Triển khai các dịch vụ ĐTTM đóng góp phát triển tỉnh Vĩnh Long
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:11, 22/04/2021
Để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, tỉnh Vĩnh Long xác định động lực phát triển giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển các lĩnh vực trọng điểm như: phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng và năng suất cao; tập trung phát triển du lịch sinh thái gắn du lịch văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống và du lịch nghỉ dưỡng; đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường giao thông quan trọng nhằm tăng cường kết nối với các thành phố lớn; xây dựng thành phố Vĩnh Long trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM), phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển...
Kết quả triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM tại Vĩnh Long
Để thúc đẩy phát triển các dịch vụ ĐTTM, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh Vĩnh Long, từ cuối năm 2019, UBND tỉnh đã có công văn đăng ký thí điểm dịch vụ ĐTTM năm 2020. Tháng 2/2020, Sở TT&TT tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Tổ triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Đến tháng 12/2020, Sở TT&TT thành lập Tổ chuyên gia đánh giá triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM của tỉnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các dịch vụ ĐTTM của tỉnh Vĩnh Long đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Dịch vụ phản ánh hiện trường đã được tích hợp trong ứng dụng di động Smart Vĩnh Long, cho phép người dân gửi phản ánh, kiến nghị của mình tới chính quyền trong các lĩnh vực: khoa học công nghệ, thông tin và truyền thông, đô thị, giao thông vận tải, môi trường, an ninh trật tự, điện, giáo dục, nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên nước, quản lý thị trường, y tế và du lịch. Tính đến hết tháng 12/2020, dịch vụ đã tiếp nhận 113 kiến nghị, xử lý 109 kiến nghị. Nhìn chung, bước đầu dịch vụ đã được người dân đón nhận.
Dịch vụ giám sát điều hành giao thông trong phạm vi triển khai thí điểm, tỉnh đã kết nối 15 camera giao thông về Trung tâm IOC của tỉnh để giám sát, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích hình ảnh để phát hiện và ghi nhận các lỗi vi phạm giao thông, thông báo, cảnh báo trên hệ thống về các tình huống vi phạm giao thông.
Dịch vụ giám sát an ninh, trật tự đô thị đã kết nối một số camera sẵn có về Trung tâm IOC để thực hiện giám sát tình hình an ninh trật tự đô thị. Tuy nhiên, hệ thống chưa áp dụng các giải pháp thông minh giúp nhận diện, phát hiện các tình huống mất an ninh trật tự.
Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng đã giám sát thông tin từ các nguồn báo điện tử, một số mạng xã hội và bao gồm một số tiện ích cho cán bộ, công chức như xem các tin, bài nổi bật, báo cáo thông kê, cảnh báo tin bài, truy vết tin bài vi phạm.
Dịch vụ y tế thông minh được tích hợp trong ứng dụng di động phục vụ người dân, cung cấp thông tin trong lĩnh vực y tế cho người dân như: số điện thoại cấp cứu, bản đồ y tế, tra cứu bảo hiểm y tế (BHYT), tra cứu thuốc, cẩm nang sức khỏe,... Ngoài ra, dịch vụ cũng kết nối 32 camera theo dõi y tế trên địa bàn TP. Vĩnh Long về Trung tâm IOC để giám sát.
Dịch vụ giáo dục thông minh được tích hợp trong ứng dụng di động phục vụ người dân, cung cấp thông tin trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cho người dân như bản đồ giáo dục, tra cứu thông tin tuyển sinh, học online, học trực tuyến.
Dịch vụ du lịch thông minh được tích hợp trong ứng dụng di động phục vụ người dân, cung cấp thông tin phục vụ người dân và du khách bao gồm cẩm nang du lịch, bản đồ du lịch, Vĩnh Long Tourist,...
Về dịch vụ giám sát dịch vụ công (DVC), Trung tâm IOC của tỉnh đã kết nối với Cổng cung cấp DVC trực tuyến của tỉnh để tích hợp các thông tin về tình hình xử lý DVC nhằm thực hiện giám sát tại IOC. Ngoài ra, hệ thống cũng kết nối tín hiệu 51 camera tại Trung tâm hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa một số huyện để thực hiện giám sát hình ảnh tại khu vực tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính.
Về ứng dụng phục vụ chính quyền, lãnh đạo chính quyền, cán bộ, công chức đã có thể truy cập ứng dụng qua web hoặc ứng dụng di động IOC Vĩnh Long. Ứng dụng cho phép theo dõi chỉ tiêu kinh tế xã hội của tỉnh, các dữ liệu báo cáo, tích hợp thông tin từ các hệ thống chính quyền điện tử để theo dõi tiến độ, kết quả xử lý, hệ thống chỉ đạo, điều hành và tương tác nội bộ, hệ thống họp thông minh, lịch làm việc.
Ứng dụng phục vụ người dân Smart Vĩnh Long đến tháng 02/2021 đã có 3.896 lượt tải, hỗ trợ 02 nền tảng di động lớn là Android và iOS. Ứng dụng đã tích hợp các dịch vụ phục vụ người dân bao gồm phản ánh hiện trường, giáo dục, y tế, du lịch thông minh.
Theo báo cáo của tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM theo hướng dẫn của Bộ TT&TT. Đến nay, nhiều ứng dụng CNTT trong chính quyền điện tử đã được triển khai nhưng nhìn chung hầu hết chưa được chia sẻ và kết nối (chủ yếu kết nối các ứng dụng trong dự án xây dựng chính quyền điện tử) nên khó khăn cho tổng hợp, phục vụ công tác quản lý, điều hành cho Lãnh đạo các cấp.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM năm 2020 đã có những kết quả nổi bật. Các ứng dụng được xây dựng phù hợp cho tất cả thiết bị (máy tính bàn, laptop, tivi, iPad, điện thoại thông minh,...) cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, ứng dụng smart Vĩnh Long ngày càng hoàn thiện và đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của người dân.
Theo Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, việc triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM đã giúp địa phương bước đầu tiếp cận với các nội dung còn mới trong phát triển ĐTTM trong khi chưa phải mất chi phí triển khai. Kết quả triển khai thí điểm sẽ giúp địa phương có được kinh nghiệm từ thực tiễn khi triển khai chính thức về sau.
Định hướng cho phát triển các dịch vụ ĐTTM giai đoạn tới
Dựa trên các kết quả thí điểm, Sở TT&TT Vĩnh Long cho biết sẽ sẽ phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh đề án tổng thể triển khai dịch vụ ĐTTM tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030
Sở TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng Trung tâm giám sát, điều hành dịch vụ ĐTTM, trong đó tập trung thực hiện các kết nối, chia sẻ dữ liệu đối với hệ thống, dịch vụ đã triển khai trước đó từng bước hình hành hệ thống đồng bộ, thống nhất; Tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao sử dụng cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và đến cấp xã để phát huy hiệu quả sau khi triển khai. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường phối hợp và sử dụng các ứng dụng đã triển khai trong dịch vụ ĐTTM.
Sở TT&TT cũng đề nghị các đơn vị có liên quan trên địa bàn tích cực sử dụng các ứng dụng họp thông minh, hệ thống KPI và các chỉ tiêu kinh tế ngành.
Để việc triển khai thí điểm đạt được kết quả tốt hơn, Cục Tin học hóa đã đề nghị các dịch vụ ĐTTM tỉnh Vĩnh Long phải hướng đến phục vụ người dân, cần được đề xuất, thiết kế dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) và cách họ muốn tương tác với chính quyền. Do vậy, cần phải xây dựng công cụ cho phép đo lường mức độ quan tâm, mức độ hài lòng và mức độ sử dụng dịch vụ của người sử dụng để ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ; Thiết lập cơ chế để tiếp nhận và kịp thời xử lý các phản ánh của người dân, DN đối với việc sử dụng dịch vụ.
Cục Tin học hóa đề nghị Sở TT&TT tham mưu lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành liên quan cùng phối hợp, tham gia triển khai, đồng thời ban hành các quy chế cần thiết để bảo đảm vận hành các dịch vụ ĐTTM, đặc biệt là việc nhập dữ liệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan trong tỉnh.
Tiếp theo, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc triển khai dịch vụ ĐTTM phải được tiếp tục đẩy mạnh. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn cho các đối tượng người sử dụng là cán bộ, công chức và người dân, DN để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ cần được tổ chức.
Cũng theo Cục Tin học hoá, các hệ thống, dịch vụ ĐTTM phải phù hợp với yêu cầu của người sử dụng mới chỉ là bước đầu tiên, bảo đảm khai thác hiệu quả các hệ thống, dịch vụ ĐTTM mới là việc quan trọng.