Tạo khát vọng sử dụng công nghệ để phát triển kinh tế số tại Bình Phước
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 11:28, 15/04/2021
Cam kết tạo thuận lợi cho DN CĐS
Chia sẻ tại Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) CĐS tại Bình Phước ngày 15/4, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước cho biết, hội nghị được tổ chức trong bối cảnh những năm gần đây, Bình Phước rất tích cực trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và DN.
Theo Chương trình CĐS quốc gia, đến cuối năm 2021 phải cơ bản hoàn thành các nội dung phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) với trọng tâm là 100% dịch vụ công được cung cấp mức độ 4. Từ năm 2022 phải chuyển qua giai đoạn CĐS trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. "CĐS là một trong những mục tiêu đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm bởi những lợi ích vô cùng to lớn", bà Minh chia sẻ.
Từ đó, mục đích của Hội nghị này là tuyên truyền về CĐS cho cộng đồng SME trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi và thực hành CĐS; Vận động DN sử dụng các nền tảng số để CĐS, tạo khát vọng sử dụng công nghệ để phát triển kinh tế số tại địa phương.
Hội nghị cũng giúp SME CĐS để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN. "Hội nghị cũng là dịp để DN tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, xây dựng hệ sinh thái đối tác, tiếp cận các giải pháp công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh theo xu hướng CĐS", Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước chia sẻ thêm.
Bà Minh cũng mong rằng các đơn vị tham dự sẽ tập trung thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện về vai trò, ý nghĩa, nội dung, quá trình thực hiện, đưa ra các giải pháp và bài học kinh nghiệm trong quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh. Thông qua hội nghị, UBND tỉnh Bình Phước và Bộ TT&TT sẽ ghi nhận các kiến nghị, đề xuất từ các DN trong lĩnh vực CĐS. Kết quả hội nghị sẽ là cơ sở để tỉnh Bình Phước có thêm những thông tin sát thực tiễn, nhằm giúp triển khai thực hiện Chương trình CĐS tỉnh Bình Phước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Cũng theo Phó Chủ tịch tỉnh Bình Phước, CĐS là một xu thế tất yếu trong cuộc CMCN 4.0 và các SME cũng không thể đứng ngoài xu thế ấy. Tỉnh Bình Phước đang có 8.954 DN đang hoạt động, 98% trong số đó là SME và đang góp phần quan trọng vào giải quyết công ăn việc làm cho lao động, đóng góp vào ngân sách tỉnh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
"Lãnh đạo tỉnh luôn coi thành công của DN là thành công của tỉnh. Những gì có thể làm được để hỗ trợ DN phát triển là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tạo thuận lợi cho DN phát triển, CĐS là thông điệp, cam kết của lãnh đạo tỉnh Bình Phước", bà Minh kết luận.
CĐS sẽ giúp năng suất và lợi nhuận của DN tăng gấp đôi
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa chia sẻ về Chương trình CĐS quốc gia về kinh tế số. Theo đó, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. "Do CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện nên với một tổ chức, vì là một sự thay đổi, nên trước tiên đó là việc của lãnh đạo, của người đứng đầu, vì nếu không thì không ai dám làm và có thể làm. Tuy nhiên, tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều phải tham gia", ông Đường cho biết.
Ông Đường đã lấy ví dụ về sự thay đổi ở xã Vi Hương, Bắc Cạn thông qua kết nối thương mại điện tử (TMĐT), đưa hơn 1.000 sản phẩm lên mạng xã hội và các sàn TMĐT. Từ đó, các đơn hàng đến thường xuyên hơn và đời sống của bà con người Dao được cải thiện rõ rệt, từ thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng tăng lên khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Đồng thời, quy trình sản xuất, đóng gói cũng đã được thay đổi, từ thủ công sang dùng máy móc, ứng dụng truy xuất nguồn gốc dùng mã QR Code. Các sản phẩm cũng đều có mã vạch QR Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm ứng dụng BlockChain để kiểm định chất lượng tất cả các khâu.
Theo ông Hoàng Quốc Lê, Phụ trách chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp SME chuyển đổi số của Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 785.000 SME, chiếm hơn 98% tổng số DN trên cả nước nhưng lại đang sử dụng 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 50% GDP. Mặc dù vậy, khi đại dịch Covid-19 diễn ra, trên 90% SME chịu ảnh hưởng tiêu cực do không có đầu ra, thị trường truyền thống bị thu hẹp lại do giãn cách; phụ thuộc vào trung gian…
Thống kê cho thấy, 69% SME khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đẩy nhanh CĐS như một giải pháp để đối phó với Covid-19 nhằm không chỉ sống sót, phục hồi mà còn phát triển mạnh mẽ hơn. Chưa kể đến, DN CĐS có năng suất và lợi nhuận cao gấp đôi so với DN chưa CĐS.
Chương trình hỗ trợ SME CĐS dựa trên các nền tảng số xuất sắc. Các nền tảng "Make in Vietnam" này đã được Bộ TT&TT tập hợp, đánh giá, lựa chọn và công bố. "Các nền tảng này đã được lựa chọn, tích hợp thành hệ sinh thái số đầy đủ cho DN và có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các DN SME tham gia chương trình", ông Lê chia sẻ.
Tại Hội nghị, đại diện của MISA đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các giải pháp CĐS cho DN; CyRadar chia sẻ về nền tảng an toàn, an ninh mạng và những thách thức đối với các SME về bảo mật và xu hướng mới trong ngăn chặn tấn công trên môi trường mạng...
Trong khuôn khổ hội nghị, chương trình ký cam kết giữa 3 DN cung cấp nền tảng CĐS bao gồm MISA, CyRadar, Bkav với công ty Thiên Nông, công ty Đức Tài, công ty Công Phát và công ty Cao su Bình Phước, những DN đăng ký sử dụng nền tảng CĐS của tỉnh cũng đã được diễn ra.
Chương trình hỗ trợ các SME CĐS của Bộ TT&TT nhằm mục tiêu đẩy nhanh việc CĐS trong SME thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do chương trình lựa chọn. Mục tiêu của chương trình là giúp lựa chọn và huy động các nền tảng số xuất sắc tham gia, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các SME; Tối thiểu 50.000 người/năm tiếp cận chương trình; Tối thiểu 30.000 DN/năm được trải nghiệm các nền tảng số; Thiếp lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy CĐS.