Lai Châu: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông toàn diện có trách nhiệm về ATTP
Truyền thông - Ngày đăng : 10:36, 23/04/2021
Chủ đề của Tháng hành động năm 2021 là "Đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới", được thực hiện từ ngày 15/4 - 15/5 trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo đó, Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu đó là tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; Đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, kiểm tra tại các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với các vấn đề liên quan đến ATTP, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP (nếu xảy ra trên địa bàn quản lý).
Hội nghị triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Sở Y tế Lai Châu)
Trong thời gian vừa qua, hoạt động tuyên truyền về ATTP được các cấp, ngành quan tâm đẩy mạnh cả về hình thức, nội dung kịp thời phản ánh tới người dân. Cụ thể: phát thanh trên loa phát thanh các xã, phường, thị trấn 1.201 lượt; nói chuyện lồng ghép 1.928 buổi với 61.443 lượt người nghe; tuyên truyền lưu động được 39 buổi; chiếu phim lưu động 20 buổi với 34.400 lượt người xem…
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP được đẩy mạnh, tăng cường phối hợp liên ngành, đảm bảo tính nghiêm túc; phát hiện xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm, kết hợp tuyên truyền phổ biến các quy định của luật pháp góp phần ngăn chặn các hành vi nguy cơ mất ATTP, giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2020, tổ chức 10.836 lượt thanh tra, kiểm tra, giám sát, trong đó cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh là 3.933/4.402, phát hiện 526 cơ sở vi phạm. Xử lý hành chính 68 cơ sở với số tiền trên 48 triệu đồng; 197 cơ sở hủy sản phẩm với số tiền trên 38 triệu đồng; 453 cơ sở bị nhắc nhở và 2 cơ sở buộc đóng cửa tạm thời.
Năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm ở các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường với tổng số 408 người ăn, 32 người mắc và trong đó có 1 người tử vong.
Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, đồng chí Bùi Tiến Thanh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu đề nghị các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, cộng đồng, đặc biệt các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở thực phẩm theo phân cấp, theo ngành quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP.
Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GMP, HACCP… Đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện chương trình hành động vì ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo theo mục tiêu và nhiệm vụ đề ra.