Triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam đến hết năm 2020: Thực trạng và những bất cập

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:34, 15/04/2021

Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là chiến lược phát triển lâu dài. Chính vì vậy, để xây dựng một cách bài bản, đồng bộ cần phải có kế hoạch, lộ trình cho từng giai đoạn, với những chính sách cụ thể về nguồn lực.

Quyết định quan trọng cho sự hình thành ĐTTM tại Việt Nam

Phát triển ĐTTM là một xu hướng mới, ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới và đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay. Ðể xây dựng ĐTTM cần rất nhiều các yếu tố hợp thành. Trong đó chính sách, quy hoạch, định hướng phải đi trước để tạo hành lang pháp lý cho công nghệ phát triển theo sau.

Để bảo đảm tính chiến lược, phát triển bền vững đô thị, việc xây dựng thể chế, hành lang pháp lý về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát, vận hành ĐTTM cần được thực hiện đầu tiên.

Tại Việt Nam, ĐTTM sớm nhận được sự quan tâm của toàn thể xã hội. Đặc biệt, từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950), nhiều địa phương đã khẩn trương nắm bắt thời cơ, ban hành các đề án, kế hoạch và triển khai chương trình phát triển ĐTTM.

Hồi chuông cảnh báo từ thực trạng triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam đến hết năm 2020 - Ảnh 1.

Đây có thể nói là một quyết định vô cùng quan trọng, tạo tiền đề, nền tảng, hành lang pháp lý cho sự phát triển của ĐTTM tại Việt Nam. Mục tiêu tổng quát của đề án là phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển ĐTTM…

Đề án 950 được chia làm ba giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn đến năm 2020: Xây dựng nền tảng cơ sở pháp lý phát triển đô thị thông minh, tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư triển khai thí điểm ở cấp khu đô thị và đô thị. Thứ hai là giai đoạn đến năm 2025: Thực hiện giai đoạn 1 thí điểm phát triển ĐTTM trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy định quy phạm pháp luật trên cơ sở sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm; triển khai áp dụng Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM tại Việt Nam. Và cuối cùng là giai đoạn định hướng đến năm 2030: Hoàn thành thí điểm giai đoạn 1, từng bước triển khai nhân rộng theo lĩnh vực, khu vực, hình thành mạng lưới liên kết các ĐTTM, có khả năng lan tỏa.

Đến nay, giai đoạn 1 của Đề án đã kết thúc và thu được những kết quả khả quan ban đầu. Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho xây dựng ĐTTM tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, để hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai thí điểm, thời gian qua Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn bao gồm: Công văn số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM; Công văn số 328/THH-DVCNTT ngày 27/3/2020 hướng dẫn thí điểm mô hình Trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm, mô hình kết nối các Trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung đa nhiệm; Công văn số 587/THH-DVCNTT ngày 15/5/2020 hướng dẫn các yêu cầu chức năng của hệ thống trong triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM…

10 nhóm giải pháp phát triển ĐTTM tại Việt Nam

Tại Diễn đàn cấp cao ĐTTM ASEAN 2020, xây dựng ĐTTM được xác định là 1 trong 3 nhiệm vụ cốt lõi trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam. ĐTTM đem lại nhiều lợi ích cho các đối tượng khác nhau, từ chính quyền, người dân, DN đến các thành phần kinh tế… Tất cả đều có cơ hội được hưởng các lợi ích từ phát triển ĐTTM cũng như trực tiếp tham gia trong quá trình phát triển ĐTTM như nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề nóng của đô thị hiện nay…

Ngoài ra, ĐTTM còn giúp gia tăng khả năng tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Đề án 950 đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, trong đó:

Nhóm 1: Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển ĐTTM bền vững.

Nhóm 2: Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực ĐTTM, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ĐTTM bền vững.

Nhóm 3: Hình thành, kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia.

Nhóm 4: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Nhóm 5: Phát triển hạ tầng ĐTTM.

Nhóm 6: Phát triển các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị.

Nhóm 7: Xây dựng tiềm lực phát triển ĐTTM bền vững.

Nhóm 8: Tăng cường huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước.

Nhóm 9: Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ về phát triển đô thị thông minh bền vững.

Nhóm 10: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về ĐTTM.

Thực trạng triển khai ĐTTM tại Việt Nam đến hết năm 2020

Đến nay, sau khi giai đoạn 1 của Đề án 950 kết thúc, theo baoxaydung.vn, cả nước đã có khoảng 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai triển khai đề án ĐTTM cho toàn tỉnh hoặc cho một số đô thị thuộc tỉnh. Về cơ bản, các địa phương đều đang triển khai thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó chú trọng xây dựng trung tâm hành chính công, triển khai dịch vụ công trực tuyến theo các cấp độ, do đó có nhiều thuận lợi để thực hiện xây dựng mục tiêu phát triển ĐTTM.

Hầu hết các địa phương mới đang ở những bước đi khởi đầu, ký kết hợp đồng đối tác, lập đề án phát triển ĐTTM, xây dựng các khung kiến trúc, triển khai thí điểm một số dịch vụ ĐTTM. Một số địa phương đã đạt được các kết quả bước đầu, đem lại những tác động, hiệu quả tích cực như Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...

Nhìn chung, các dự án, đề án phát triển ĐTTM ở các địa phương mới chủ yếu tập trung vào những giải pháp công nghệ như ứng dụng giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ công thông minh, du lịch thông minh, hành chính công và chính quyền điện tử…

Hồi chuông cảnh báo từ thực trạng triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam đến hết năm 2020 - Ảnh 2.

Hồi chuông cảnh báo từ thực trạng triển khai đô thị thông minh tại Việt Nam đến hết năm 2020 - Ảnh 3.

Triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) Bình Phước

Mặc dù Đề án 950 đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, nhưng thực tế triển khai cho thấy vẫn còn nhiều bất cập như thiếu các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan trong khi phát triển ĐTTM lại có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực; thiếu cơ chế chính sách nên các địa phương, doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ĐTTM,...

Trong giai đoạn tiếp theo, phát triển ĐTTM tại các địa phương sẽ còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong việc huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, hình thành các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển ĐTTM, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và tính liên thông đa ngành…

Thực tế, mỗi đô thị có thực trạng phát triển khác nhau, do đó để có thể triển khai ĐTTM thành công, chính quyền địa phương cần căn cứ vào đặc thù, bề dày hình thành, những vấn đề thực tiễn, mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng thay đổi của đô thị để lựa chọn giải pháp tối ưu, hiệu quả nhất trong phát triển ĐTTM cho đô thị đó. Trong đó, cần chú trọng hướng tới phục vụ con người, lấy người dân làm trung tâm, nhằm xây dựng một đô thị có chất lượng cuộc sống cao, môi trường bền vững và nền kinh tế cạnh tranh.

TH