Xây dựng tủ sách gia đình – con đường kiến tạo và trải nghiệm hạnh phúc
Truyền thông - Ngày đăng : 11:05, 19/04/2021
Xây dựng tủ sách, tạo ra thói quen đọc sách cũng đồng thời là quá trình thay đổi nhận thức và định vị lại các giá trị
Việc xuất hiện một tủ sách, giá sách trong gia đình không phải là việc quá khó xét ở góc độ vật lý thuần túy. Nghĩa là việc bỏ tiền ra đóng lấy một giá sách, tủ sách bằng gỗ, nhôm sắt, đặt vào một góc nhà, một gian phòng và mua sách lấp đầy các giá đó không phải là việc quá khó. Chi phí cho việc đó có thể mất từ một vài triệu đến chục triệu đồng. Một khoản chi mà rất nhiều gia đình có thể đáp ứng được ngay lập tức cho dù là ở nông thôn hay thành thị. Chi phí của việc tạo dựng tủ sách trong gia đình so với việc cưới hỏi, tang ma, xây nhà, mua xe nhỏ hơn rất nhiều lần. Thế nhưng thực tế thì thế nào?
Bạn hãy nhìn lại gia đình mình xem có tủ sách chưa, có rồi thì số lượng sách thế nào? Sau đó bạn hãy nhìn ra xung quanh họ hàng, láng giềng, người trong cơ quan, công ty xem trong căn nhà họ có tủ sách không? Nếu làm một bảng thống kê sơ bộ, tôi đoán chắc rằng kết quả của nó sẽ khiến các bạn bất ngờ và có những suy ngẫm thú vị.
Từ khi hoạt động như là một diễn giả trong lĩnh vực giáo dục và khuyến đọc, tôi có một thói quen xấu là đi tới đâu dù là công sở, trường học, công ty, phòng làm việc chung hay cá nhân tôi đều quan sát xem chủ nhân của nó có tủ sách không và trong đó có chứa những sách gì.
Thật buồn là trong thực tế chúng ta sẽ thấy ở rất nhiều phòng làm việc của lãnh đạo cơ quan, công ty, hiệu trưởng trường học không hề có tủ sách cho dù ở đó có đủ thứ từ tivi màn hình lớn tới máy tính, tủ lạnh, cây cảnh, đá phong thủy, huy hiệu, giấy khen, ảnh lưu niệm với cấp trên thậm chí là có cả giàn máy hát karaoke hay tủ rượu!
Trong các gia đình thì sao? Rất nhiều người là giáo viên, bác sĩ, kĩ sư…tức là tối thiểu có trình độ cao đẳng, đại học và đang làm các công việc sử dụng trí tuệ, gần gũi với sách vở nhưng trong nhà họ cũng không hề có tủ sách và bản thân họ cũng không đọc sách gì ngoài những tài liệu cần thiết trực tiếp cho công việc thường ngày. Nhiều giáo viên dù dạy học nhiều năm cũng không đọc gì ngoài các sách hướng dẫn soạn bài hay các sách bài tập.
Giới có học đã như vậy thì đương nhiên ta sẽ thấy ở giới bình dân, những người lao động, tỉ lệ hiện diện của tủ sách trong gia đình họ sẽ thấp hơn nhiều. Ở Việt Nam hiện tại rất cần một thống kê thực chứng và khoa học để biết trong toàn quốc tỉ lệ các gia đình có tủ sách là bao nhiêu %. Từ số liệu này ta có thể "đọc hiểu" và giải mã được nhiều thứ và điều đó rất hữu ích cho những người làm khuyến đọc cũng như cho những người hoạch định chính sách vĩ mô.
Sự thiếu vắng của tủ sách, thói quen đọc sách ở từng gia đình nói trên trong tương phản với sự hiện diện phổ biến của rượu, của tivi và các tiện nghi vật chất khác nói lên điều gì? Phải chăng nó nói lên một thực trạng về định hình giá trị? Nếu coi trọng cái gì, nhận ra ý nghĩa quan trọng của thứ gì, cảm thấy nó cần thiết người ta sẽ nỗ lực để có nó bất chấp khó khăn. Quan sát các gia đình ở nước ta, nhất là ở nông thôn ta sẽ thấy gia đình nào cũng có một chiếc tivi, thậm chí là tivi rất đắt tiền. Sự phổ biến của tivi ở nông thôn, cũng như sự hiện diện của các tủ rượu trong các gia đình ở thành phố có phải chăng phản ánh ở một mức độ nào đó nhận thức về giá trị và thứ tự ưu tiên trong cuộc sống? Có lẽ so với tivi và tủ rượu, tủ sách và thói quen đọc sách đang lép vế trong các gia đình người Việt.
Là một người bán sách rong, tôi đã và đang mang sách tới bán ở mọi nơi có thể từ chợ quê, trên mạng tới trường học, công sở. Ở đó, không ít lần tôi chứng kiến cảnh trẻ đòi cha mẹ mua sách nhưng bố mẹ gạt đi và gắt "mua làm gì, có đọc đâu mà mua". Trong khi chính phụ huynh đó lại vung tiền mua cho con nào kem, kẹo và nhiều thứ đồ chơi khác.
Như vậy, vấn đề có hay không có tủ sách là nằm ở quan niệm về giá trị. Người chủ gia đình quan niệm thế nào về vai trò của sách và đọc sách? Người chủ gia đình hiểu như thế nào về việc học? Xa hơn họ quan niệm thế nào là hạnh phúc và cuộc sống hạnh phúc; thế nào là giá trị tinh thần và sức mạnh của văn hóa tinh thần trong gia đình và đời sống cá nhân?
Khi nhận thức thay đổi thì hành động sẽ thay đổi. Bởi vậy vận động người dân làm tủ sách trong gia đình, xây dựng môi trường văn hóa đọc trong từng gia đình, hình thành thói quen đọc sách cho con em trong chính gia đình họ đồng thời cũng chính là quá trình tác động để thay đổi nhận thức. Quá trình người dân đặt một tủ sách vào trong ngôi nhà của mình đồng thời cũng là quá trình thay đổi nhận thức của chính họ. Nó đòi hỏi họ phải tìm hiểu, suy xét, suy nghĩ, thảo luận và đưa ra quyết định. Việc thuyết phục người vợ hoặc chồng đồng ý để dùng ngân sách của gia đình mua một chiếc ti vi, một chiếc xe máy, một bộ bàn ghế cho gia đình là không khó nhưng chuyện dùng 5-10 triệu để đóng một tủ sách trong gia đình cho dù là gia đình trung lưu cũng không phải là chuyện đơn giản nếu nhận thức chưa…thông. Quá trình ra đời của tủ sách, lớn lên của tủ sách đồng thời cũng là quá trình thay đổi và lớn lên của nhận thức là vì thế. Nhìn ở góc độ quốc gia hay cộng đồng ta cũng sẽ thấy có sự tương đồng. Cùng với quá trình mọc lên của ngày một nhiều thư viện, xuất bản ngày một nhiều sách và có thêm nhiều bạn đọc mới sẽ là sự tăng tiến của văn minh và sức mạnh mềm của quốc gia.
Sự có mặt của tủ sách cùng văn hóa đọc trong gia đình sẽ giúp cải thiện môi trường giao tiếp, tạo ra sự kết nối vững chắc, sâu sắc trong gia đình
Cuộc sống hiện đại bận rộn với nhịp độ nhanh đã khiến cho các thành viên gia đình cùng ăn một bữa cơm bên nhau và trò chuyện cũng trở nên hiếm hoi. Bữa ăn không chỉ là thời điểm ăn uống, nạp năng lượng mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình giao tiếp, trao đổi tình cảm, nắm bắt tình hình của nhau. Nhờ trải nghiệm chung mà cách thành viên trong gia đình trở nên gắn bó.
Khi có tủ sách và gia đình cùng nhau đọc sách thì lúc đó sách sẽ là điểm kết nối các thành viên trong gia đình. Khi cùng đọc một cuốn sách hay và có sở thích là đọc, các thành viên trong gia đình sẽ có nhu cầu trao đổi với nhau về các cuốn sách đã và đang đọc, hỏi nhau về một chi tiết nào đó, một biểu tượng, hình ảnh nào đó trong sách mà mình không hiểu.
Gia đình tôi có tủ sách trong gia đình từ rất sớm (những năm 80 - 90 của thế kỉ trước) bởi thế đã mấy chục năm trôi qua thói quen sinh hoạt sách vở của gia đình vẫn y nguyên. Bố mẹ tôi đã gần 80 tuổi, bốn chị em tôi đã có gia đình riêng nhưng mỗi khi gặp mặt gia đình trong câu chuyện chúng tôi vẫn nói về văn chương, nghệ thuật, về các cuốn sách chúng tôi đã và đang đọc.
Khi có chung mối quan tâm hay sở thích, môi trường giao tiếp sẽ được cải thiện và chất lượng giao tiếp trong gia đình sẽ tăng lên đáng kể. Nghèo giao tiếp hay giao tiếp không có chất lượng sẽ khiến cho cuộc sống trong gia đình trở nên hình thức, nặng nề và các cá nhân dễ chìm đắm cô độc trong thế giới của riêng mình. Sẽ là rất buồn nếu như các thành viên trong gia đình ít dành thời gian cho nhau trong khi lại dành nhiều thời gian cho tivi, điện thoại và những người bạn ảo trong thế giới mạng.
Muốn điều chỉnh những khác biệt, giảm thiểu những ma sát không đáng có giữa vợ và chồng thì sự chia sẻ về giá trị, khả năng tự điều chỉnh bản thân dựa trên hiểu biết rất quan trọng. Đọc sách sẽ giúp có những điều đó. Khi hai bên tăng cường sự hiểu biết và hướng về những giá trị chung, cả hai sẽ có sự nhìn lại bản thân một cách khách quan để điều chỉnh cho phù hợp.
Đối với con cái cũng vậy. Không phải cứ sinh ra con là bố mẹ có đủ hiểu biết và khả năng để nuôi dạy con. Xã hội biến đổi với gia tốc nhanh đã tạo ra một sự đứt gãy đột ngột trong văn hóa. Để hiểu con, cha mẹ cần phải gần gũi, trải nghiệm cuộc sống cùng con và phải…đọc để tìm hiểu thế giới của con. Nếu cha mẹ đọc những cuốn sách mà con đọc, sợi dây kết nối hai chiều sẽ tốt hơn nhiều. Có thể coi sách như một cây cầu dẫn vào thế giới tâm hồn của con từ đó cha mẹ sẽ tìm được cách phù hợp để giúp đỡ con tốt nhất và trở thành người bạn tốt của con. Có thể khẳng định sự xuất hiện của tủ sách và văn hóa đọc trong gia đình sẽ góp phần và tạo ra năng lực đối thoại và tinh thần khoan dung trong gia đình.
Làm tủ sách, xây dựng văn hóa đọc trong gia đình sẽ tạo ra môi trường văn hóa tác động toàn diện, lâu dài và liên tục lên các thành viên
Chúng ta hay có ảo tưởng rằng nếu chúng ta sinh ra một đứa con khỏe mạnh, thường xuyên dạy bảo các con những điều tốt đẹp, đưa con vào học một ngôi trường tốt có nhiều thầy cô giỏi là có thể yên tâm tin tưởng rằng con mình sẽ trở thành người tốt, người tuyệt vời. Sự thật giáo dục và sự trưởng thành của trẻ không giản đơn như vậy.
Cùng với quá trình lớn lên của đứa trẻ về thể chất sẽ là quá trình "xã hội hóa" tức là quá trình trẻ học lấy các giá trị văn hóa, kinh nghiệm của người trưởng thành, xã hội để bản thân trở thành thành viên của xã hội đó. Giáo dục tác động lên con người không phải là trực tiếp như rót nước vào bình mà thực chất nó tác động theo cơ chế "gián tiếp" thông qua môi trường.
Đứa trẻ chịu ảnh hưởng từ cha mẹ không hẳn là từ những lời nói tốt đẹp mang tính giáo huấn thường ngày mà bố mẹ nói cho nghe, cũng không phải là từ các bài viết về những điều đẹp đẽ trong sách giáo khoa. Đứa trẻ ấy sẽ hình thành thói quen, giá trị quan, nhân sinh quan, thế giới quan thông qua trải nghiệm cuộc sống phong phú thường ngày cùng cha mẹ, trải nghiệm cuộc sống trường học cùng thầy cô và bè bạn trong những mối quan hệ đa chiều, tinh vi và phức tạp.
Môi trường văn hóa gia đình với hàng triệu triệu yếu tố, phong phú hàng phút hàng giây tác động lên đứa trẻ trong suốt một thời gian dài sẽ góp phần định hình nên tâm hồn, thói quen và trí tuệ của trẻ. Như thế ta sẽ thấy môi trường gia đình mà đứa trẻ tắm mình trong đó từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ quan trọng đến nhường nào. Ở trường học, theo lý luận người ta sẽ gọi đó là "chương trình tàng ẩn" (Hidden Curriculum). Một đứa trẻ được tắm trong bầu không khí yêu thương, trong không gian văn hóa với văn chương, nghệ thuật sẽ có cơ hội trưởng thành lành mạnh hơn rất nhiều.
Chính vì vậy việc cha mẹ chủ động xây dựng, tạo ra môi trường văn hóa cho con mình ngay từ khi còn nhỏ là điều quan trọng. Khi đọc tiểu thuyết của nước ngoài cho dù là các cuốn tiểu thuyết cổ điển viết cách đây một hai thế kỉ, ta sẽ thấy ở đó có những đoạn mô tả cảnh đọc sách hay thư viện gia đình. Trên thực tế đúng là như vậy.
nước ngoài rất nhiều dòng họ, gia đình đã có thư viện truyền nhiều đời tạo ra một di sản văn hóa đồ sộ. Ở Việt Nam không nhiều gia đình có những không gian văn hóa như thế được truyền qua hai, ba đời. Đấy là một điều đáng tiếc. Thế hệ bố mẹ trẻ trong thời đại hiện nay cần phải chủ động để kế tiếp truyền thống của gia đình (nếu có) và xây dựng nền móng cho các thế hệ tiếp sau. Xây dựng tủ sách gia đình sẽ là một bước đi đặt nền móng quan trọng cho việc đó.
Từ trải nghiệm và tầm nhìn của người viết, bài viết gợi cách thức xây dựng và vận hành tủ sách gia đình như là một cách thức, con đường xây dựng gia đình hạnh phúc và trải nghiệm những phút giây hạnh phúc trong gia đình giữa cuộc sống đời thường muôn mặt.
(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)