Giá trị định hướng của văn hóa đọc Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 08:34, 19/04/2021
Tinh thần đọc sách là giá trị định hướng của văn hóa đọc Việt Nam
Tinh thần đọc sách có thể hiểu là thái độ trách nhiệm, suy nghĩ, tình cảm sâu sắc của con người đối với hành động đọc, là ý chí ham muốn thành công, định hướng cho khát vọng cháy bỏng trong quá trình chinh phục tri thức. Đó là cái sâu sắc nhất, cốt lõi nhất của hành động đọc.
Hệ giá trị là yếu tố nền tảng của văn hoá một cộng đồng xã hội. Trong đó giá trị chủ đạo biểu hiện như chiếc hoa tiêu, như ngọn cờ vẫy gọi, định hướng cho các hoạt động nhận thức và hành động. Điều đó làm nên sự nhất thể hoá trong lối sống và trong hoạt động thực tiễn của các thành viên sống trong cộng đồng xã hội ấy. Đồng thời, giá trị văn hoá là thuộc tính bản chất của con người, chỉ có ở con người, do hoạt động sống và lao động sáng tạo của con người tạo ra. Con người sống không thể thiếu giá trị văn hoá và nó có tính định hướng trong nhận thức, tình cảm và hành động của con người. Đối với mỗi cộng đồng xã hội, giá trị văn hoá luôn có tính đặc thù, nó được thể hiện ra ở nhân cách, trong lối sống, kiểu ứng xử và hành động. Xã hội muốn phát triển phải có hoạt động đọc, đồng thời cần xây dựng văn hoá đọc. Trong hệ giá trị của văn hoá đọc Việt Nam thì tinh thần đọc sách là giá trị định hướng, bởi vì nó là cái sâu sắc nhất, cốt lõi nhất của hành động đọc.
Có thể hình dung hoạt động sống của con người như một quá trình đi tìm ý nghĩa. Cái có nghĩa đối với cuộc sống thuộc về giá trị văn hoá. Con người từ nhận thức và đánh giá đúng các giá trị văn hoá sẽ có tình cảm và ý chí phù hợp, đó là cơ sở cho các kiểu ứng xử và hành động cao đẹp. Cuộc sống của con người chỉ có ý nghĩa khi mà khát vọng luôn cháy bỏng, thôi thúc họ vươn tới sự hoàn thiện bản thân. Nhu cầu tự thể hiện, tự khẳng định mình, nhu cầu sáng tạo và đóng góp cho xã hội vừa là động cơ vừa là mục tiêu cao nhất của mỗi con người. Hoạt động đọc là một trong những hoạt động có ý nghĩa của cuộc sống, vì vậy, tinh thần đọc sách là một trong những ý nghĩa, giá trị của cuộc sống, là giá trị định hướng của văn hoá đọc. Tinh thần đọc sách, đó là sự thể hiện và tự khẳng định mình trong xã hội, là sự thể hiện khát vọng vươn lên làm chủ tri thức, đồng thời, là yêu cầu của nhân cách, lối sống, triết lý và hành động của mỗi con người trong giai đoạn hiện nay. Nói tới tinh thần đọc sách tức là nói tới con người, vì ở con người mới có tinh thần đọc sách. Nói tới con người chính là nói tới văn hoá, vì toàn bộ các giá trị văn hoá làm nên những phẩm chất, những năng lực tinh thần của con người. Những phẩm chất và năng lực đó được vật chất hoá trong quá trình lao động, học tập, sản xuất.
Con người Việt Nam, trong nền văn hóa truyền thống đã rèn luyện đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm vượt khó khăn, khiêm tốn, giản dị, khoan dung, yêu nước, yêu con người và sống thích ứng. Tinh thần đọc sách là sự kế thừa và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống như cần cù, sáng tạo trong lao động, dũng cảm vượt qua khó khăn, giản dị trong điều kiện ngày nay. Đồng thời, tinh thần đọc sách của người Việt Nam khơi dậy và phát huy được là do sự gắn bó chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, sự giao lưu văn hoá để phát triển những giá trị truyền thống và tiếp thu những giá trị hiện đại của loài người. Tinh thần đọc sách là một giá trị văn hoá, là một nguồn lực nội sinh của con người, là năng lực sáng tạo trong hoạt động đọc của con người. Bởi vì, tinh thần đọc sách là thái độ trách nhiệm, suy nghĩ, tình cảm sâu sắc của con người đối với hành động đọc, là ý chí ham muốn thành công, định hướng cho khát vọng cháy bỏng trong quá trình chinh phục tri thức. Đó là cái sâu sắc nhất, cốt lõi nhất của hành động đọc.
Tóm lại: Tinh thần đọc sách là một giá trị văn hoá và hơn thế nữa còn là giá trị định hướng trong hoạt động đọc. Bằng hoạt động đọc, phát huy cao độ những giá trị văn hoá truyền thống, xác lập các giá trị nhân văn, dân chủ và khoa học, đón nhận và tiếp thu các giá trị hiện đại của loài người, chúng ta sẽ sáng tạo ra và hình thành các truyền thống văn hoá đọc, trong đó, tinh thần đọc sách là giá trị định hướng của văn hoá đọc Việt Nam.
Khơi dậy và phát huy tinh thần đọc sách Việt Nam
Tinh thần đọc sách là sự kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong điều kiện ngày nay, tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, đồng thời là nội dung cốt lõi trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ta là thành quả hàng ngàn năm lao động sang tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh trên thế giới để không ngừng hoàn thiện và tự khẳng định mình. Các giá trị văn hóa truyền thống ấy đã tạo nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam và hội tự ở sức mạnh Việt Nam để có được ngày hôm nay. Trong xu thế phát triển của thế giới hiện đại, chúng ta phải nhanh chóng đưa đất nước tiến lên trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng cách xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới sẽ nảy sinh những giá trị văn hóa mới, đến lượt mình, các giá trị văn hóa mới ấy lại bồi đắp cho nền tảng tinh thần, vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đang thực hiện một công cuộc cải biến xã hội sâu sắc, nhằm xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp, đồng thời tiếp nhận có chọn lọc các giá trị hiện đại sẽ làm cho các mối quan hệ xã hội của con người Việt Nam không ngừng phát triển, trong đó nhân cách con người mới phù hợp với yêu cầu của lịch sử sẽ dần dần được hoàn thiện. Đó chính là nguồn gốc và cơ sở của sự kế thừa và phát triển các giá trị văn hóa. Con người Việt Nam vẫn giữ được truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và sự hình thành, phát triển các giá trị mới của văn hoá và con người đã chứng minh sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại trong thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tinh thần đọc sách là một giá trị văn hóa của xã hội hiện đại, nhưng muốn trở thành một giá trị văn hóa mới phải gắn với các giá trị truyền thống, phải giữ vững và phát huy tiềm năng cội nguồn. Trong truyền thống dân tộc ta đã có truyền thống ham học. Tinh thần đọc sách sẽ hình thành trên cơ sở hiện đại hóa truyền thống ấy trong sự kết hợp với các giá trị hiện đại.
Tinh thần đọc sách không chỉ là một trong những giá trị văn hóa của con người Việt Nam mà còn là giá trị định hướng của văn hóa đọc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Để hình thành một giá trị văn hóa mới cần có một hệ thống các giải pháp bao gồm việc phát huy cao độ các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong giao tiếp với các nền văn hóa bên ngoài, tập trung nguồn lực cho nhân tố con người trong chiến lược phát triển, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập, phát triển khoa học và công nghệ, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường văn hóa xã hội phù hợp, môi trường tự do, dân chủ cho mọi hoạt động xã hội. Tinh thần đọc sách chỉ được khơi dậy và phát huy có hiệu quả cùng với việc xây dựng xã hội học tập mà ở đó, mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ hoc tập. Xã hội ta tạo cơ hội và điều kiện để công dân nào cũng được học tập. Trong xã hội học tập, ai cũng được học hành, học thường xuyên, học suốt đời, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất. Có thể nói tinh thần đọc sách và xã hội học tập cùng ra đời, cùng phát triển. Việc xây dựng và phát triển xã hội học tập phải dựa vào những con người có tinh thần đọc sách; đồng thời, quá trình xây dựng và phát triển xã hội học tập là môi trường để tinh thần đọc sách nảy nở và phát triển.
(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)