Vietnam ICT Index 2020: Bộ, ngành, địa phương, DN ứng dụng CNTT đột phá triển khai chuyển đổi số
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 09:20, 28/04/2021
Bộ Tài chính, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu về chỉ số Vietnam ICT Index 2020
Theo đó, về xếp hạng chung các bộ, cơ quan ngang bộ,cơ quan thuộc chính phủ có dịch vụ công (DVC), Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ TT&TT, Bộ Công thương là 5 đơn vị đứng đầu. Bộ Tài chính là đơn vị đứng đầu 3 năm liên tiếp từ năm 2018 - 2020.
Về xếp hạng chung các cơ quan thuộc Chính phủ không có DVC, trong 7 đơn vị được xếp hạng, Thông tấn xã Việt Nam đứng đầu.
Ngoài ra, Chỉ số ICT Index 2020 còn xếp hạng hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, xếp hạng ứng dụng CNTT. Về xếp hạng ứng dụng CNTT, Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 5 đơn vị dẫn đầu.
Về xếp hạng chung các tỉnh, thành phố Trung ương, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu Chỉ số ICT Index năm thứ 3 liên tiếp. Tiếp theo là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh trong top 5 dẫn đầu. Lai Châu là tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng.
Chỉ số ICT Index 2020 cũng xếp hạng các ngân hàng, theo đó, 34 ngân hàng được xếp hạng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đứng đầu về xếp hạng chung, tiếp theo là các Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Kỹ thương Việt Nam, Nam Á, Việt Á…
Về xếp hạng các tập đoàn, tổng công ty, có 13 tập đoàn, tổng công ty tham gia xếp hạng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đứng đầu về xếp hạng chung.
Ứng dụng CNTT cần đột phá nhằm triển khai thành công Chương trình CĐS quốc gia
Báo cáo Vietnam ICT Index 2020 có 5 phần, cung cấp thông tin về thực trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những đánh giá, xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT dựa trên cơ sở số liệu thu thập được từ các khối: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và Ngân hàng thương mại.
Năm 2020 cũng là năm thứ 5 báo cáo tiếp tục đánh giá, xếp hạng các địa phương trên cả nước về Chỉ số công nghiệp CNTT, với các thành phần là sản xuất CNTT (gồm sản xuất phần cứng, điện tử, sản xuất phần mềm và nội dung số), dịch vụ CNTT và kinh doanh, phân phối CNTT, nhằm phản ánh vai trò then chốt của công nghiệp CNTT nói chung và doanh nghiệp (DN) ICT nói riêng đối với nền kinh tế số, chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, hướng tới xây dựng một Việt Nam số thịnh vượng.
Báo cáo cũng cho biết, năm 2020, chỉ số Viet Nam ICT Index tiếp tục áp dụng phương pháp chuẩn hóa theo Z-Score khi tính các chỉ số thành phần và sử dụng chuyên gia đánh giá độc lập về DVC trực tuyến nhằm đồng nhất với phương pháp tính của Báo cáo Chính phủ điện tử (CPĐT) của Liên hiệp quốc.
Về hệ thống các chỉ tiêu, ICT Index năm nay cơ bản giữ nguyên như năm 2020, bao gồm 3 nhóm chỉ tiêu chính là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng CNTT.
Ngoài ra, bắt đầu từ năm nay, tiếp thu cách tính trong Báo cáo CPĐT của Liên Hợp Quốc, báo cáo cũng đưa ra các giới hạn giá trị đối với một số chỉ tiêu khi tính toán, ví dụ: Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động trên 100 dân sẽ bị giới hạn ở mức 120, tức là nếu tỷ lệ này tính ra lớn hơn 120 thì sẽ lấy bằng 120. Các tỷ lệ người dùng Internet, băng rộng cố định, băng rộng không dây cũng bị hạn chế như vậy; Tỷ lệ máy tính trên cán bộ công chức, viện chức cũng có giới hạn là 1,25 tức là nếu tỷ lệ máy tính/CBCCVC lớn hơn 1,25 thì sẽ tự động được gán giá trị 1,25.
Theo đánh giá, báo cáo năm 2020 là một báo cáo xếp hạng khá đầy đủ, phong phú về số liệu, về các chỉ số xếp hạng chi tiết với nhiều thành phần, có sự so sánh tương quan giữa chỉ số Vietnam ICT Index với các chỉ số kinh tế - xã hội tiêu biểu như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số Thương mại điện tử (EBI). Do vậy, báo cáo được các bộ, ngành, địa phương mong đợi và đánh giá cao.
Việc nâng cao mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT của Việt Nam nói chung cũng như các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, DN nói riêng là hết sức trọng yếu cho việc triển khai các đề án, chiến lược trọng tâm trong thời gian tới như Chương trình CĐS quốc gia, Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển DN công nghệ số Việt Nam - Make in Viet Nam, giúp các bộ, ngành, địa phương nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR, PAPI, và EBI, đồng thời góp phần giúp Việt Nam nâng cao thứ hạng về Chính phủ điện tử trong bảng xếp hạng EDGI của Liên Hợp Quốc.
Trên cơ sở Báo cáo Vietnam ICT Index 2020, Bộ TT&TT mong rằng các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, DN cập nhật được thông tin về thực trạng, thứ hạng về phát triển và ứng dụng tại cơ quan, đơn vị mình, không ngừng phát huy thế mạnh, tư duy sáng tạo để nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển và ứng dụng CNTT đột phá, nhằm triển khai thành công Chương trình CĐS quốc gia, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển ngành công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông tại địa phương.