Những kỷ lục về sách và văn hóa đọc
Truyền thông - Ngày đăng : 15:05, 28/04/2021
Từ việc bồi đắp tri thức, nâng cao năng lực cảm nhận về thế giới quan và nhân sinh đến việc người đọc cảm thấy được đồng hành và chia sẻ. Dưới đây là những điều thú vị về kỷ lục của sách và văn hóa đọc.
Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, cuốn sách lớn nhất là This the Prophet Mohamed. Được hơn 50 người cùng viết, cuốn sách này có kích thước 16,40 feet x 26,44 feet, nặng khoảng 1.500 kg và dài 429 trang. Cuốn sách này được tập đoàn Mshahed International Group tại Dubai ra mắt vào ngày 27/2/2012. Ảnh: Arab News.
Từ “Library” (tạm dịch Thư viện) có nguồn gốc từ tiếng Latinh “Liber” (có nghĩa là sách). Trong khi đó, theo Bách khoa toàn thư Britannica.com, "Bibliotheca", từ Hy Lạp được Latinh hóa, là nguồn gốc của từ chỉ thư viện trong các ngôn ngữ Đức, Nga và nhóm ngôn ngữ Roman. Ảnh: India Times.
Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, cuốn The Historical Development of the Heart… của Vityala Yethindra đã trở thành tác phẩm có tên dài nhất thế giới. Cuốn sách được phát hành vào ngày 20/3/2019 và nhan đề gồm 26,021 ký tự, bao gồm nhiều loài vật và câu hỏi cần giải đáp trong cuốn sách. Ảnh: Amazon.
Theo từ điển Macmillan, từ “Abibliophobia” (danh từ) dùng để chỉ nỗi sợ hãi của việc hết những thứ để đọc. Ảnh: India Times.
Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, hiệu sách Bertrand Chiado, mở cửa ở Bồ Đào Nha vào năm 1732, được coi là hiệu sách lâu đời nhất trên thế giới. Ảnh: We Heart Lisbon.
Nhân vật Alice nổi tiếng trong tác phẩm Alice in Wonderland được xây dựng dựa trên một cô bé 10 tuổi có thật tên là Alice Liddell. Gia đình cô bé là bạn thân của Lewis Carroll. Giải thích một cách chính xác hơn thì Henry Liddell, cha của Alice, là ông chủ của Carroll. Ảnh: Penguin Random House.
Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, cuốn sách 13 tập của Marcel Proust A la recherche du temps perdu (được chuyển ngữ sang tiếng Anh thành Remembrance of Things Past) là cuốn tiểu thuyết dài nhất từng được viết trên thế giới. Được viết từ năm 1912, cuốn sách có khoảng 9,609,000 ký tự, bao gồm cả khoảng trắng. Ảnh: Amazon.
Tổng thống thứ 26 của nước Mỹ Theodore Roosevelt là một người đọc nhiều, trung bình một cuốn sách mỗi ngày, ngay cả khi ông là Tổng thống. “Ông ấy thường đọc nhiều cuốn sách cùng một lúc, luân phiên giữa chúng tùy thuộc vào công việc và tâm trạng của ông. Roosevelt đọc nhiều thể loại khác nhau, từ tiểu thuyết và thơ ca cổ điển và đương đại, triết học cổ đại, lịch sử quân sự đến nghiên cứu lịch sử tự nhiên”, theo thông tin trên trang web của Theodore Roosevelt's Libraries. Ảnh: Art of Manliness.
Walter Scott, nhà thơ kiêm tiểu thuyết gia người Scotland đã đặt ra từ “Book-bosomed”, xuất hiện lần đầu tiên trong bài thơ năm 1805 The Lay of the Last Minstrel của ông để mô tả một người luôn mang theo sách bên mình. Ảnh: India Times.
Theo sách kỷ lục Guinness thế giới, cuốn Chaireas & Callirhoe của Chariton, được viết vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, được coi là cuốn tiểu thuyết cổ nhất thế giới. Và cuốn The Golden Ass, còn gọi là Metamorphoses, của Apuleius được viết vào năm 123 sau Công nguyên là cuốn tiểu thuyết Latinh duy nhất còn nguyên vẹn. Ảnh: Amazon.
T.H