Đọc sách trong cơn bão thông tin mạng
Truyền thông - Ngày đăng : 10:50, 19/04/2021
Câu trả lời là: Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đã tạo ra thói quen đọc báo, lướt web, và vì thế sách bị bỏ rơi, hoặc được đọc một cách dễ dãi, thụ động, đọc chỉ để có thông tin mà không cần động não tư duy. Đọc một bài báo thường dễ hơn đọc một cuốn sách cùng chủ đề, vì thế việc đọc báo thường xuyên mà không đọc sách sẽ tạo cho chúng ta thói quen lười biếng, ngại đọc những cuốn sách dày. Báo chí và mạng xã hội cũng là những nguồn cung cấp thông tin phong phú, nhưng chúng không tạo ra một không gian sâu lắng như cái cách mà sách mang lại cho độc giả. Do đó, báo chí và thông tin trên mạng không thể thay thế chức năng của sách và thông tin từ sách.
Mortimer J.Adler và Charles Van Doren, các tác giả của cuốn Đọc sách như là một nghệ thuật (How to read a book) cho rằng, "các phương tiện giải trí và thông tin trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta là những "trụ cột tinh thần giả dối". Chúng có thể cho chúng ta cảm tưởng rằng trí óc của ta hoạt động vì chúng yêu cầu ta phản ứng trước những kích thích từ bên ngoài. Nhưng sức mạnh khiến ta tiếp tục hành động từ những kích thích ấy lại rất hạn chế. Chúng giống như ma túy. Chúng ta quen dần với chúng và ngày càng cần nhiều hơn. Cuối cùng, chúng càng lúc càng ít tác dụng cho đến khi không còn gì nữa. Như vậy, nếu thiếu các nguồn lực nội tại, chúng ta sẽ ngừng phát triển về trí tuệ, tinh thần và đạo đức, tức là ta bắt đầu chết đi…". Còn nhà sản xuất phim David Puttnam thì cho rằng, "truyền thông đã khiến chúng ta nghĩ rằng, chỉ có một số người có khả năng sáng tạo, sáng tạo là thiên bẩm, còn đa số chúng ta chỉ là những người đón nhận, thưởng thức các sản phẩm mà họ làm ra. Nhưng không phải như vậy, mỗi chúng ta đều có thể tham gia vào quá trình sáng tạo một điều gì đó". Và sách là người bạn đồng hành tích cực nhất trong hành trình tư duy sáng tạo của mỗi chúng ta.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người ít đọc sách không phải vì không có điều kiện tiếp cận sách báo mà bởi vì có quá nhiều sách và các nguồn thông tin khác khiến chúng ta bối rối, lạc lối, không biết phải đọc từ đâu và đọc như thế nào. Theo số liệu thống kê của World Culture Score Index, Ấn Độ là nước đứng đầu thế giới hiện nay về "chỉ số đọc", với trung bình 10 giờ 42 phút/ tuần; Thái Lan xếp thứ hai với chỉ số trung bình là 9 giờ 24 phút/tuần và Mỹ là 5,42 giờ/tuần… Tại các nước như: Israel, Phần Lan, Pháp, Nhật Bản, trung bình mỗi người đọc 20 cuốn sách/năm; tại các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, con số này là 14 cuốn sách/năm. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Giáo dục - Đào tạo Việt Nam, trung bình một người Việt Nam đọc 4 cuốn/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác (dẫn theo VOV: https://vov.vn/van-hoa/ van-hoc/5-nam-ngay-sach-vietnam-nguoi-viet-doc-4-hay-1-cuonsach-moi-nam-897994.vov). Những con số này cho thấy thói quen và cách thức đọc sách của người dân các nước. Tỉ lệ 2,8:1,2 giữa sách giáo khoa và các loại sách khác cho thấy đa số người dân chỉ đọc sách công cụ, tức là những sách phục vụ cho công việc chuyên môn của mình, mà không đọc các thể loại sách khác. Với cách đọc sách đó, nền tảng kiến thức của người đọc chắc chắn sẽ không được mở rộng. Theo Mark Twain, "người không đọc những cuốn sách bổ ích thì cũng chẳng có lợi thế gì hơn so với người không đọc chúng". Chính vì vậy, việc rèn cho mình kỹ năng đọc để từ đó có khả năng phân loại và xử lý thông tin, lựa chọn những cuốn sách bổ ích và đọc một cách có hệ thống, có chọn lọc.
Khi gặp cuốn "Đọc sách như một nghệ thuật" của Mortimer J. Adler và Charles Van Doren tôi mới biết lâu nay mình đọc sách không mấy hiệu quả. Để đọc sách một cách hiệu quả thì phải có phương pháp. Cuốn sách này được coi là một tác phẩm kinh điển trong việc hướng dẫn cách thức tiếp cận từng thể loại sách khác nhau để có được cách đọc hiệu quả. Theo các tác giả, kỹ năng đọc chính là kỹ năng tiếp nhận các loại thông tin một cách hiệu quả. Ở mức độ cao hơn, là kỹ năng phân tích và xử lý thông tin, nghĩa là không tiếp nhận kiến thức, thông tin một cách thụ động. Con gái tôi thường nói: não là để tư duy chứ đâu chỉ để nhớ, khi nó giải thích vì sao không thích các môn học phải học thuộc lòng. Nó thích những môn không cần học thuộc như vẹt mà chỉ cần nắm được lý thuyết rồi tự phân tích và lý giải. Về điều này, trong cuốn Đọc sách như một nghệ thuật, các tác giả cũng cho rằng, hãy liên hệ với khả năng nhớ một điều và khả năng phân tích điều đó, nếu bạn chỉ sử dụng mỗi trí nhớ, bạn sẽ không thu thập thêm gì ngoài thông tin, tức là bạn chưa được khai sáng. Bạn chỉ được khai sáng khi nào bạn có khả năng phân tích những điều bạn đọc để hiểu được ngụ ý của tác giả. Với tôi, đọc hiệu quả một cuốn sách là khi chúng ta đọc được những đối thoại ngầm và nền tảng của văn bản, thay vì chỉ đọc lớt phớt trên bề mặt văn bản.
Không chỉ nói về phương pháp đọc sách, cuốn sách còn truyền cảm hứng cho chúng ta về việc đọc sách: "Đọc tốt, hay đọc tích cực, không chỉ tốt cho chính bản thân việc đọc, cũng không chỉ là một phương tiện giúp ta tiến bộ trong công việc hay nghề nghiệp. Nó còn giúp ta giữ cho trí óc sống và phát triển". Theo Mortimer J. Adler và Charles Van Doren, đọc sách là một cách trò chuyện với chính mình. Nếu như trên lớp học, khi bạn đặt câu hỏi, giáo viên sẽ trả lời bạn, thì khi bạn hỏi một cuốn sách, chính bạn phải là người trả lời câu hỏi đó, tức là bạn phải tự phân tích và lý giải. Vì thế đọc sách chính là tự khám phá thế giới và bản thân. Đọc sách phải trở thành một thói quen, một phần của cuộc sống, như cách chúng ta hình thành thói quen đi bộ hay tập yoga đều đặn mỗi ngày để giữ gìn vóc dáng và sức khỏe. Chừng nào bạn thấy việc đọc sách là một nhu cầu, như nhu cầu ăn uống hằng ngày, khát thì uống, đói thì ăn, bạn sẽ thấy việc đọc sách là điều không thể thiếu trong đời sống. Bỏ đói tinh thần cũng giống như chúng ta để cho cơ thể mình thiếu dưỡng chất vậy. Việc đọc sách có thể biểu đạt tư duy và lối sống của bạn. Cuộc trò chuyện với sách cũng giống như cuộc trò chuyện với những người bạn, có nghĩa là câu chuyện phải làm nảy sinh những ý tưởng mới, và chúng ta học hỏi được điều gì đó từ những người bạn của mình. Còn không, đó chỉ là cuộc nói chuyện phiếm, mà sau đó không có gì đọng lại.
(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)