Cán bộ công đoàn toàn ngành TT&TT cập nhật Luật lao động (sửa đổi) 2019

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 14:19, 28/04/2021

Nhằm cập nhật những điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) 2019, Công đoàn TT&TT đã tổ chức giới thiệu bộ Luật đến các cán bộ làm công tác công đoàn ngành TT&TT. Bộ Luật được đánh giá đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Cán bộ Công đoàn toàn ngành TT&TT cập nhật Luật lao động (sửa đổi) 2019 - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT Tăng Thị Hoa: Bộ Luật đáp ứng các yêu cầu mới của việc quản lý thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bà Tăng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT cho biết Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, có nhiều điều khoản điều chỉnh quan hệ lao động và các quan hệ chặt chẽ, mật thiết với quan hệ lao động, quy định những nguyên tắc, tiêu chuẩn lao động, quản lý lao động, tạo cơ sở pháp lý trực tiếp cao nhất xây dựng và phát triển quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Đồng thời, bộ Luật đáp ứng các yêu cầu mới của việc quản lý thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn TT&TT, Công đoàn TT&TT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Luật Lao động năm 2019 tới các công đoàn trực thuộc với mục đích nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, người lao động; thể hiện rõ vai trò của tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn trong thực hiện, giám sát thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động, bảo vệ tốt quyền lợi người lao động. Nội dung triển khai thực hiện đầu tiên và khá quan trọng của Kế hoạch là tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Lao động, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật Lao động.

Bà Hoa cho biết: "Đây là những nội dung hết sức quan trọng mà đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp cần kịp thời nắm bắt để tuyên truyền tới công nhân viên chức lao động tại đơn vị mình".

Được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20/11/2019, bộ Luật có kết cấu gồm 17 chương, 220 điều; Sửa đổi, bổ sung 200 điều của Bộ luật lao động năm 2012; sửa đổi Điều 54, 55 và 73 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014; sửa đổi Điều 32 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

TS. Phạm Thị Thanh Huyền, Trường ĐH Công đoàn cho biết: Bộ luật nhằm thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động, việc làm; đảm bảo sự thống nhất với các luật mới ban hành sau Hiến pháp 2013 về lĩnh vực lao động; Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.

Những điểm mới của bộ luật gồm: Mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và người lao động không có quan hệ lao động, ở các khu vực chính thức và khu vực phi chính thức; Phù hợp hơn với các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Bộ luật cũng bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhất là các tiêu chuẩn lao động cơ bản.

Bộ Luật cụ thể hóa hơn các trường hợp được làm thêm trên 200 giờ đến không quá 300 giờ/năm. Cụ thể, các trường hợp được làm thêm giờ gồm: sản xuất, gia công xuất khẩu hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; Phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn; Trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Cán bộ Công đoàn toàn ngành TT&TT cập nhật Luật lao động (sửa đổi) 2019 - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Bộ Luật sửa đổi cũng mở rộng cơ hội việc làm cho lao động nữ. Theo đó, lao động nữ được trao quyền quyết định: làm việc ban đêm, làm thêm giờ hay đi công tác xa; làm hoặc không làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ; Bổ sung các quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Quy định về bảo vệ thai sản trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.

Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc danh mục công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con khi mang thai được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hàng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và các quyền lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bộ Luật cũng điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu là t ừ 01/1/2021; Mốc tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam 62 tuổi vào năm 2028; Nữ 60 tuổi vào năm 2035. Lộ trình tang tuổi nghỉ hưu mỗi năm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ.

LP