Phát triển công nghệ nông nghiệp để tạo ra hệ sinh thái tuần hoàn
Xã hội số - Ngày đăng : 16:41, 23/04/2021
Về mặt tích cực, các giá trị mục tiêu và các ưu điểm từ việc ứng dụng công nghệ để phát triển nông nghiệp Việt Nam luôn là điều chúng ta kỳ vọng, mong đợi… Tuy nhiên, trên thực tế chất lượng và hiệu quả đạt được hiện nay của hoạt động này vẫn chưa cao, chưa tạo ra các đột phá phát triển bền vững, bởi lẽ đến nay chúng ta vẫn chưa có một bảng đánh giá tổng quát, khách quan nào về chuyện chuyển đổi số (CĐS) trong ngành này.
Mới đây, hai sự kiện xoay quanh vấn đề về công nghệ nông nghiệp đã diễn ra. Nếu ở sự kiện công bố dự thảo báo cáo tổng quan về CĐS nông nghiệp Việt Nam do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đang xây dựng, lấy ý kiến, ngành Nông nghiệp được cho là đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra các cái "thiếu", " điểm yếu" đáng chú ý về việc sử dụng các ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Còn ở sự kiện "Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong Công nghệ Nông nghiệp 2021 - GRFT" do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS) và Công ty Mekong Business Initiative Innovation (MBI) phối hợp với Cơ quan Sáng tạo đổi mới của Úc tổ chức chính là hoạt động có ý nghĩa, nhằm tạo thêm giải pháp công nghệ, giúp tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản thương mại hóa về các chính sách, đổi mới sáng tạo phát triển nông nghiệp số.
Với mong muốn có cái nhìn khách quan về thực trạng này cũng như nhằm tìm ra các giải pháp khắc phục các hạn chế, tăng cường đẩy mạnh các lợi thế, nền tảng công nghệ nông nghiệp, chúng ta cùng đến với các nội dung đề cập qua hai sự kiện nêu trên.
Ứng dụng công nghệ số nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế
Theo dự thảo báo cáo, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp (DN) ngành nông nghiệp quan tâm tới chuyển đổi số (CĐS) còn rất thấp, nguyên nhân chính tạo ra sự cản trở việc CĐS trong nông nghiệp hiện nay chính là việc thiếu kinh phí và thiếu nguồn nhân lực hoặc bộ kỹ năng phù hợp.
Bên cạnh đó, công nghệ số mặc dù đã được áp dụng trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển… nhưng trong từng khâu đang có sự chênh lệch về tỷ lệ không đồng đều, nhiều nhất vẫn là quá trình kinh doanh với tỷ lệ 84,1%.
Nhiều DN đang phải tự tìm kiếm, mò mẫm cách thức mà dần đến nhiều phương pháp áp dụng công nghệ chưa đúng, gây lãng phí chi phí và nhân lực của tổ chức; thiếu nguồn thông tin chính xác, cập nhật, hiệu quả cho từng đặc trưng doanh nghiệp; DN vẫn sử dụng sự liên kết trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng áp dụng công nghệ số còn nhiều hạn chế…
Chỉ ra những điểm nghẽn "số" báo cáo cũng nhấn mạnh đến khó khăn đối với ba ngành trụ cột chính: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Với ngành trồng trọt, điểm nghẽn trong việc CĐS ở mặt chủ quan là những khó khăn: Lựa chọn, thiết kế nền tảng phù hợp với doanh nghiệp; thay đổi nhận thức, thói quen của nhân viên, văn hóa của DN; sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia; năng suất, số lượng,chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi…
Cũng gặp khó khăn như trồng trọt, chăn nuôi còn thiếu sự đầu tư về cơ sở hạ tầng số hóa; thiếu công cụ cho quá trình chuyển đổi; nhận thức về CĐS đối với các hộ nông dân thì vẫn là một khái niệm xa vời, số hóa mới ở thời điểm sơ khai…
Ngành thủy sản cũng vậy, hiện phát triển còn manh mún, chưa chuẩn hóa diện rộng các quy trình khoa học công nghệ hiện đại, các phương thức tiếp cận tài trợ, chưa thu hút nhiều dự án nghiên cứu khoa học; tư duy, nhận thức của người dân và DN về CĐS còn nhiều hạn chế...
GRAFT thuộc khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation (có nguồn hỗ trợ kinh phí phát triển trị giá 11 triệu đô la Úc) và lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường hệ thống đổi mới, nắm các cơ hội liên quan đến công nghiệp 4.0, định hình chương trình đổi mới về khoa học công nghệ. GRAFT giúp tìm kiếm các DN AgriTech trưởng thành tại Việt Nam và trên thế giới, đồng thời sẽ lựa chọn ít nhất 6 doanh nghiệp hàng đầu để tham gia 12 – 15 tuần hỗ trợ mở rộng quy mô, bao gồm những buổi tư vấn riêng với mạng lưới các chuyên gia. Đặc biệt, GRAFT giúp các DN khi được lựa chọn cũng sẽ có cơ hội giao lưu với những nhà lãnh đạo ngành, các nhà đầu tư và các đơn vị phát triển thị trường để hợp tác và đánh giá kỹ thuật trước khi tham gia chuyển khảo sát thực tế chuyên sâu và kết nối hợp tác kinh doanh. Chương trình sẽ kết thúc nhận hồ sơ trực tuyến vào 14/05/2021.
Như vậy, mặc dù trên đây chỉ là các ý kiến đưa ra trong báo cáo dự thảo, nhưng đã phần nào cung cấp cho chúng ta những thông tin khách quan, đa chiều và chân thực về lĩnh vực, hoạt động của ngành này hiện nay.
Cũng từ những hạn chế, thực trạng chỉ ra này, dự thảo báo cáo mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, xây dựng rộng rãi từ mọi tầng lớp nhân dân, các chuyên gia, nhà quản lý, DN… nhằm giải bài toán công nghệ trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp số đạt được nhiều thành công lớn hơn.
"Qua báo cáo dự thảo lần này, hy vọng những năm năm tiếp theo, báo cáo sẽ được định hướng theo hướng đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, lấy DN làm trung tâm, sự thành công của DN trong quá trình ứng dụng công nghệ số, những tiến bộ, tính phù hợp của chính sách vĩ mô… giúp ngành nông nghiệp phát triển, CĐS mạnh mẽ", báo cáo nhấn mạnh.
Phát triển công nghệ nông nghiệp để tạo ra hệ sinh thái toàn hoàn
Ngoài việc bổ sung thêm giải pháp công nghệ cho phát triển nông nghiệp số Việt Nam, chương trình "Thúc đẩy Đổi mới sáng tạo và Đầu tư trong công nghệ nông nghiệp 2021 - GRFT" còn mở ra cơ hội hỗ trợ các DN công nghệ nông nghiệp (AgriTech) mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác; tạo hệ sinh thái công nghệ nông nghiệp đa dạng để phát triển; thúc đẩy, thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác đối tác công - tư…
Khẳng định về tầm quan trọng của công nghệ trong phát triển nông nghiệp, theo ông Nguyễn Đức Tùng, Tổng Thư ký VIDA, công nghệ giờ đây không thể đi riêng, phải gắn liền với bài toán giải quyết được vấn đề thị trường và sản xuất.
Do đó, để giải quyết bài toán này VIDA đã luôn nỗ lực kêu gọi, hợp tác với các đối tác là các công ty, tập đoàn nước ngoài có thế mạnh công nghệ trong phát triển nông nghiệp và Úc là một quốc gia điển hình, có thế mạnh về các sản phẩm công nghệ nông nghiệp (agtech) và thực phẩm (foodtech).
Chương trình GRAFT được xây theo mục tiêu tối ưu hóa công nghệ trong sản xuất nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và là cầu nối tạo ra những hàm lượng công nghệ từ cộng đồng khởi nghiệp, giải quyết bài toán cụ thể của cộng đồng DN đang đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
"Phát triển công nghệ nông nghiệp sẽ hàn gắn những mắt xích, tạo thành những chuỗi sản xuất khép kín - hệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp - nền kinh tế tuần hoàn, qua đó, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hoàn thiện thành công vai trò trụ đỡ nền kinh tế, đặc biệt trong năm 2021...", Tổng Thư ký VIDA nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Thư ký VIDA, hiện nay thách thức của ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt chính việc cần thay đổi tư duy để phát triển, chuyển từ sản xuất hàng hóa nông nghiệp giá trị thấp sang giá trị hàng hóa nông nghiệp giá trị cao, người nông dân cần cần chuyển từ những mô hình nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp công nghệ tri thức, tạo ra các giá trị gia tăng, phát triển, chuyển đổi.
VIDA luôn mong muốn khuyến khích tất cả giá trị hàm lượng công nghệ cao đến với chương trình và đáp ứng được tiêu chuẩn chung là góp phần thúc đẩy CĐS cho nông nghiệp Việt Nam nhanh và hiệu quả nhất.
Do đó, để hướng tới nền kinh tế số nông nghiệp – nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, chúng ta phải đảm bảo được đầu vào của quy trình này chính là đầu ra của quy trình kia và sau đó lại tiếp tục quay vòng tròn trở lại, không dừng, không kết thúc.
"Hệ sinh thái nông nghiệp việt Nam là một mảnh đất màu mỡ và sản phẩm nông nghiệp không phải là sản phẩm cuối cùng, nó mang tính chất liên hoàn rất lớn, và để đáp ứng xu hướng đó, chúng ta cần chủ động, tích cực để tiếp cận, tối ưu hóa các lợi thế, lợi ích từ cuộc CMCN 4.0 để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp Việt Nam phát triển", ông Tùng nhấn mạnh.
Đồng tình với các quan điểm của ông Tùng, bà Phạm Hoàng Ngân, Giám đốc công ty CP Nghiên cứu và đầu tư kinh doanh nông nghiệp sáng tạo (INARI) cho biết thêm GRFT đã xây dựng được nhóm đối tác trong ba nhóm ngành trụ cột: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để các đối tác có tâm huyết, mong muốn chuyển đổi phát triển nông nghiệp Việt Nam; đưa ra các vấn đề cụ thể, giải quyết các thách thức, giúp định hướng cho các DN công nghệ đưa ra các giải pháp sát với nhu cầu thị trường, quản trị tốt hơn đối với các nhóm ngành này.
"Khi DN tham gia GRFT chính là cơ hội để DN tham gia cung cấp các giải pháp cho các thách thức, vấn đề hạn chế đang tồn tại, điều này sẽ mở những"nút thắt" để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời là kênh nghiên cứu, phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp không chỉ bó hẹp trong phạm vi trong nước mà còn giúp nông nghiệp Việt Nam vươn tầm ra quốc tế", Giám đốc Ngân nhấn mạnh.
Ông Phan Vinh Quang, Giám đốc MBI kêu gọi, thông qua chương trình phát động này, hy vọng các DN khi nộp đơn đăng ký các dự án sáng tạo của mình, cần làm rõ giải pháp để có thể giải quyết các thách thức của ngành, đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng tích cực mang lại cho cộng đồng xã hội và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam.
"Đặc biệt, các giải pháp công nghệ khi tham dự gửi về GRAFT phải thể hiện rõ các ưu điểm, tiêu chí, giải pháp đảm bảo sự phát triển như: Khả năng thương mại hóa, tác động của nó đối với môi trường, cuộc sống, ngành nông nghiệp …", ông Quang nhấn mạnh.
Như vậy, thiết nghĩ giờ đây để phát triển nông nghiệp số Việt Nam, bên cạnh việc các cơ quản lý nhà nước kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách quản lý… luôn cần tích cực, tăng cường các chương trình hội nghị, hội thảo nhằm đổi mới, tìm ra các sáng kiến mới, các dự án đầu tư mới hiệu quả; các giải pháp mới toàn diện, phù hợp để ứng dụng các lợi thế công nghệ cho phát triển nông nghiệp. Vì chỉ khi làm tốt điều này, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn - kinh tế số nông nghiệp tuần hoàn để phát triển nông nghiệp Việt Nam toàn diện, đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng số hóa bền vững.