cũng nêu rõ, việc cung cấp nội dung DLM phải được thực hiện toàn diện, đa dạng trên nhiều lĩnh vực gồm: Thủ tục hành chính (TTHC), giáo dục, giao thông,kế hoạch & đầu tư, khoa học công nghệ,lao động, xã hội, thông tin truyền thông, môi trường, pháp luật…
Với những quy định cụ thể trên, đây được xem là văn bản hoàn thiện, đầy đủ nhất mà từ trước đến nay Thừa Thiên Huế đã ban hành về nội dung hướng dẫn các đơn vị thực hiện cung cấp, khai thác, sử dụng DLM - một vấn đề được tỉnh này xác định là rất quan trọng trong chiến lược phát triển, chuyển đổi số (CĐS) của địa phương, quốc gia.
Qua việc ban hành các văn bản về dữ liệu mở của hai địa phương, có thể thấy, Gia Lai là đơn vị mới triển khai, thực hiện nhiệm vụ này. Đây chính là "bước tiến", quyết tâm của Gia Lai nhằm thực hiện đổi mới, cải cách hành chính của tỉnh. Còn Thừa Thiên Huế đã thực hiện triển khai từ năm 2018, nhưng qua lần bổ sung thêm các điều khoản càng chứng tỏ rõ "thông điệp" tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả, các giá trị DLM mang lại phát triển của địa phương.
Cũng nhờ việc ban hành các quyết định mới trên, qua đây chúng ta như thêm sự khẳng định, giờ đây các đơn vị, địa phương đang nỗ lực, tích cực cùng "chạy đua" với thời gian hướng đến thực hiện mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn DLM - yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng được quy định rõ tại Nghị định 47 -NĐ/CP.
Khi nói về vấn đề DLM thời gian qua, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến các đơn vị được coi là tiên phong, đi đầu thực hiện triển khai nhiệm vụ này, tiêu biểu phải kể đến là thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Vậy hiệu quả, lợi ích DLM mang lại là gì? Có vai trò ra sao trong chiến lược, tiến tình CĐS ở các địa phương?... Để có câu trả lời cho các câu hỏi đó, chúng ta cùng nhau đi sâu, tìm hiểu các địa phương đã làm gì để tạo ra kết quả.
DLM là động lực để DN khởi nghiệp sáng tạo
Đến nay, sau hơn 03 năm, Thừa Thiên Huế đã sử dụng khai thác DLM công khai tại Cổng thông tin DLMcó địa chỉ (http://opendata.thuathienhue.gov.vn/). Hiện nay, Cổng thông tin dữ liệu mở của Hế đã cung cấp được số lượng lớn nguồn DLM với hơn 96 chủ đề đa dạng ở các lĩnh vực: Kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch, tài nguyên - môi trường, hành chính, y tế, thương mại - dịch vụ, đầu tư xây dựng, công nghiệp, giáo dục đào tạo, dân cư lao động, an toàn xã hội…
Trước khi đưa các DLM lên Cổng thông tin, Thừa Thiên Huế đã thực hiện nghiêm ngặt các bước kiểm tra, thẩm định, đánh giá thông tin, tất cả đều phù hợp với những tiêu chí, quy định tại Nghị định 47/NĐ-CP và đúngtheo các hướng dẫn của Bộ TT&TT. Và sau khi toàn bộ các dữ liệu này được cập nhật, hệ thống Cổng thông tin sẽ tự động thực hiện quy trình khép kín và định dạng, phân mục theo từng ngành, lĩnh vực.
Chính nhờ làm tốt các khâu quy trình, hệ thống đã giúp người dùng dễ dàng truy cập, sử dụng, lấy thông tin theo hình thức tải file Excel hoặc dữ liệu được tải về thông qua API điện thoại.
Bên cạnh đó, hệ thống còn thể hiện các ưu điển khác như: Các file DLM được chuyển tải theo dạng ngắn gọn; được cung cấp, thống kê, bổ sung qua các số liệu thông tin toàn diện của tỉnh hay dưới dạng biểu đồ trực quan...
Và điều quan trọng nữa mà hệ thống mang lại, đó là các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo ra một môi trường trao đổi, tương tác thông tin hai chiều, thông tin phản hồi là các nhu cầu thực tế của người dân, qua đó giúp các cơ quan chuyên môn thống kê, so sánh, hỗ trợ các cơ quan quản lý ra quyết định sớm, kịp thời.
Cũng nhờ có các DLM trên mà bài toán "hạn chế", "bất cập" thông tin giữa người dân, chính quyền tồn tại lâu nay như tìm được lời giải đáp, điều này đáp ứng các nhu cầu cần của DN, người dân, nhà đầu tư khi muốn tra cứu, tham khảo, tìm hiểu, sử dụng dữ liệu.
Đánh giá về tầm quan trọng và tính hiệu quả của DLM, tại "Hội thảo về giải pháp DLM trong xây dựng Chính quyền điện tử (CQĐT) và Đô thị thông minh (ĐTTM)" do Thừa Thiên Huế tổ chức cách đây không lâu, đại diện lãnh đạo Trung tâm CNTT Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, DLM là nền tảng cốt lõi của Chính phủ số, giải pháp DLM nhằm thúc đẩy nền hành chính công trở nên công khai, minh bạch hơn, và là nguồn lực linh hoạt đem lại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia vào nền kinh tế số.
Cũng giống như Thừa Thiên Huế, cùng thời điểm triển khai, cung cấp DLM, TP. Hồ Chí Minh đã cung cấp 41 tập dữ liệu mở về các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, thị trường, đầu tư... trên cổng DLM của thành phố (địa chỉ https://opendata.hochiminhcity.gov.vn).
Thông qua Cổng DLM, thành phố mong muốn người dân, DN và tổ chức: Tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội; sử dụng DLM để tạo ra sản phẩm giá trị mới đóng góp cho hệ sinh thái ứng dụng, tiện ích của thành phố để phục vụ người dân tốt hơn; góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, phát triển nền kinh tế số của thành phố; đóng góp dữ liệu được hình thành trong quá trình khai thác để phát triển hệ sinh thái DLM của thành phố.
Chính thức được sử dụng vào tháng 10/2019, Cổng dịch vụ DLM Đà Nẵng (https://opendata. danang.gov.vn) sau hơn một năm hoạt động nhưng đã đạt những kết quả nổi bật, trong đó đạt Giải chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam năm 2020. Tính đến thời điểm này, Cổng dịch vụ DLM Đà Nẵng đã cung cấp 461 tập dữ liệu về nhiều lĩnh vực, ngành, nghề. Đây cũng được coi là kênh cung cấp, giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý tập trung dữ liệu; công cụ hỗ trợ công tác thu thập, tổng hợp, chia sẻ, công khai dữ liệu, minh bạch số liệu, công khai thông tin đến người dân, DN; cho phép tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu của mình theo hình thức dịch vụ dữ liệu.
Bên cạnh đó, Cổng DLM Đà Nẵng còn cho phép người dân tham gia giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội. Đối với DN, công ty khởi nghiệp có nhu cầu khai thác dữ liệu có thể sử dụng các tập dữ liệu để phân tích số liệu, tìm hiểu các dịch vụ liên quan, nghiên cứu thị trường...
Với kho DLM này, nhiều DN đã sử dụng để tạo ra sản phẩm: sử dụng API dữ liệu điểm tập kết thùng rác tạm để làm ứng dụng thông minh về môi trường; sử dụng API để cung cấp điểm thi qua Cổng tra cứu điểm thi Tổng đài (1022.vn/diemthi);…
Đặc biệt, Cổng DLM đã góp phần tạo động lực cho các DN nhỏ và vừa (SME), DN khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo khai thác dữ liệu tạo ra sản phẩm mới, giúp thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của TP. Đà Nẵng.
Như vậy, với việc triển khai, vận hành, sử dụng DLM thực tế từ các địa phương trên thêm sự khẳng định rõ nét các giá trị, hiệu quả, ý nghĩa mang lại, góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu quả, đổi mới cải cách TTHC, năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, phát triển xã hội số, kinh tế số, nâng vị thế đất nước lên tầm cao mới.
Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước quy định đối với nguồn DLM khi đăng tải trên Cổng/trang thông tin điện tử, trên Internet phải được đảm bảo đúng theo quy định tại Mục 3 Chương II và khoản 2, Điều 17 Nghị định này. Đồng thời các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, ban hành kế hoạch cung cấp DLM trong phạm vi cơ quan mình đảm bảo cung cấp và duy trì ít nhất một bộ DLM.
Hiện nay, Cổng Dữ liệu quốc gia có địa chỉ: https://open.data.gov.vn, đã cung cấp 10.563 bộ DLM. Bộ TT&TT đã cung cấp 120 bộ dữ liệu, Y tế (63 bộ dữ liệu, LĐ-TB&XH (107 bộ dữ liệu)… nhờ có nguồn DLM này, người dân và DN thuận lợi, dễ dàng tìm kiếm, tra cứu các thông tin cần thiết, hữu ích.