Founder Hùng Đinh: Từ khởi nghiệp “ngược đời”, vụ mất tiền triệu đô chưa từng kể, đến giấc mơ làn sóng tỷ phú mới với Blockchain và CryptoCurrency
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 15:11, 20/04/2021
Hùng Đinh là một trường hợp khá đặc biệt trong làng startup Việt. Không học công nghệ thông tin nhưng lại chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực này và một mình. Chưa hết, anh còn chọn luôn thị trường quốc tế cho sản phẩm đầu tiên của mình. Thế nhưng, Hùng Đinh với JoomlArt lại là một thành công rất lớn, với sản phẩm có tới 50 triệu người dùng trên toàn thế giới, đưa anh trở thành triệu phú đôla từ rất sớm.
Điểm đặc biệt khác là dù rất thành công với JoomlArt nhưng trong nhiều năm, Hùng Đinh "vô danh" ở Việt Nam vì chẳng ai biết anh làm gì, thậm chí với cả những thành viên trong gia đình.
Yêu thích công nghệ thông tin và sau này khởi nghiệp cũng với ngành đó nhưng vì sao Hùng lại chọn Đại học Ngoại thương để thi?
Mình rất thích CNTT nhưng ngày ấy lại học chuyên Anh ở trường Phan Bội Châu (Nghệ An). Mà chuyên Anh thì gần như con đường vào đại học ngày xưa sẽ đi theo lối mòn, học khối D thì phải thi Ngoại giao, Ngoại thương mới sang chảnh. Theo kiểu trào lưu ấy.
Hồi ấy, định hướng về lập nghiệp không rõ, không xuất phát từ việc mình muốn làm gì hay thích làm gì mà là cái gì đấy được đánh giá cao thì mình thi vào thôi chứ không phải đi theo đam mê như bây giờ.
Còn khi đi học Đại học Ngoại thương nhưng mình cũng thi vào Aptech và được học bổng toàn phần. Tuy nhiên, mình không muốn làm phiền gia đình nên cứ tự học thôi.
Sau này mình cũng rút ra kết luận: việc học là cả đời, chứ không hẳn chỉ có học ở trường. Mình học trong công việc, khi nghiên cứu... và CNTT là tự học
Hùng tự học về công nghệ thông tin ra sao?
Mình chủ yếu lên Internet tự học và nghiên cứu là chính. Hồi đó Internet còn khó khăn lắm, ra quán cà phê Internet ở Hà Nội là mấy nghìn một phút, khá là tốn kém. Sau đó, quán cà phê Internet trên phố Ngô Tất Tố có chương trình 25k ngồi cả ngày là mình lên ngồi từ 8h sáng đến 12h đêm, ăn uống tại chỗ vì đơn giản nếu ra ngoài là lại bị tính tiền thêm 25k (cười lớn).
Rồi mình đi làm cộng tác viên dịch cho Vietnamnet (lúc đó là vnn.vn), viết bài cho góc eCommerce, nhưng đến đấy chủ yếu là để dùng Internet là chính. Cũng từ đó, mình góp nhặt được nhiều kiến thức về thị trường CNTT thế giới, phát hiện ra cơ hội để làm JoomArt sau này.
Nghe kể ngày xưa Hùng trọ cùng một nhà với Hùng Trần (founder Got It) và nhiều bạn Đại học Bách Khoa khác. Lúc ấy, có khi nào Hùng nghĩ là mình chọn sai trường không?
Không chắc là nếu học Bách khoa thì có đi làm công nghệ không nhỉ, có khi lại làm việc khác cũng nên (cười), và mình không nghĩ là học Ngoại thương thì không thể làm công nghệ. Thậm chí, học Ngoại thương và làm công nghệ kiểu này lại là lựa chọn phù hợp với mình. Chưa một ngày nào mình có cảm giác "phải" đi làm cả, toàn là thấy "được" đi làm.
Nếu không thể là một kỹ sư giỏi, thì mình cần biết sắp xếp các mảnh ghép cần thiết lại với nhau. Một đầu bếp giỏi có thể nấu một món ăn rất ngon, nhưng để xây dựng được một nhà hàng đông khách, lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Biết đâu, nếu mình học chuyên ngành chính là CNTT có khi khởi nghiệp lại thất bại vì lập trình sẽ làm ra toàn các sản phẩm công nghệ nhưng… dở hơi (cười lớn).
Không học CNTT, không phải là du học sinh hay có kinh nghiệm kinh doanh ở nước ngoài, nhưng khi khởi nghiệp một mình với JoomlArt, Hùng chọn thị trường quốc tế và cũng đặt trụ sở công ty ở nước ngoài chứ không phải Việt Nam. Vì sao vậy?
Thời gian làm thêm hồi đại học, khi nghiên cứu về thương mại điện tử, mình phát hiện là kỷ nguyên Internet đang đến và tất cả các doanh nghiệp sẽ cần một trang web. Nó giống như hiện tại các doanh nghiệp đều cần một twitter, facebook fanpage, linkedin hay instagram account vậy.
Tuy nhiên, trên thế giới lúc bấy giờ, chỉ có 10% các công ty có website thôi và mới có doanh nghiệp lớn làm, còn doanh nghiệp SME hầu như không có. Bên cạnh đó, chưa có công ty nào tập trung giải quyết vấn đề website cho các doanh nghiệp một cách đơn giản. Mình tập trung giải quyết vấn đề đó và tạo ra MamboTheme (sau này là JoomlArt) từ những năm cuối đại học.
Còn việc lập công ty ở nước ngoài sau này và hướng vào thị trường quốc tế là bởi lúc đó thì nhu cầu về sản phẩm như JoomlArt cho các công ty ở Việt Nam là gần như không có thị trường.
Lúc đó Hùng có lo ngại gì về vấn đề cạnh tranh với các công ty khác trên thế giới làm dịch vụ tương tự không?
Thực ra, JoomlArt thành công được vì hồi ấy giải một bài toán khá mới của thế giới và chưa có nhiều đối thủ.
Khi tập trung làm JoomlArt thì Hùng bỏ việc tại PVD chi nhánh Singapore (một công ty dịch vụ dầu khí nổi tiếng của Việt Nam) – vốn là nơi làm việc tốt và thu nhập cũng cao. Quyết định bỏ việc lúc đó là vì đam mê làm CNTT hay vì lý do nào khác?
"Giàu chưa chắc đã sang, nhưng nghèo thì chắc chắn là hèn". Ra trường với 2 bàn tay trắng, nên làm giàu trở thành "đam mê" lớn nhất của mình. Mà làm cái gì nhiều thì nó thành đam mê thì phải (cười).
Cách đây 15 năm, WWW (world wide web) không bình dân như bây giờ, nó mới và trừu tượng lắm, giống như blockchain bây giờ, mới chỉ phát triển ở nước ngoài, nhắc đến website, email chả mấy ai quan tâm. Mình cảm nhận được làm sóng www sẽ là mainstream, website sẽ là thứ mà ai cũng sẽ cần. Đúng như dự đoán, www bùng nổ mạnh mẽ một thời gian dài sau đó.
Lúc mình bắt đầu, chính phủ, quốc hội, các ngân hàng lớn ở Việt Nam còn chưa có website, 5 năm sau, nếu doanh nghiệp không có website thì không có ai chơi cùng cả. Bây giờ nếu "view source" các website của nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn đang dùng sản phẩm của mình, hơi buồn là họ vẫn chưa bao giờ trả tiền (cười).
Một công ty làm ra sản phẩm từng có tới 50 triệu user mà rất ít người biết đến đây là một sản phẩm của người Việt?
Mình có được chừng ấy người dùng vì cứ một website dùng sản phẩm của JoomlArt đều nghi rõ credit nguồn (Designed by JoomlArt), bên mình có hàng triệu website để credit/nguồn như vậy. Ở Việt Nam thì ai mà dùng sản phẩm của mình, mọi người đều xóa đi dòng này. Nguyên nhân không ai biết đến là vì thế (cười lớn).
Điều thú vị là chính kỹ thuật growthhack này được sau này Gmail, Apple tận dụng một cách triệt để. Mình chắc chắn rằng đa số chúng ta đều đã từng đọc khá nhiều email có dòng chữ "sent from iPhone" của Apple.
Sau khi phát triển JoomlArt đến đỉnh cao, anh đối với mặt với sự thoái trào của thị trường ra sao khi thời đại của smartphone và mạng xã hội lên ngôi?
JoomlArt phát triển tốt, nhiều công ty tương tự cũng được thành lập nhưng do mình là người đi đầu nên thị phần vẫn đủ lớn cho nhiều người cùng làm.
Tuy nhiên sau khoảng 10 năm, "tế bào gốc" của website là "cổng thông tin truyền thông" của các doanh nghiệp cũng đã thay đổi. Các doanh nghiệp chuyển dịch chuyển công cụ truyền thông sang các nền tảng Web 2 chính là các social media platform (Newsletter, Youtube, Facebook, Instagram, Tiktok…)
Thời điểm anh quyết định mua một công ty đối thủ là Gavick, giai đoạn đó JoomlArt phát triển ra sao?
Thực ra lúc đó JoomlArt mua đến 4 công ty, cả JomSocial, iJoomla, Shape5, lý do là thị trường website trên các nền tảng self-hosted đã dịch chuyển nhiều sang sass và social media. Và khi dung lượng thị trường đã đến ngưỡng bão hòa rồi, M&A sát nhập là một việc cần thiết.
Tại sao làm DesignBold thì Hùng cũng không đặt trụ sở công ty ở Việt Nam cũng như không chọn thị trường mục tiêu ở Việt Nam?
DesignBold đặt trụ sở ở Mỹ, vì mình tính đặt ở Việt Nam nhưng thấy không ăn thua. Với dịch vụ của DesignBold, khách trả tiền ở thị trường Việt Nam không có mấy mà làm vất vả quá. Thời gian công sức mình bỏ ra thì để thị trường nước ngoài mang lại hiệu quả cao hơn.
So với làm JoomlArt thì khởi nghiệp lần nữa với DesignBold ra sao?
Làm DesignBold khó khăn hơn rất nhiều vì thị trường quá lớn và có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, sản phẩm của DesignBold khá an toàn. Dù không tạo ra một cái gì đó đột phá trên thị trường nhưng nếu làm đủ tốt, có đủ người dùng thì cũng có đủ thu nhập để nuôi anh em thoải mái. Khi dự án vận hành ổn, nó thành một "con bò sữa" (cash cow), có dòng tiền ổn định rồi thì mình giao lại cho anh em vận hành và chuyển sang làm việc mới: đầu tư.
Thực tế, khi làm DesignBold thì thị trường biến động quá kinh khủng, không còn chậm như hồi xưa nữa. Và mình còn phát hiện ra một điều: đôi lúc cuộc chơi công nghệ chỉ chiếm 10%, còn lại là tài chính. Lúc đấy, làm sản phẩm tốt thôi chưa đủ mà còn phải đủ tiền nữa. Nó như câu chuyện của be và Grab: công nghệ chỉ chiếm 5%, còn ông phải gọi được tiền, sắp xếp được cuộc chơi tài chính...
Nhưng nếu đọc các thông tin được đăng tải trước đây, Hùng có vẻ không 2 gặp khó khăn gì với 2 startup đình đám mà mình sáng lập là JoomlArt và DesignBold?
Thực ra thì cái nào cũng khó cả đấy chứ, chỉ có điều cách mình nhìn nhận vấn đề khó ấy ra sao thôi. Như trong trường hợp của mình thì mình lường trước và giải quyết bằng lựa chọn của mình nên không bị cảm xúc, bị mất tiền thì cũng không quá buồn phiền và khi đóng cửa thì cũng không coi đó là thất bại.
Ví dụ như khi làm JoomlArt, mình đăng ký một cái "Business to Personal Account" ở Mỹ (một dạng như doanh nghiệp tiểu thương ở Việt Nam) thông qua một người Mỹ để các khách hàng thanh toán qua đó nhưng rồi bị mất tiền vì họ không trả mình. Sau đó, mình chuyển qua nhờ một Việt kiều, lại bị mất tiền tương tự một lần nữa. Tổng số tiền bị mất khoảng 100.000 USD – cũng rất lớn với thời đó, nhưng phải chấp nhận thôi. Mình cũng chẳng làm gì cho khỏi phiền vì không muốn mất thời gian vào việc không đáng, tập trung làm việc tiếp sẽ tốt hơn. Sau đó, mình mở công ty ở Bỉ cho an toàn hơn.
Khi bắt đầu công việc đầu tư và bỏ tiền vào nhiều startup ở Việt Nam thì mình cũng mất gần 2 triệu USD do các dự án đó thất bại. Thế nhưng, mình cũng thấy bình thường, vui vẻ làm đầu tư tiếp nhưng có thay đổi với VIC Partner vì đó là cuộc chơi của mình.
Còn khó khăn thường thấy của rất nhiều startup là họ nhận tiền đầu tư, tiêu hết tiền rồi và thất bại thì cảm thấy rất đau đớn… Mình không đủ dũng cảm để làm điều đó. Từ trước đến giờ, mình startup hay đầu tư kiểu "dám làm, dám mất" và tự góp vốn cho các dự án của mình. Vì thế, khi mất thì mình cũng xác định rồi, vẫn vui vẻ và không thấy có lỗi gì với ai. Thành ra mọi người không nhìn thấy thất bại của mình là thế bởi khi mình mất tiền thì mọi người có biết đâu (cười).
Một người không xuất thân từ dân công nghệ và cũng không phải là một kỹ sư CNTT giỏi lại chọn khởi nghiệp công nghệ và thị trường toàn cầu ngay khi bắt đầu. Làm thế nào để cạnh tranh được khi làm sản phẩm với các công ty tương tự khác của thế giới?
Thực ra về giỏi trong lĩnh vực công nghệ thì mình chia làm 3 tầng. Một là những đột phá thực sự, tạo ra phát minh có thể thay đổi thực trạng hay cách giải quyết vấn đề. Cái này người Việt mình còn thua kém so với thế giới. Tầng thứ 2 là sản phẩm nền, công nghệ lõi như kiểu search engine, big data, AI… mình cũng hơi đuối. Người Việt vẫn làm được vì có những cá nhân giỏi nhưng không có tập thể giỏi. Bài toán nền, công nghệ lõi cần cả một tập thể phải hợp sức lại mới làm nổi.
Tầng thứ 3 là ứng dụng CNTT thì mình thấy người Việt chẳng thua kém gì, mà ở đâu đấy còn làm tốt hơn. Tại sao? Mình có nhiều vấn đề hơn, cách giải quyết của mình hơi khôn lỏi và cái đó vượt trội so với các bạn nước ngoài.
Do vậy, trước đây mình làm JoomlArt hay DesignBold là tập trung vào vấn đề ở tầng thứ 3 - áp dụng CNTT để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Ở mảng này, các kỹ sư của Việt Nam giải quyết rất tốt.
Cách đây hơn 3 năm, khi bắt đầu chuyển sang tập trung cho đầu tư vào các startup, Hùng lại khuyên các bạn trẻ nên "cooling off" trước khi làm. Tại sao anh lại nói như vậy khi bản thân mình đang đi tìm kiếm dự án và thời điểm đó phong trào khởi nghiệp đang đi lên hừng hực và bùng nổ rất mạnh?
Khởi nghiệp là một cuộc chơi của doanh nhân và cần một trái tim nóng, với một cái đầu lạnh. Là nhà đầu tư, khi thị trường đang quá nóng sẽ có những vấn đề cần thận trọng. Như anh thấy đấy, khi thị trường bất động sản hoặc chứng khoán tăng một cách kinh khủng thì việc tham gia sẽ có rủi ro rất lớn.
Trong một bầu không khí như vậy thì sẽ có nhiều thứ bất thường và kết quả có thể rất thảm khốc. Vì thế, khi thị trường càng điên đảo đi lên, ai cũng thấy cơ hội đổi đời lớn thì mình càng phải thận trọng hơn. Như với chứng khoán, rõ ràng là khi một người lái taxi cũng ào ào đi mua cổ phiếu thì bạn cần cân nhắc bước ra khỏi thị trường đó. Ý của mình khi khuyên các bạn trẻ phải "cooling off" trước trào lưu khởi nghiệp là vì thế.
Còn với thị trường không mấy ai quan tâm như kiểu blockchain hay tiền mã hóa (crypto) bây giờ, chỉ có một cộng đồng cực nhỏ những người hiểu thì mới là lúc mình nên vào.
Như vậy có thể hiểu là Hùng khuyến khích mọi người đầu tư vào blockchain và thị trường tiền mã hóa?
Thị trường tài chính phi tập trung là một sản phẩm của Blockchain, giá trị vốn hoá của nó tăng chóng mặt từ gấp 8 lần (hơn 2.000 tỷ USD) trong chưa đầy 1 năm. Rõ ràng đây là những dấu hiệu tốt để giới công nghệ Việt Nam nhập cuộc nhanh và tận dụng dòng vốn dồi dào như vậy, nếu không nhanh thì nó sẽ chảy vào các doanh nghiệp ngoại.
Tuy nhiên thị trường tài chính luôn một là cuộc chơi vô cùng phức tạp, chưa lúc nào sự kết hơp giữa công nghệ và tài chính lại có thể tạo ra một sự dịch chuyển về dòng tiền mạnh mẽ và trên quy mô toàn cầu như hiện tại.
Thế giới đang tạo ra một làn sóng tỉ phú mới, nếu như giá của đồng Bitcoin chạm mức $200.000 thì 50% tỉ phú thế giới sẽ là những người đầu tư vào blockchain và crypto. Một doanh nhân bình thường mất cả đời để trở thành triệu phú, ở thế giới này, nếu làm tốt, có khi chỉ cần mất vài năm.
Vậy anh đầu tư vào blockchain và thị trường tiền mã hóa ra sao?
Gần đây mình đang đầu tư vào blockchain và thị trường tiền mã hóa nhưng theo góc độ công nghệ nhiều hơn chứ không hẳn là chỉ mua bán crypto currency. Mình khuyến khích việc tạo ra các dự án Blockchain để thế giới có thể đầu tư vào các đồng token (chính là các đồng coin) đến từ Việt Nam.
99% cộng đồng crypto đang đi chơi cuộc chơi của người khác, rất ít các dự án blockchain đến từ Việt Nam. Mình muốn chúng ta có thêm nhiều dự án blockchain như KyberNetwork, TomoChain, Coin98, Kambria, KardiaChain, Axie Infinity. Đây là cách chúng ta hứng được dòng tiền trên thế giới đang đổ vào tiền mã hoá.
Trên FB cá nhân, anh có phản đối việc gọi tiền mã hoá là tiền ảo? Tại sao?
Blockchain và Crypto sẽ mang đến thế hệ Web 3.0, tokenomics đang làm điên đảo economics thế giới, tài chính phi tập trung (defi) đang khiến các tổ chức tài chính truyền thống lo lắng. Nếu các doanh nhân công nghệ Việt Nam chỉ mới mới nghe báo đài đề cập đến sự lên giá của Bitcoin, sự xuất hiện của những khái niệm mới như NFT, Defi mà chưa dành đủ hàng trăm, hàng nghìn giờ nghiên cứu sâu, tập trung làm các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng blockchain, thì mình e rằng anh em Việt Nam lại một lần nữa đến trễ với bữa tiệc công nghệ của thế giới.
Vậy cuộc chơi mới này khác gì so với cuộc chơi cũ? Anh có lời khuyên gì không?
Mặc dù thị trường và cơ hội đang rộng mở, nhưng ai đó, cả những người đã làm công nghệ lâu năm, vẫn phải biết lượng sức mình. Công nghệ nền cho những sản phẩm lần này lại hoàn toàn khác với kỷ nguyên trước đây. Những khái niệm chưa kịp cũ của Digital Transform như Centralized, Distributed, Saas, Cloud, CDN lại trở nên già nua và lạc hậu đến khủng khiếp.
Hệ sinh thái cũng khác biệt, nguồn nhân lực gần như cũng bị thay máu, dòng chảy của các vốn cho khởi nghiệp ở blockchain đa dạng, phong phú hơn.
Cuối cùng, điều thử thách nhất là tư duy khởi nghiệp lại một lần nữa cần phải "làm mới". Một thế hệ khởi nghiệp công nghệ hoàn toàn mới đang được hình thành trên kỷ nguyên của Blockchain, Defi, NFT….
Vậy anh có chơi coin không?
Có chứ, coin (chính là cryptocurrency) có thể hiểu là một loại hình stock (chứng khoán) mới, một đồng coin sẽ tăng giá khi công ty phát hành ra đồng coin đó tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng, thị trường. Mua một đồng crypto phải rất hiểu nó, mà sao lại gọi nó là một "cuộc chơi" nhỉ, nó là một thương vụ đầu tư nghiêm túc đó! (cười)
Cá nhân mình một lần nữa nữa bước vào con đường khởi nghiệp, tập trung vào blockchain và crypto, xác định phải làm lại từ đầu, nhưng không sao, đi rồi sẽ đến. Hy vọng mình có đủ kiên nhẫn, có đủ ý chí để lại đồng hành cùng anh em công nghệ là là vui rồi. Cuộc đời startup sợ nhất là làm mà không vui, không máu, đúng không?
Được biết anh có sáng lập thêm quỹ đầu tư VIC Partners, điều gì đã thúc đẩy anh quyết định thành lập quỹ để đi đầu tư thay vì tập trung tiếp tục sáng tạo những mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ mới?
Mình nghĩ sau một thời gian làm sản phẩm, mình cũng đã đủ kinh nghiệm và hiểu hơn về cách làm sản phẩm, xây dựng một mô hình kinh doanh. Với kinh nghiệm và các bài học hơn gần 15 năm qua, mình nghĩ đây là thời điểm phù hợp để tập trung hơn vào việc đầu tư.
Thành công đã khó, giúp cho nhiều người thành công lại càng khó hơn. Mình muốn giúp mình và nhiều người thành công hơn trước khi kiến thức và kinh nghiệm bị "out trình" bới công nghệ và xu thế mới của thế giới.
So với thời mới khởi nghiệp, bây giờ Hùng có gì thay đổi?
Trước đây thì mình tập trung hoàn toàn vào công việc, nên cuộc sống cũng hơi mất cân bằng. Bây giờ, mình không làm việc kiểu 20 tiếng một ngày như xưa nữa, mà biết giãn ra để dành thời gian cho gia đình, rồi các thú vui như đánh golf hoặc làm những việc mình thích khác.
Mình là người khá thích viết nên biết đâu một thời gian ngắn nữa sẽ viết một cái gì đấy, đơn giản là về quan điểm của mình thôi, và hy vọng nó có giá trị cho ai đấy là được rồi.
Năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng gì đến hoạt động đầu tư của Hùng?
Covid-19 rất khó khăn với nhiều lĩnh vực khác nhưng với mình lại là cơ hội. Mình thấy cuộc sống và công việc của mình cũng đang dịch chuyển theo hướng phân tán như kiểu của công nghệ blockchain vậy. Bây giờ, mình đi đâu cũng làm việc được và việc quản lý đầu tư ở VIC Partner của mình giờ không còn phụ thuộc vào vị trí địa lý hay thời gian nữa.
Cũng vì thế, mình có dự định sẽ đi vòng quanh thế giới trong 2 năm để vừa làm việc vừa trải nghiệm cuộc sống. Trước mình đã đi gần 40 nước rồi nhưng cảm giác trải nghiệm cuộc sống hay du lịch thì chưa, toàn đi theo kiểu event, hay làm việc mà chưa được đi du lịch một cách thực sự.