Thanh toán không dùng tiền mặt và câu chuyện thúc đẩy tài chính toàn diện
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:36, 29/04/2021
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tại các quốc gia châu Á
Trong những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là cụm từ được nhắc đến rất nhiều và cũng là mục tiêu mà các ngân hàng hướng tới khi triển khai các sản phẩm dịch vụ theo hướng số hoá.
Về cơ bản, TTKDTM đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách công nghiệp lần thứ tư bùng nổ và đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, tiền mặt hay TTKDTM là phương thức thanh toán ưu việt nhất, dường như câu hỏi đó vẫn chưa có được câu trả lời nhất quán, đặc biệt là ở khu vực châu Á, nơi có những xu hướng dân tộc khác biệt.
Không phải ngẫu nhiên mà TTKDTM lại được xác định là tương lai của nền kinh tế số, quốc gia số. Những lợi ích mà nó mang lại không chỉ đối với Nhà nước mà còn với chính mỗi người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, tiền mặt tiềm ẩn nhiều vi khuẩn có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cho người. Khi dịch Covid-19 diễn ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra khuyến cáo tiền giấy có thể là vật dụng trung gian truyền nhiễm virus corona. Bởi vậy, việc sử dụng các phương thức TTKDTM mà phổ biến là thanh toán điện tử sẽ mang đến lợi ích lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cộng đồng.
Không chỉ vậy, khi sử dụng TTKDTM, người dùng còn có thể dễ dàng kiểm soát chi tiêu, không sợ việc bị trả thiếu tiền hay thậm chí quên không lấy tiền thừa khi mua hàng. Đồng thời, khách hàng sẽ chỉ phải trả đúng số tiền trong hóa đơn mà không xảy ra tình trạng làm tròn lên khi thanh toán.
Đối với Nhà nước, một lợi ích dễ nhận thấy của việc TTKDTM đó cắt giảm được chi phí quản lý, in ấn, kiểm đếm, bảo quản và vận chuyển tiền mặt. Cùng với đó, khi được số hóa, các giao dịch sẽ minh bạch hơn, góp phần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng.
TTKDTM cũng giúp xóa bỏ sự phân biệt giữa người dân ở thành thị, nông thôn, người làm việc tại công sở, người buôn bán nhỏ... Bất cứ ai cũng có thể mở tài khoản thanh toán tại quầy giao dịch ngân hàng hoặc qua eKYC, ví điện tử hay Mobile Money, giúp việc giao dịch từ xa ngày càng phổ biến.
Hàn Quốc dẫn đầu về TTKDTM
Tại châu Á, Hàn Quốc được coi là quốc gia dẫn đầu về TTKDTM. Theo nghiên cứu, chỉ 14% các khoản thanh toán ở Hàn Quốc là liên quan đến tiền mặt. Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh gần như 100%, trong khi nhu cầu tìm kiếm các phương thức thanh toán nhanh chóng và tiện lợi của thế hệ trẻ ngày càng tăng. Trong thời kỳ đại dịch, người Hàn Quốc càng trở nên quen thuộc với các phương thức thanh toán số, khi việc mua sắm trên thiết bị di động chiếm hơn 70% doanh số bán hàng trực tuyến, The Korea Herald đưa tin.
Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, việc sử dụng tiền mặt tại Hàn Quốc đã sụt giảm. Các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang xem xét sử dụng thanh toán qua thẻ ảo và thẻ trả trước. Hàn Quốc cũng đã thông qua một đạo luật mới, theo đó hoạt động lưu trữ và giao dịch tiền điện tử giờ được công nhận bởi luật pháp Hàn Quốc.
Trung Quốc tiến tới xây dựng xã hội không dùng tiền mặt
Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng xã hội không dùng tiền mặt và tập trung vào ứng dụng ví điện tử. Tại quốc gia này, khoảng 60% các khoản thanh toán là TTKDTM, 40% còn lại là bằng tiền mặt. Phần lớn DN đều có mã QR, cho phép khách hàng dùng ứng dụng thanh toán để quét và mua hàng. Điều này phổ biến đến mức chính phủ phải xử phạt các cửa hàng không nhận tiền mặt từ khách hàng, nhấn mạnh rằng đồng Nhân dân tệ vẫn là loại tiền tệ chính thức của Trung Quốc.
Do số lượng dân số lớn nên tỷ lệ TTKDTM của Trung Quốc không cao bằng Hàn Quốc nhưng Trung Quốc vẫn dẫn đầu về thương mại điện tử (TMĐT) trong khu vực. Dự kiến trong năm 2021, khoảng 52,1% doanh số bán lẻ của nước này sẽ đến từ TMĐT. Theo J.P.Morgan, bán hàng qua thiết bị di động chiếm 60% thị phần TMĐT tổng thể tại đây.
Nhật Bản trung thành đối với tiền mặt
Từ lâu, Nhật Bản đã được biết đến với việc sử dụng nhiều tiền mặt. Khoảng 82% các khoản thanh toán tại quốc gia này liên quan đến việc sử dụng tiền mặt và khi đại dịch bùng phát Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích người Nhật chuyển đổi sang thanh toán trực tuyến.
Theo Reuters, tiền tệ lưu thông và tiền gửi ngân hàng của Nhật Bản thậm chí còn tăng với tốc độ kỷ lục trong thời kỳ đại dịch, khiến các DN và hộ gia đình tiếp tục tích trữ tiền mặt. Đối với người cao tuổi, tỷ lệ đó còn cao hơn, do một số người cho rằng sử dụng tiền mặt là một cách để ngăn chặn chi tiêu lãng phí.
Nhìn chung, xã hội Nhật Bản vẫn phụ thuộc nhiều vào tiền mặt, nguyên nhân là do đất nước thường xuyên phải hứng chịu thiên tai. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu tỷ lệ TTKDTM đạt khoảng 40% tổng số giao dịch vào năm 2025, từ mức 20% hiện nay.
Một xã hội không tiền mặt có phải là một xã hội toàn diện?
Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, tình hình cũng diễn ra tương tự. Thụy Điển dự kiến không còn sử dụng tiền mặt vào năm 2023, thay vào đó là thanh toán số hoặc thẻ ngân hàng. Nhiều DN địa phương như nhà hàng và quán rượu, thậm chí các ngân hàng nhỏ, đã ngừng tiếp nhận tiền mặt. Ngân hàng trung ương Thụy Điển cho biết chỉ còn chưa đầy 10% người dân dùng tiền mặt trong năm 2020, so với mức 40% trước đó 10 năm.
Nhiều người tỏ ra lạc quan về một xã hội không tiền mặt, nhưng vẫn có không ít người tin điều này sẽ bỏ rơi nhiều cộng đồng cư dân. Chuyên gia tài chính Erica Sandberg ở San Francisco cũng có chung lo ngại này.
"Chuyển dịch sang xã hội hoàn toàn không dùng tiền mặt sẽ bỏ rơi những người không có tài khoản ngân hàng. Không phải ai cũng có thẻ credit hay debit, hay smartphone trang bị ứng dụng ví điện tử. Một chiếc ví vật lý chứa tiền khi ra khỏi nhà có thể giúp bạn thấy tiền đang hết dần khi tiêu dùng và phải cẩn trọng chi tiêu hơn", bà cho biết.
Tại châu Á, nhu cầu tiền mặt của người dân vẫn sẽ phổ biến đứng từ góc nhìn về tài chính toàn diện và bảo vệ người tiêu dùng. Mục tiêu ban đầu về việc phát triển tài chính toàn diện là đảm bảo rằng tất cả các cá nhân và DN đều có quyền tiếp cận bình đẳng với các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với mức chi phí phải chăng để đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, việc đi taxi, mua hàng tạp hóa hoặc thậm chí thanh toán hóa đơn mà không sử dụng thanh toán di động ngày càng trở nên khó khăn. Thậm chí, tại các cửa hàng nhỏ, họ còn không chấp nhận tiền mặt. Tại Hàn Quốc, hơn một nửa trong số 1.600 chi nhánh ngân hàng không chấp nhận gửi tiền hoặc rút tiền mặt.
Sự phát triển của các công nghệ số đã cải thiện mức độ tiếp cận của các dịch vụ tài chính, nhưng nó cũng đang tạo ra "khoảng cách số", đặc biệt là đối với những người cao tuổi, người dân nông thôn và nhóm thu nhập thấp thiếu thiết bị truyền thông số và khả năng truy cập mạng, thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng các dịch vụ tài chính số.
Tiền mặt cũng là phương thức cần thiết để đáp ứng nhu cầu thanh toán cơ bản của các nhóm đối tượng đặc biệt, bao gồm khách du lịch nước ngoài, người chưa thành niên và người khiếm thị. "Không sử dụng tiền mặt" quá mức sẽ dẫn đến những hệ lụy mới, đi chệch khỏi mục đích ban đầu của việc thúc đẩy tài chính toàn diện.
Mặt khác, khi thanh toán di động phát triển nhanh chóng, một lo ngại khác đối với người tiêu dùng là việc thu thập thông tin cá nhân, dẫn đến việc thông tin liên hệ, hành vi tiêu dùng, sinh trắc học và các dữ liệu khác của người tiêu dùng bị khai thác quá mức.
Sandberg cảnh báo không dùng tiền mặt có thể dẫn tới xâm phạm quyền riêng tư và tự do cá nhân. "Mua sắm mà không bị theo dấu rất quan trọng. Tiền mặt mang đến khả năng giao dịch mà không sợ bị giám sát", bà cho hay.
Các vấn đề về an ninh mạng cũng đang gây ra những tranh cãi lớn. Điển hình là vụ việc 7-Eleven Nhật Bản đã phải dừng tính năng thanh toán di động mới ra mắt có tên 7Pay sau khi xuất hiện lỗ hổng nghiêm trọng cho phép bên thứ 3 thực hiện thanh toán các giao dịch không có thật trên hàng trăm tài khoản khách hàng vào năm 2019. Theo ước tính, đã có gần 900 tài khoản bị tấn công và số tiền bị chiếm đoạt lên đến 55 triệu Yên (tương đương 500.000USD).
Khi người tiêu dùng không chắc chắn về mức độ bảo mật của thanh toán di động, việc lựa chọn sử dụng tiền mặt sẽ giúp giảm nguy cơ thông tin cá nhân và tài sản bị xâm phạm.
Về mặt lý thuyết, tiền mặt có thể được coi là công cụ thanh toán không có rủi ro và là tài sản an toàn, trong khi bất kỳ phương tiện TTKDTM nào phụ thuộc vào các tổ chức tài chính đều có ít nhiều rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và thậm chí là rủi ro đạo đức. Do đó, tùy chọn giữ tiền mặt có thể nâng cao cảm giác an toàn của mọi người.
Nghiên cứu thực tiễn chỉ ra rằng, để đạt được nền kinh tế không tiền mặt đòi hỏi phải tăng cường thúc đẩy tài chính toàn diện. Và để đạt được mức độ tài chính toàn diện cao thì đòi hỏi phải có những chính sách mạnh mẽ phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt hay TTKDTM. Như vậy, việc thúc đẩy nền kinh tế không dùng tiền mặt và tài chính toàn diện có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Mặc dù, cho đến nay vẫn tồn tại những tranh luận về TTKDTM và thanh toán bằng tiền mặt, nhưng xét về bản chất, chúng vẫn sẽ bổ sung cho nhau, không thể thay thế nhau. Phát triển một xã hội không tiền mặt là một hành trình dài, cần thực hiện từng bước nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.