Những cuốn sách làm thay đổi tôi
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 11:15, 19/04/2021
Một ngày nọ, trong lúc xếp lại giá sách, tôi nhìn thấy lọt giữa chồng sách dưới cùng có một cuốn sách mỏng, cũ kỹ. Không ngờ đó là cuốn "Chiếc nhẫn bằng thép" của Paustovsky, NXB Kim Đồng in năm 1973. Đó là cuốn sách bầu bạn cùng tôi suốt một thửa ấu thơ. Tôi lật những trang sách đã ố vàng bởi thời gian, vẫn còn nguyên vết mực đánh dấu những đoạn mà tôi tâm đắc. Cuốn sách cũ đã dẫn tôi về lại với những ký ức khi còn một đứa con gái nhỏ, để nhớ quay quắt ngôi nhà cũ nơi phố cổ, nhớ lại cảm giác đọc ngấu nghiến, xúc động những dòng chữ: "Những đóa hoa tuyết điểm hơi ngả nghiêng, gật đầu chào ánh bình minh.
Mỗi đóa hoa nhỏ đó đều vang lên như bên trong có một con tò vò rung chuông và đập chân vào một sợi mạng nhện bạc. Trên ngọn thông có con chim gõ kiến mổ năm tiếng. "Năm giờ rồi! - Variusa nghĩ thầm – Còn sớm lắm. Mà sao yên tĩnh thế!". Ngay lúc đó trên những cành cây ngập trong ánh nắng vàng óng, một con vàng anh cất tiếng hót. Variusa đứng lại, hé miệng lắng nghe, mỉm cười. Variusa cảm thấy cái vuốt ve âu yếm của một làn gió vừa ấm vừa mạnh. Cây hồ đào rung rinh. Một làn bụi vàng rơi lả tả từ những đóa hoa hồ đào nhỏ như những cái hoa tai. Có một người vô hình nào đó, cẩn thận lách những cành cây, lướt qua bên cạnh Variusa. Một con chim gáy cúc cu vài tiếng chào người vô hình ấy…" Cuốn sách ấy tôi được bố tặng. Đó là lần đầu tiên tôi được đọc những trang viết về thiên nhiên tươi đẹp như vậy, đọc xong rồi những câu thơ văn xuôi vẫn cứ ngân nga, ngân nga trong tôi.
Rồi những cuốn như "Lẵng quả thông", "Chiếc nhẫn bằng thép", rồi "Ông già nấu bếp", "Đêm Leningrad"…thật tuyệt làm sao. Nhìn cuốn sách cũ, lòng tôi lại nhớ đến bố. Chính bố là người đã truyền cảm hứng về đọc sách cho cho chị em chúng tôi. Thời bao cấp với những khó khăn trăm bề nhưng chúng tôi giàu có về sách.
Là một người viết, một người làm báo nên bố tôi đọc rất nhiều. Gia tài sách của gia đình tôi là một tủ sách lớn được mua về và được tặng. Bố luôn khuyến khích chúng tôi tích cực và lưu ý những nguyên tắc khi dọc sách như: Nhớ tên tác giả để tôn trọng người viết. Nhớ tác giả ấy còn có những cuốn sách nào. Ông còn khuyên chúng tôi không nên đọc lời giới thiệu vì theo ông, lời giời thiệu là chủ ý của một người khác, đọc lời giới thiệu trước sẽ làm giảm hứng thú và phân tâm khi đọc sách. Thi thoảng ông cũng kiểm tra việc đọc của chúng tôi, và ông sẽ không vui nếu chúng tôi không nhớ những gì ông hỏi. Đấy là may mắn lớn nhất của chúng tôi khi thừa hưởng những nguyên tắc giáo dục và đọc sách từ ông.
Tuổi thơ tôi lớn lên với hầu như các tác phẩm tuyệt vời của nhà xuất bản Kim Đồng như "Một tuổi thơ văn" của Nguyên Hồng, "Dế mèn phiêu lưu ký", "Đảo hoang" của Tô Hoài, "Sát thát", "Bên sông truyền hịch", "Trăng nước Chương dương" của Hà Ân, "Hai làng Tà Pình và Động Hía" của Bắc Thôn, "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng, "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của Nguyễn Huy Tưởng, "Đất rừng Phương Nam" của Đoàn Giỏi, "Tuổi thơ dữ dội" của Phùng Quán, "Chuyện Phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn" của Nosov, "Cánh buồm đỏ Thắm" của Grin, "Không gia đình" của Hécto Malo, "Timua và đồng đội", "Bí mật quân sự" của Gai Đa, "Túp lều bác Tôm" của Beecher Stowe, Rô-binxơn Cơ-ru-xô" của Daniel Defoe, "Hoàng tử nhỏ và chú bé nghèo khổ" của Mark Twain, Truyện cổ Andecxen, "Đảo Giấu vàng" của Steveson, "Người cá" của Belyaev, "Những cậu trai phố Pan" của Molnár Feren, "Những đứa con của phố Arbat" của Rybakov, "Nghìn lẻ một đêm", "Những ngôi sao thành Ê ghe" của Garđônhi và nhiều cuốn nữa. Tôi biết ơn vì sách đã dạy cho tôi những điều mà nhà trường và cha mẹ không dạy.
Tuổi mới lớn với tôi là kỷ niệm vì chép tay các bài thơ trong cuốn Thi nhân Việt Nam của cụ Hoài Thanh - Hoài Chân trong lớp mà tôi bị giáo viên chủ nhiệm bắt làm kiểm điểm và yêu cầu gặp phụ huynh. Rồi khi đọc "Núi đồi và thảo nguyên" của Aimatốp. Cuốn sách khiến tôi xúc động, ngẩn ngơ, thậm chí chấn động hàng tuần sau khi đọc. Khi ấy cô bé lớp 9 là tôi đã rút trộm trong phần sách cấm của bố rồi trùm chăn đọc. Ngay lập tức, tôi bị cuốn vào những câu chuyện về con người, núi đồi thảo nguyên của đất nước Kyrgystan ở xa tít mù tắp. Những con người mộc mạc, giản dị, tâm hồn, tình cảm trong sáng, những mối tình nơi núi đồi thảo nguyên trong các truyện ngắn "Giamilia", "Cây phong non trùm khăn đỏ", "Mắt lạc đà", "Người thầy đầu tiên" đã mang lại một cảm xúc mãnh liệt cho một cô bé mới lớn như vậy. Bởi xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm là lòng yêu thương, tôn trọng nhân phẩm con người, là sự phấn đấu cho con người được sống trong một xã hội nhân ái và hài hòa với tự nhiên.
Cùng với "Núi đồi và thảo nguyên", hàng trăm tác phẩm văn học kiệt xuất khác đã dạy dỗ, bồi đắp cho một tâm hồn mói lớn đầy khát khao, bỡ ngỡ, e dè và hoảng sợ trước những rung động đầu đời như "Mẫn và tôi", "Gia đình má Bẩy" của Phan Tứ "Kiêu hãnh và định kiến" của Jan Austin, "Jane Eyre" của Charlotte Bront, "Đồi gió hú" của Emily Brontë, "Ruồi Trâu" của Ethel Lilian Voynich, "Sông Đông êm đềm" của Sholokhov, "Những người khốn khổ", "Nhà thờ Đức Bà Pari" của Victor Hugo, "Chiếc lá cuối cùng" của O'Hen ry, "Hoa dại", "Tình yêu cuộc sống" của Jack London, "Chiến tranh và hòa bình", "Anna Karenina" của Leo Tolstoy, "Anh em nhà Karamazop" của Dostoevsky, "Đội thanh niên cận vệ" của Aleksandr Fadeev, "Tuổi 17" của German Matveev, "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần...
Những năm sau này xuất bản sách phát triển, sách bán khắp nơi với đủ các chủ đề. Việc xuất bản đa dạng mang đến cho người đọc rất nhiều lợi ích. Nếu trước kia các tác phẩm văn học chiến tranh của Việt Nam và Liên xô đưa đến một cái nhìn khá một chiều thì sau này đọc "Thân phận Tình yêu" của Bảo Ninh, "Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ" của Svetlana Alexievich, "Những thứ họ mang" của Tim O'Brien, "Phía Tây không có gì lạ", "Đường về", "Khải hoàn môn", "Bia mộ đen" của Erich Maria Remarque… người đọc day dứt, ám ảnh và có các góc nhìn đa chiều, soi rọi thân phận con người ở nhiều góc khuất tăm tối hơn trong chiến tranh.
Đến khi chọn nghề thư viện và bén duyên với nghề báo, việc đọc một cách hệ thống các tác giả và cách nhìn nhận theo quan điểm riêng của mình không lệ thuộc hết vào các nhà phê bình mà bố đã dạy tôi, giúp tôi tự tin nhập cuộc đời sống văn nghệ một cách dễ dàng. Lúc này việc đọc sách của tôi cũng có nhiều thay đổi, không hoàn toàn đọc theo sở thích nữa. Có hai loại sách được ưu tiên hàng đầu là sách phục vụ cho các chuyên mục của tôi và sách về kỹ năng làm báo. Những tác phẩm như "Hơn cả tin tức" của Mitchell Stephens, "Nhà báo hiện đại", "Số không" của tác giả Umberto Eco, "Ở lưng chừng tương lai" của Tom Plate, "Thư gửi nhà báo trẻ" của Samuek G. Freedmand, "Phải/ Trái/Đúng/Sai" của Sandel... làm thay đổi khá nhiều góc nhìn của tôi khi làm nghề.
Tôi khá thích quan điểm của Freedman trong "Thư gửi nhà báo trẻ". Ông cho rằng một nhà báo phải luôn có những nhận xét, đánh giá về sự việc để định hướng cho độc giả cái nhìn khách quan bởi nhà báo chính là người được công chúng đặt niềm tin, và bởi niềm tin ấy, họ tuyệt nhiên không được để những cảm xúc cá nhân tác động đến công việc. Điều quan trọng là họ phải tin rằng họ có thể vượt qua những khuynh hướng riêng của mình, điều chỉnh được những đánh giá của mình, để có thể điều tiết được những gì mình đã được học trong nghề làm báo. Ông chia sẻ: Tôi không kêu gọi bạn bới móc và than vãn về sự yếu đuối, bạc nhược của loài người. Tôi kêu gọi bạn đóng vai trò chứng nhân. Tôi thúc giục bạn đánh dấu và tôn vinh những khoảnh khắc đạt thành tựu trong cuộc đời con người. Tôi muốn bạn kể câu chuyện…
Nghề báo là nghề truyền cảm xúc chứ không phải là nghề tiêu diệt cảm xúc, vì thế hơn ai hết, các nhà báo cần cân bằng yếu tố cảm xúc và yếu tố khách quan. Sau này, vì yêu cầu công việc tôi tạm biệt phát thanh chuyển sang làm báo hình, một chặng đường mới thú vị nhưng đầy thử thách lại mở ra. Trên chặng đường làm nghề ấy, sách luôn luôn đồng hành không một lúc nào rời xa.
Có bạn hỏi, cuốn sách nào đã làm thay đổi cuộc đời tôi? Gần 60 năm cuộc đời. Hàng trăm cuốn sách đã thành bầu bạn và nhu cầu không thể thiếu. Khi xưa tủ sách của bố đã góp phần làm cho mấy chị em tôi có một tuổi thơ giàu có và hạnh phúc dù cuộc sống thời ấy khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Cùng với tình yêu thương của cha mẹ, những cuốn sách giúp chúng tôi lớn lên biết yêu thương, biết tự cân bằng trong cuộc sống, cân bằng giữa niềm vui - nỗi buồn, giữa được và mất và quan trọng nhất giúp trở thành những người tử tế. Bây giờ bố tôi đã đi xa, cả ba chị em đã có gia đình riêng nhưng những lúc về nhà thăm bố mẹ vẫn hay nhắc lại kỷ niệm về những cuốn sách tuổi ấu thơ hoặc chia sẻ về một cuốn sách mới. Có lần chúng tôi tự hỏi, nếu không có sách thì sao nhỉ? Thực ra, không có sách thì chúng tôi vẫn lớn lên, vẫn đi học, đi làm, lấy vợ, lấy chồng sinh con đẻ cái. Nhưng chắc chắn một điều, không có sách thì cuộc đời của tôi sẽ buồn tẻ và chắc gì tôi đã trở thành tôi của hôm nay!
(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)