Nhờ chuyển đổi số, Rạng Đông tăng trưởng hơn 38% doanh thu trong quý 1/2021
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:42, 20/04/2021
Thông tin trên được Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông đưa ra tại buổi gặp mặt báo chí giới thiệu chuỗi sự kiện hướng đến Lễ báo công với Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 57 năm người về thăm công ty và Rạng Đông tròn 60 tuổi ngày 20/4.
Rạng Đông "hái quả ngọt" nhờ CĐS
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông cho biết, năm 2020 khi công ty bắt đầu đồng bộ CĐS thì gặp ngay đại dịch Covid-19 nên kết quả tăng trưởng không được như kỳ vọng, cao nhất quý 4/2020 mới chỉ tăng trưởng được khoảng 20%, thấp hơn con số mục tiêu là 28%.
"Chưa kể đến, do là năm đầu tiên tiến hành CĐS, chúng tôi vừa làm vừa học, mặc dù có được sự hỗ trợ của tổ tư vấn chuyên gia cũng như các đơn vị liên quan thì kết quả tăng trưởng vẫn chưa thực sự tốt", ông Thăng chia sẻ.
Tuy nhiên, đến quý 1/2021, khi CĐS đã có sự "xâm nhập" tốt hơn trong nội bộ công ty, Rạng Đông đã có "quả ngọt" khi doanh thu đạt mức 1.532 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch và tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2020. "Điều này cho thấy, việc CĐS, thay đổi chiến lược công ty, chiến lược sản phẩm đã đóng góp lớn vào việc tăng trưởng của công ty", ông Thăng cho biết.
Việc CĐS của Rạng Đông được bắt đầu thực hiện đồng bộ từ năm 2020 trong chiến lược đến 2025. Kể về quá trình hình thành chiến lược CĐS, ông Thăng cho biết, quá trình này được bắt đầu chuẩn bị từ ngày 1/7/2019, khi Rạng Đông thành lập Ban dự thảo Chiến lược CĐS, sau đó đến tháng 10/2019, phiên bản đầu tiên đã được dự thảo. Mặc dù vậy, những phiên bản này của Rạng Đông còn khá "ngây thơ", khi nghĩ rằng tự động hóa máy móc dây chuyền là đã CĐS nên dự thảo đầu còn được mang tên "Thúc đẩy nhanh CĐS". Khi đó, các chuyên gia đã bảo với lãnh đạo công ty là "đã làm được gì về CĐS đâu mà thúc đẩy nhanh".
Tháng 11/2019, Bộ Công thương và SIEMENS đã về làm việc với Rạng Đông để đánh giá mức độ sẵn sàng của công ty. Dù được đánh giá tốt về chiến lược, tầm nhìn lãnh đạo nhưng công ty chưa có sự kết nối dữ liệu giữa các bộ phận với nhau. Từ đó, ban lãnh đạo Rạng Đông đã rút kinh nghiệm trong bản chiến lược CĐS của mình để bắt đầu thực hiện CĐS trong năm 2020.
Mặc dù vậy, việc tăng trưởng doanh thu 38,4% của quý 1/2021 còn đến từ quá trình chuẩn bị cho việc CĐS của Rạng Đông từ năm 2016-2019. Bởi vì, CĐS là một quá trình liên tục không có điểm dừng và theo hình "xoáy trôn ốc" liên tục hoàn thiện. "CĐS phải có quá trình chuẩn bị từ trước đó thì mới có thể thành công được", Tổng Giám đốc Rạng Đông chia sẻ.
Trong quá trình 60 năm thành lập, Rạng Đông đã từng chuyển 4 tầng công nghệ (đèn dây tắc, đèn tuýp, đèn LED tĩnh, đèn LED 4.0 thông minh tự điều chỉnh nhờ cảm biến) và may mắn đều thành công, mỗi lần như vậy công ty lại củng cố thêm vị trí hàng đầu của mình.
Chia sẻ về quá trình CĐS của công ty, nhất là đối với những sản phẩm thuộc tầng công nghệ thứ 4 – hệ sinh thái LED 4.0, ông Thăng cho rằng, Rạng Đông coi hệ thống này là sản phẩm lõi, lâu dài của công ty trong 10-20 năm tới. Hiện các sản phẩm này mới chỉ chiếm 20% doanh thu nhưng mục tiêu sẽ tăng lên 80% doanh thu vào năm 2025. Tuy nhiên, để thay đổi chiến lược, dùng hệ sinh thái LED 4.0 làm sản phẩm chính thì công ty phải có sự tái cấu trúc lại từ nhân sự, cơ sở hạ tầng, dịch vụ kèm theo như cài đặt, hướng dẫn người dùng, hệ thống phân phối… trong khi thị trường vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận những sản phẩm này. Vì thế, nếu Rạng Đông triển khai CĐS, dồn toàn lực cho hệ sinh thái đèn sử dụng tầng công nghệ mới nhất (LED 4.0) thì công ty sẽ sụp đổ ngay lập tức.
Do đó, Rạng Đông vẫn phải áp dụng mô hình lai, một mặt phát triển CĐS, làm mới mô hình kinh doanh truyền thống với hệ thống đèn LED tĩnh, mặt còn lại phải phát triển thật nhanh mô hình kinh doanh mới để chuẩn bị cho thị trường trong thời gian tới. "Phần lớn doanh thu, lợi nhuận của Rạng Đông hiện nay vẫn đến từ sản phẩm truyền thông, vì hệ sinh thái LED 4.0 dù chiếm 20% doanh thu nhưng lại mất nhiều chi phí cho việc giới thiệu, tiếp thị sản phẩm nên chưa mang lại nhiều lợi nhuận". ông Thăng chia sẻ.
Ngoài ra, do Rạng Đông vẫn kinh doanh tốt mà bắt buộc mọi người phải thay đổi thói quen, phải CĐS là điều rất khó. Vì thế, công ty chọn cách CĐS một phần, để cán bộ công nhân viên nhìn vào đó và thấy CĐS là tốt, đem lại hiểu quả cao cho công việc thì mới dần dần chấp nhận thay đổi, từ đó tăng năng suất lao động. Ngoài ra, Rạng Đông cũng cung cấp những công cụ để các trưởng bộ phận giám sát các nhân viên bán hàng của mình một cách dễ dàng hơn theo thời gian thực.
Xây dựng hệ sinh thái smarthome "Make in Vietnam" đầu tiên
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện sáng tạo và CĐS, nếu như trước kia, cạnh tranh chỉ đến từ những công ty có năng lực tương đồng nhau thì hiện nay còn diễn ra cạnh tranh bất đối xứng, giữa những công ty truyền thống, lâu đời với những startup, tiếp cận công nghệ mới và hiểu khách hàng hơn.
"Cạnh tranh trong thời đại số đòi hỏi tính thích ứng cao và phản ứng nhanh hơn, giống như một trận bóng, mỗi doanh nghiệp cần một đấu pháp hợp lý, theo diễn biến trận đấu", ông Tuấn chia sẻ.
Là một người tư vấn về CĐS cho Rạng Đông, ông Tuấn cho rằng, công ty đang sử dụng "đấu pháp" 5 (Tăng) - 3 (Giảm) - 2 (Xoá). Cụ thể, CĐS công ty Rạng Đông hướng đến: Tăng năng suất, doanh thu; Tăng trải nghiệm khách hàng bằng cách làm nhân viên hài lòng với công ty, môi trường làm việc; Tăng tính hiển thị để người quản đốc giám sát được hoạt động của từng dây chuyền thông qua smartphone; Tăng độ phân giải, liên quan đến dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ số để nắm rõ người dùng, điều khiển đèn trong từng ngôi nhà, thành phố … thông qua công nghệ IoT; Tăng tính thích nghi của tổ chức, đây là điểm mạnh của Rạng Đông, thay đổi khi các sản phẩm truyền thống vẫn đang kinh doanh tốt.
Còn đối với 3 giảm, ông Tuấn cho rằng, CĐS của công ty sẽ giúp giảm chi phí vận hành, giảm phiền hà cho khách hàng, người dùng, nhân viên và giảm thời gian từ ý tưởng đến sản phẩm. "CĐS Rạng Đông hướng tới sẽ giúp xóa các "ốc đảo" – chính là các phòng ban, giúp chia sẻ thông tin với nhau tốt hơn, xóa các chuỗi trung gian, đẩy nhanh quá trình sản phẩm đến tay khách hàng", ông Tuấn cho biết thêm.
Hệ sinh thái LED 4.0 sẽ là một trong số những trọng tâm của công ty, dù chưa đem lại tỷ trọng doanh thu lớn. Trong nguyên lý "đường cong chấp nhận công nghệ", những công nghệ mới ban đầu sẽ chỉ có 2,5% những người tiên phong yêu thích công nghệ, có khả năng tài chính mua sản phẩm; Giai đoạn sau sẽ có khoảng 13,5% những người chấp nhận sớm.
"Nếu chúng ta xây dựng sản phẩm khi "đường cong" đến giai đoạn giữa thì thị phần sẽ thuộc về tay đối thủ nên Rạng Đông cần bắt tay thực hiện hệ sinh thái LED 4.0 từ ngay giai đoạn đầu tiên, khi thị trường chỉ có 2,5% tiếp nhận sản phẩm, thì mới có thể tăng doanh thu theo cấp số nhân trong tương lai", ông Tuấn chia sẻ.
Hệ sinh thái LED 4.0 của Rạng Đông sẽ được ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống, từ nhà thông minh (smarthome), giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, giáo dục cho đến y tế. Sản phẩm này cũng là điển hình cho CMCN 4.0 tích hợp nhiều công nghệ như IoT, đám mây, di động, dữ liệu lớn cũng như khả năng tương hợp, kết hợp tốt với hệ sinh thái của các công ty khác. Kết quả LED 4.0 của Rạng Đông là kết quả của quá trình đổi mới sáng tạo, kết hợp nguồn tri thức bên trong và bên ngoài khi hợp tác với các công ty như VNPT, FPT.
"Rạng Đông đang kết hợp với các đối tác công nghệ để tạo ra hệ sinh thái ngôi nhà thông minh đầu tiên tại Việt Nam. Bởi vì, nếu Việt Nam không có những hệ sinh thái Make in Vietnam đủ mạnh thì dữ liệu - tài nguyên quý giá nhất của nền kinh tế số sẽ rơi vào tay các công ty nước ngoài", ông Tuấn kết luận.