Chủ tịch FPT Digital: Chuyển đổi số thành công không đơn giản chỉ là chuyển đổi công nghệ
Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 14:40, 20/04/2021
Theo Chủ tịch FPT Digital, chuyển đổi số là tổ hợp không thể tách rời giữa 3 yếu tố chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ sử dụng trong doanh nghiệp và chuyển đổi con người.
Trong một tổ chức hoặc một doanh nghiệp, con người chính là yếu tố quyết định cho câu trả lời: Doanh nghiệp có triển khai chuyển đổi số thành công hay không?
Trong lộ trình chuyển đổi số, yếu tố con người được cho là thành phần có tác động ảnh hưởng không nhỏ trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi số cho tổ chức hoặc doanh nghiệp.
Vì vậy, ông Hoàng Việt Anh cho rằng, một tổ chức nếu có mô hình kinh doanh mới chính xác, một hạ tầng công nghệ hiện đại, nhưng nếu thiếu đi yếu tố nguồn nhân lực sẵn sàng để triển khai thực hiện, thì quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp nhiều rủi ro và thất bại.
Baodautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt Anh, Chủ tịch FPT Digital về sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho chuyển đổi số cũng như kỳ vọng dựa vào chủ trương đào tạo trong tương lai.
Chuyển đổi số là việc của lãnh đạo hay lo ngại chuyển đổi số sẽ đe dọa đến công việc của mình nên ở không ít doanh nghiệp có tình trạng nhân viên chống đối việc này. Theo ông, cần làm là gì để cho nhân viên tin rằng chuyển đổi số là có lợi ích cho tất cả, trong đó có cả họ?
Trong phương pháp luận chuyển đổi số của FPT, để lên kế hoạch và triển khai đồng bộ quá trình chuyển đổi số, đồng thời, đáp ứng sẵn sàng cho nguồn nhân lực tại tổ chức hoặc doanh nghiệp đó, cần thực hiện nhiều bước để đảm bảo mỗi một nhân viên hiểu được giá trị và sẵn sàng cho quá trình thực hiện chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.
Thứ nhất là thay đổi nhận thức nhân viên, giúp họ có được kiến thức và hiểu biết về những nền tảng, giá trị, mục tiêu và ý nghĩa của việc chuyển đổi số cho tổ chức hoặc doanh nghiệp.
Ví dụ, họ sẽ thường đặt câu hỏi tại sao phải chuyển đổi số?
Chúng ta cần truyền thông, đào tạo giúp họ hiểu rằng, chuyển đổi số là một xu hướng, một công việc sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra.
Bản thân nhân viên nếu không chuẩn bị kiến thức để bắt tay vào quá trình sớm từ bây giờ thì sẽ rất dễ bị đào thải.
Thứ hai, sau khi nhân viên đã có sự hiểu biết, cũng như nhận thức về ý nghĩa và vai trò của quá trình chuyển đổi số, hành động tiếp theo là tổ chức, doanh nghiệp thực hiện phân tích và truyền thông đến nhân viên là khi quá trình chuyển đổi số diễn ra trong tổ chức hoặc doanh nghiệp, thì ở vị trí của người lao động, nhân viên, họ sẽ chịu những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực gì?
Câu chuyện này cần phải được phân tích, chia sẻ một cách minh bạch, rõ ràng và cụ thể để mọi người có cái hiểu đúng về sự ảnh hưởng, cũng như những tác động tích cực lẫn tiêu cực của chuyển đổi số đối với cá nhân họ.
Thứ ba, tổ chức, doanh nghiệp phải đưa ra được một lộ trình phù hợp, giúp cho mỗi một cá nhân trong doanh nghiệp, tổ chức có bước đi tiếp theo đúng hướng, nhằm vượt qua những khó khăn, tận dụng cơ hội, để có thể chuyển hướng tập trung vào những mảng công việc có giá trị cao hơn.
Từ đó, giúp cho họ có cơ hội thăng tiến, phát triển sự nghiệp và thu nhập tốt hơn khi có thể tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số, cũng như hưởng những kết quả chuyển đổi số mang lại.
Để triển khai được lộ trình chuyển đổi số, nền tảng về nhân lực rất quan trọng, liên quan đến nền tảng kỹ sư công nghệ thông tin và kỹ sư phần mềm. Nhưng nguồn lực này dường như còn đang thiếu tại Việt Nam?
Ở Việt Nam, trước khi nói câu chuyện về chuyển đổi số, có thể thấy ngành công nghệ thông tin hiện bị thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ sư, đặc biệt là kỹ sư phần mềm. Sự thiếu hụt này được đo đếm cả về chất lượng và số lượng.
Câu chuyện chuyển đổi số sẽ dựa trên một số nền tảng công nghệ cơ bản, trong đó trí tuệ nhân tạo AI sẽ là công nghệ nòng cốt.
Trong một vài năm vừa qua, tại nước ta, việc đào tạo nhân lực đã có nhiều thay đổi tích cực, và hiện đang tập trung đào tạo nhân lực cho ngành công nghệ phần mềm và trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu từ thị trường tiềm năng trong nước và quốc tế.
Bên cạnh việc thiếu hụt nguồn lực về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo AI, chúng ta có thể thấy nhân lực bị thiếu hụt kinh nghiệm trong những mảng khác.
Ví dụ như mảng chuyển đổi nguồn lực lao động của tổ chức/doanh nghiệp để giúp họ sẵn sàng tham gia và thụ hưởng kết quả của quá trình chuyển đổi số.
Thực tế là chúng ta không có nhiều nguồn lực có kinh nghiệm trong mảng lĩnh vực này và có lẽ sẽ phải tiến hành nhiều tác vụ cùng một lúc với nhau, thưa ông?
Thế nên trong ngắn hạn, chúng ta cần có cơ chế phù hợp cho các doanh nghiệp, bất kể quy mô to hay nhỏ, để khuyến khích họ tham gia vào quá trình chuyển đổi số - cũng như giúp các doanh nghiệp khác cùng thực hiện việc chuyển đổi số.
Trong lộ trình này, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc tự xây dựng đội ngũ cũng như tuyển dụng những nguồn lực từ bên ngoài, không chỉ tại Việt Nam.
Hiện việc thuê, tuyển nguồn lực có kinh nghiệm từ nước ngoài, tuy không phải là cực kỳ dễ dàng, nhưng đã dễ dàng hơn rất nhiều so với các năm trước đây.
Nhưng về lâu dài, điều cần làm là chúng ta phải tập trung vào mảng giáo dục, đào tạo để xây dựng một nền tảng nguồn lực lao động tiềm năng về số lượng và đảm bảo về chất lượng.
Tiếp theo, cần phải thực hiện việc quy hoạch đào tạo tập trung xây dựng năng lực cho các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, ví dụ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, ...
Chúng ta có thể học hỏi từ những kinh nghiệm thành công ở nước ngoài như quy hoạch những khu chuyên sâu về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số. Ví dụ, xây dựng tập trung một số khu công nghệ cao AI tại Việt Nam.
Bằng những cách như vậy, trong giai đoạn dài hạn, chúng ta sẽ xây dựng nguồn lực đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng để tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Ông John Chambers, cựu Chủ tịch Cisco Systems cho rằng, ít nhất 40% doanh nghiệp trên thế giới sẽ biến mất trong vòng 10 năm nữa nếu như người lãnh đạo không biết cách thay đổi công ty của mình để thích ứng với các công nghệ số mới. Ông chia sẻ như thế nào về nhận định này?
Từ nhận định này của ông John Chambers, có thể thấy rằng nếu ở trong một tổ chức/doanh nghiệp, người lãnh đạo không đủ hiểu biết, không đủ quyết tâm để thực hiện chuyển đổi số thì quá trình gục ngã và thất bại của một doanh nghiệp chỉ là vấn đề thời gian.
Trong câu chuyện này, vai trò của người lãnh đạo rất quan trọng và họ là những người luôn luôn đi tiên phong.
Ở bất cứ công việc gì, sự hiểu biết và cam kết của người lãnh đạo luôn là yếu tố then chốt đầu tiên để một doanh nghiệp có thể thực hiện được một công việc nào đó, đặc biệt trong vấn đề chuyển đổi số, vai trò của người đạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Để làm được việc này, lãnh đạo cần học tập, trau dồi và tìm hiểu thêm về những khía cạnh của quá trình chuyển đổi số có liên quan đến mô hình kinh doanh.
Sự thay đổi về công nghệ và việc chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực là những mảng mà người lãnh đạo liên tục phải học hỏi, trau dồi, để có thể là tìm ra giải pháp phù hợp nhất với doanh nghiệp của mình.