GrabFood đang là ứng dụng gọi đồ ăn được quan tâm nhất, nhưng hãy coi chừng “tân binh” BAEMIN
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:32, 19/04/2021
Ngoài dịch vụ thanh toán trực tuyến, giao đồ ăn cũng là lĩnh vực hưởng lợi nhờ thói quen tiêu dùng của người Việt đang thay đổi do tác động của Covid-19. Báo cáo mới nhất của IMARC Group chỉ ra thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam tăng trưởng 38% mỗi năm trong giai đoạn 2014-2019 và được dự báo sẽ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2020-2025.
Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam cũng đang trở thành "chiến trường" khốc liệt của một vài "tay chơi" quen mặt như Grab, Gojek, BAEMIN, Now... Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng lệnh giãn cách xã hội lại góp phần thúc đẩy dịch vụ này tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Mới đây, hệ thống lắng nghe và giám sát danh tiếng dành cho doanh nghiệp (DN) Reputa đã đưa ra Báo cáo thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam trong năm vừa qua. Báo cáo dựa trên dữ liệu các từ khóa chính và từ khóa biến thể liên quan đến 4 đơn vị trong ngành giao thức ăn trực tuyến mà nền tảng này thu thập được. Do đó, phân tích từ Reputa không đồng nghĩa với thị phần của các ứng dụng giao đồ ăn trên thị trường, nhưng nó cũng cho thấy mức độ phổ biến của từng ứng dụng với người dùng Việt Nam.
Báo cáo của Reputa cũng cho thấy cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần giữa các ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn khi BAEMIN đang tăng tốc bám sát "người dẫn đầu" GrabFood. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh về giao hàng thực phẩm trực tuyến do COVID (1,140,397 lượt thảo luận). Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng suốt năm 2021 khi mà thị trường được dự báo sẽ luôn duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.
GrabFood giữ vững vị trí dẫn đầu trong thị trường
Báo cáo của Reputa cho thấy, dịch Covid-19 đã giúp dịch vụ giao thức ăn tăng trưởng cực thịnh. Trong đó, GrabFood là thương hiệu dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 33,38% thị phần thảo luận, theo sau là Now với 23,16% lượng thảo luận trên social, thứ 3 là BAEMIN với 21,95%.
Đặc biệt, tháng 05/2020, BAEMIN đạt lượng thảo luận tương đương GrabFood ở cùng thời điểm khi thương hiệu này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Mặc dù mới vào thị trường Việt Nam từ năm 2019, BAEMIN cho thấy đang là đối thủ đáng gờm với bất kì ứng dụng nào, khi liên tục đổi chỗ với Now (ra đời năm 2016) để trở thành top 2 ứng dụng thảo luận nhiều nhất.
Trong đó, kênh Fanpage vẫn đang là nơi đem lại các thảo luận nhiều nhất cho các thương hiệu (55,48%), tiếp theo đó là ở các group Facebook chuyên về review thức ăn, quán ăn (22,90%).
Xét về tỷ lệ tham gia thảo luận, BAEMIN đang là ứng dụng phổ biến nhất với giới trẻ tại TP. Hồ Chí Minh; trong khi GrabFood, GoFood và Loship còn phổ biến với người lớn tuổi hơn từ 36-45 tuổi. Còn nếu theo giới tính, Now được giới chị em quan tâm và ưa chuộng hơn với tỷ lệ nữ giới cao nhất, chiếm 78%, còn GrabFood là thương hiệu duy nhất nhận được sự quan tâm của nam giới (54%) cao hơn nữ giới (46%).
Đánh giá các hoạt động truyền thông của thương hiệu trên mạng xã hội, báo cáo của Reputa cho thấy, mặc dù Lozi, BAEMIN, GrabFood, Now đều thực hiện liên tục các chiến dịch truyền thông và các dịch vụ mới như giao nhanh 1 giờ… Tuy nhiên, trong top 4 chiến dịch nổi bật toàn ngành, BAEMIN chiếm tới 2 chiến dịch, trong đó hashtag #ChuyenAnChuyenYeu có mức độ viral cao nhất khi có đến 8.416 lượt nhắc đến, 250.000 lượt tương tác cùng 31.000 lượt chia sẻ.
Bữa tối là thời điểm nhiều người gọi đồ ăn trực tuyến nhất
Cũng theo báo cáo của Reputa, trong số 20.576 thảo luận về các thời điểm người dùng đặt đồ ăn, bữa tối là thời điểm người dùng đặt đồ ăn nhiều nhất (33,9%) . Tiếp theo sau đó lần lượt là bữa sáng (17,39%), bữa xế/chiều (17,27%), ăn vặt (15,81%) và 15,51%. Do đó, các thương hiệu tích cực đẩy mạnh các chương trình ưu đãi, khuyến mãi vào các khung giờ vàng để thu hút người dùng đặt đồ ăn theo các thời điểm.
Ngoài ra, trong số 29.539 phản hồi tích cực của người dùng: 84% người dùng tích cực hưởng ứng, sử dụng các mã giảm giá của các chương trình ưu đãi khuyến mãi của các thương hiệu; 8% người dùng hài lòng về thái độ tận tâm, thân thiện của đội ngũ shipper khi sử dụng dịch vụ giao đồ ăn trên các ứng dụng; Sự đa dạng menu của các nhà hàng (6%) và hài lòng về sự nhanh chóng tiện lợi của dịch vụ (2%).
Còn trong 190 phản hồi tiêu cực của người dùng: 44% người dùng phản ánh về hành vi và thái độ của shipper (chửi khách, giao sai món...); 31% người dùng phản ánh về lỗi app (hiển thị, cập nhật hiện trạng đóng mở cửa của các nhà hàng); 25% còn lại là về sự lo ngại về an toàn trong mùa dịch Covid-19.
Người dùng vẫn chủ yếu quan tâm đến các chương trình khuyến mãi
Báo cáo của Reputa cũng chỉ rõ mối quan tâm của khách hàng đối với từng thương hiệu theo 5 tiêu chí bao gồm: khuyến mại, truyền thông (Promotion), nhà hàng (Restaurant), trải nghiệm ứng dụng (App Experience), dịch vụ vận chuyển (Delivery Service) và khác. Trong đó, tiêu chí Promotion bao gồm chương trình khuyến mãi, giảm giá; chương trình quảng bá marketing vẫn là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng, chiếm đến từ 85% (đối với GrabFood) đến 94% thảo luận (đối với BAEMIN).
Đối với GrabFood, với lợi thế về hệ sinh thái Grab lớn mạnh bao gồm Grabbike và ví thanh toán Moca, GrabFood dễ dàng chinh phục khách hàng khi có mạng lưới tài xế đông đảo, hệ thống nhà hàng, quán ăn liên kết khá đa dạng và ứng dụng Grab có trải nghiệm tiện dụng.
Trong năm 2020, GrabFood giảm dần các hoạt động giảm giá, nhưng vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động quảng cáo, truyền thông với các thông điệp ý nghĩa được độc giả đón nhận tích cực, với 69,11% bàn về mã giảm giá và 16.29% chia sẻ và thảo luận về các thông điệp truyền thông của GrabFood. GrabFood cũng là thương hiệu được ít người dùng quan tâm nhất về các mã giảm giá. Hay nói một cách khác, người sử dụng GrabFood ít để ý đến mã khuyến mãi nhất so với các thương hiệu giao đồ ăn trực tuyến còn lại.
Còn ứng dụng BAEMIN là sản phẩm được nhiều người quan tâm nhất về các chương trình Promotion, điều này dễ hiểu khi ứng dụng mới gia nhập thị trường từ năm 2019 và các chương trình khuyến mãi, giảm giá vẫn là cách dễ dàng nhất để thu hút người dùng Việt.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận thị trường khôn ngoan giúp tân binh BAEMIN có cú "bứt tốc" ngoạn mục trong thị trường Food Delivery trong năm 2020. BAEMIN tạo nên sự khó chịu cho các đối thủ lớn bằng cách tấn công từng vùng một, tập trung thu hút cả người mua lẫn người bán ở địa phương đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên được BAEMIN tập trung đánh mạnh. Hướng đi "Quán ngon quận mình" giúp BAEMIN giành lợi thế ở những địa bàn trọng điểm, từ đó mở rộng ưu thế ra các khu vực khác. Trong năm 2020, "giảm giá", "khuyến mãi", "khao khủng" là các từ khóa được khách hàng nhắc đến và nhận diện mạnh mẽ về thương hiệu BAEMIN khi chiếm đến 94% các thảo luận.
Sợ gặp phải đồ ăn không an toàn, hợp về sinh khi mua trên ứng dụng mua đồ ăn trực tuyến
Báo cáo của Reputa cũng khẳng định, trong suốt mùa Covid-19, GrabFood tạo sự tin tưởng lớn về sự an toàn, đáng tin cây và sự tử tế trong suốt mùa dịch, với 55,04% được nhắc tới với các nội dung liên quan, đứng ngay sau đó là BAEMIN với 29,06%. GrabFood và NowFood lại dẫn đầu thị trường về sự đa dạng món ăn, nhà hang và hình thức Freeship.
BAEMIN nổi trội với các hình thức liên kết thanh toán tiện lợi và nhiều mã giảm giá, đồng đời BAEMIN cùng với GrabFood được yêu mến bởi các nội dung về câu chuyện người tài xế, các hoạt động cộng đồng.
Đối với nội dung được người dùng quan tâm nhất đối với dịch vụ giao đồ ăn: 81,08% người dùng quan tâm đến chương trình khuyến mãi, giảm giá; chương trình quảng bá marketing; 6,08% người dùng để ý đến sự đa dạng của nhà hàng, quán ăn, món ăn ưa thích; 4,05% người dùng lưu ý đến shipper và chăm sóc khách hàng cũng như tốc độ giao hàng của các ứng dụng…
Còn động lực của khách hàng khi sử dụng dịch vụ: 25,31% quan tâm đến chương trình giảm giá; 24,41% quan tâm đến đa dạng món ăn, nhà hàng; 15,24% quan tâm đến việc freeship…
Về rào cản của khách hàng khi tiếp cận dịch vụ, việc lo sợ món ăn không an toàn, vệ sinh đang chiếm đến 35,34%, theo sau đó là các lo ngại khác về giá ship cao (19,53%), giá món ăn cao (17,76%), rác thải nhựa (5,33%)…