Chuyển đổi số thúc đẩy TMĐT Việt Nam tăng trưởng, bất chấp đại dịch COVID-19
Kinh tế số - Ngày đăng : 07:30, 27/04/2021
Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam 2021 vừa được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố cho thấy quá trình CĐS, ứng dụng CNTT đã giúp các doanh nghiệp (DN) vượt khó trong đại dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam.
Những chính sách CNTT quan trọng thúc đẩy TMĐT
Theo VECOM, ngoài Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, những chính sách khác liên quan đến ứng dụng CNTT, thúc đẩy phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư và CĐS đã tạo hành lang pháp lý thông thoáng để nền TMĐT Việt Nam tăng trưởng.
Một trong số những chính sách phải kể đến là Quyết định số 749/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3/6/2020, phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định nhấn mạnh thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả, mục tiêu tới năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP.
Một văn bản chính sách khác liên quan chặt chẽ tới TMĐT là Quyết định số 2289/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về CMCN lần thứ tư đến năm 2030. Quan điểm ban hành Chiến lược là lấy cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế và bảo đảm an toàn, an ninh mạng làm tiền đề, đổi mới tư duy quản lý theo cách tiếp cận mở, tạo thuận lợi và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Xu hướng cởi mở, thông thoáng cho sự phát triển của kinh tế số và TMĐT được thể hiện rất rõ ràng trong các chính sách và thỏa thuận thương mại quốc tế những năm gần đây và đặc biệt là năm 2020. Ngoài ra, theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trong số khá nhiều văn bản pháp luật cần bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới, hai nghị định có thể được ban hành trong năm 2021 sẽ tác động đáng kể tới môi trường kinh doanh trực tuyến giai đoạn 2021 – 2025.
Đó là các nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ cần có nỗ lực lớn lao để vừa cân bằng lợi ích của các bên liên quan, vừa phù hợp với đường lối, chính sách được đề ra liên quan tới triển khai CMCN lần thứ tư, CĐS và kinh tế số ở Việt Nam.
DN CĐS, ứng dụng CNTT khi làm TMĐT
Tỷ lệ “chốt đơn” qua mạng xã hội, sàn TMĐT tăng cao
VECOM đã tiến hành khảo sát trên 5.000 DN trong năm 2020 để xây dựng Báo cáo Chỉ số TMĐT 2021. Khảo sát cho thấy gần như 100% DN tham gia khảo sát thường xuyên sử dụng các nền tảng như Facebook Messenger, Zalo, Viber, WhatsApp, Skype... với các mức độ khác nhau. Cụ thể là có tới 62% DN cho biết có trên 50% lao động thƣờng xuyên sử dụng các công cụ trên (cao hơn một chút so với kết quả khảo sát năm 2019), 23% DN cho biết có từ 21% - 50% lao động thường xuyên sử dụng và 15% DN cho biết có dưới 20% lao động thường xuyên sử dụng.
Tỷ lệ DN nhận đơn đặt hàng qua email đang có xu hướng giảm đi trong vài năm trở lại đây, ngược lại các kênh như website, sàn TMĐT và mạng xã hội đang có xu hướng được dùng để nhận đơn đặt hàng tăng lên.
Kết quả khảo sát năm 2020 cho thấy tỷ lệ DN nhận đơn đặt hàng trên sàn TMĐT và mạng xã hội tăng mạnh hơn hẳn so với các năm trước.
Tương tự như trên, tỷ lệ DN tiến hành đặt hàng (mua sỉ B2B) với các đối tác trong năm 2020 cũng tăng cao trên các công cụ như mạng xã hội, sàn TMĐT. Trái lại xu hướng này lại giảm trên các kênh như website và email.
Có thể thấy ngay cả việc kinh doanh B2B, hiện nay DN cũng đã dần chuyển hướng qua các nền tảng mới này.
Rõ ràng xu hướng kinh doanh qua sàn giao dịch TMĐT và các mạng xã hội đang dần tăng cao trong những năm gần đây.
Ứng dụng các phần mềm quản lý
Cứ 100 DN tham gia khảo sát thì có 87 DN cho biết có sử dụng phần mềm kế toán tài chính, tỷ lệ này có thay đổi một chút so với các năm trước và đây cũng là phần mềm được DN sử dụng nhiều nhất. Tiếp theo đó là phần mềm quản lý nhân sự (53% DN có sử dụng phần mềm này).
Ngoài ra, nhóm các phần mềm ở mức cao hơn như quản lý khách hàng (CRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và quản trị nguồn lực DN (ERP) đều có tỷ lệ DN sử dụng rất thấp và không có sự thay đổi nhiều so với những năm trước.
Đối với quy mô DN, các DN lớn có tỷ lệ sử dụng các phần mềm cao hơn hẳn so với nhóm các DN nhỏ và vừa. Đặc biệt trong nhóm các phần mềm chuyên sâu như SCM, CRM và ERP thì DN lớn có tỷ lệ sử dụng lần lượt là 53%, 62% và 57%, trong khi đó các DN nhỏ và vừa có tỷ lệ sử dụng thấp hơn rất nhiều.
Sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử
Bên cạnh đó, 63% DN tham gia trả lời khảo sát cho biết có sử dụng chữ ký điện tử, tăng hơn một chút so với năm 2019. Tương tự như vậy, 33% DN tham gia khảo sát cũng có sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch và tăng hơn một chút so với năm trước.
TMĐT Việt Nam dự báo tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2021, TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và vững chắc. Nhận định này của VECOM có được từ xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong giai đoạn năm năm 2016 – 2020 cũng như kết quả khảo sát hàng nghìn DN trên cả nước.
Khảo sát hàng nghìn DN, VECOM đã tổng hợp các nguồn thông tin và đánh giá nền TMĐT Việt Nam năm 2020 đã tăng trưởng khoảng 15%, đạt quy mô khoảng 13,2 tỷ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc trong năm 2021 cũng như cả giai đoạn tiếp theo tới năm 2025.
Dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong giai đoạn cách ly cao điểm từ tháng Hai đến tháng Tư năm 2020, kênh mua sắm online trở thành kênh duy nhất để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.
Tuy vậy, một điểm nổi bật là trong khủng hoảng, các DN đã trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng CNTT. Các DN nhanh chóng thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh của mình. Nhiều DN đã đẩy mạnh CĐS, đào tạo nguồn nhân lực, khai thác tốt các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.
Quan trọng hơn, với sự thay đổi nhanh hướng về CĐS của DN và mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, có thể nhận định TMĐT Việt Nam tiếp tục tiến bước vững chắc và duy trì được sự phát triển nhanh và bền vững cho cả giai đoạn 2016 – 2025.
Thực tế cho thấy, để phát triển kinh doanh, TMĐT, các DN đã và đang chủ động trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực và ứng dụng CNTT, ứng dụng các phần mềm quản lý và bán hàng. Tuy vậy, theo VECOM, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các DN chuyên cung cấp nền tảng trực tuyến, giải pháp công nghệ, phần mềm, dịch vụ đào tạo... cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Theo VECOM, muốn phát triển TMĐT và nâng cao Chỉ số TMĐT (chỉ số EBI - E-business Index) của địa phương, các cơ quan quản lý địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để phát triển tài nguyên Internet, hạ tầng CNTT, Chính phủ điện tử ở tỉnh.