Xây dựng CSDL đất đai bảo đảm vận hành, phát triển CPĐT, tiến trình chuyển đổi số ngành TN&MT

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 15:19, 13/04/2021

Để bảo đảm vận hành, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT), tiến trình chuyển đổi số (CĐS), ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã và đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 7/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo đúng quy định.

Đẩy nhanh triển khai CSDL đất đai quốc gia

Theo Bộ TN&MT, thời gian vừa qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, CSDL đất đai.

Để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao cho Bộ TN&MT về triển khai xây dựng CSDL đất đai quốc gia, Bộ TN&MT tiếp tục đẩy nhanh triển khai CSDL đất đai quốc gia trên cơ sở tích hợp CSDL đất đai cấp tỉnh và CSDL đất đai cấp trung ương, đảm bảo đưa hệ thống vào vận hành trước 7/2021 theo chỉ đạo của Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL các bộ, ngành.

Xây dựng CSDL đất đai bảo đảm vận hành, phát triển CPĐT, tiến trình CĐS ngành TN&MT - Ảnh 1.

Về hành lang pháp lý, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai, làm cơ sở thống nhất triển khai giữa các bộ, ngành và các địa phương trên toàn quốc; Xây dựng cơ chế tài chính đảm bảo duy trì, vận hành, khai thác hệ thống CSDL đất đai quốc gia sau khi hệ thống đi vào vận hành; Xây dựng cơ chế thu phí cung cấp thông tin đất đai cho người dân và DN một cách bền vững, hiệu quả.

Tại Chương trình chuyển đổi số (CĐS) TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, ngành TN&MT phấn đấu đến năm 2025, 80% CSDL về TN&MT được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) có sự đóng góp của tổ chức, cá nhân, cộng đồng; trong đó cơ bản hoàn thành CSDL đất đai quốc gia, CSDL nền địa lý quốc gia; CSDL môi trường quốc gia; sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phục vụ người dân và DN, vận hành CPĐT, tiến tới Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Chương trình cũng hướng đến mục tiêu đến năm 2030, 100% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc trên công nghệ số, thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 90% sử dụng công nghệ IoT; cung cấp đầy đủ dịch vụ dữ liệu, thông tin về TN&MT cho phát triển kinh tế số, dịch vụ nội dung số; góp phần để tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GDP, năng suất lao động hàng năm tăng 8%.

Để đẩy nhanh việc xây dựng CSDL đất đai quốc gia trong thời gian tới, Bộ TN&MT đề ra một số giải pháp như: Giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, bảo mật hệ thống; giải pháp quản lý và chia sẻ dữ liệu từ CSDL đất đai...

Về giải pháp xây dựng CSDL, Bộ TN&MT xây dựng mới CSDL đất đai theo quy trình lồng ghép đối với những nơi thực hiện đo đạc, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Cùng với đó là xây dựng mới CSDL đất đai đối với địa bàn đã thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chuẩn hóa, chuyển đổi CSDL địa chính vào hệ thống và xây dựng bổ sung các CSDL thành phần (CSDL quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, CSDL giá đất và CSDL thống kê, kiểm kê) đối đối với các địa bàn đã xây dựng CSDL địa chính trước đây.

Bộ TN&MT cho biết sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về CSDL đất đai; đồng thời tổng hợp dữ liệu địa chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và dữ liệu có liên quan đến đất đai do các bộ, ngành cung cấp; kết nối, chia sẻ CSDL đất đai phục vụ triển khai chính quyền điện tử, CPĐT và với các CSDL quốc gia khác; đầu tư bổ sung, nâng cấp, duy trì vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia...

Xây dựng CSDL đất đai bảo đảm vận hành, phát triển CPĐT, tiến trình CĐS ngành TN&MT - Ảnh 2.

Ứng dụng các sản phẩm của công nghệ 4.0 trong lĩnh vực quan trắc tự động môi trường (Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn)

Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng sẽ rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các quy chế vận hành, khai thác, cập nhập, chia sẻ thông tin dữ liệu đất đai thuộc phạm vi quản lý của địa phương; xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai, CSDL địa chính, CSDL thống kê, kiểm kê đất đai;... đầu tư bổ sung, duy trì kết nối, vận hành hệ thống thông tin đất đai trong nội bộ tỉnh để quản lý, vận hành, khai thác, cập nhập CSDL đất đai và kết nối, chia sẻ với các sở, ngành phục vụ chính quyền điện tử, đô thị thông minh tại địa phương.

6 tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành xây dựng việc CSDL địa chính, đưa vào vận hành

Cũng theo Bộ TN&MT, đến nay trên địa bàn cả nước đang có 3 mô hình hệ thống CSDL vận hành bao gồm: mô hình tập trung cấp tỉnh, mô hình bán tập trung cấp tỉnh và mô hình phân tán cấp huyện; 100% các đơn vị cấp huyện đã ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 49 tỉnh/thành phố đang vận hành, quản lý khai thác, sử dụng đồng bộ CSDL đất đai để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, có 6 tỉnh, thành phố cơ bản đã hoàn thành xây dựng việc CSDL địa chính và đưa vào vận hành, khai thác theo mô hình tập trung cấp tỉnh gồm: Vĩnh Long, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Bến Tre.

Để đảm bảo mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước, Bộ TN&MT đẩy mạnh hoàn thiện phần mềm quản lý vận hành, khai thác CSDL đất đai, kết nối liên ngành, đẩy mạnh việc thực hiện cung cấp DVCTT về đất đai mức độ 3 và 4 đối với các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai ở trung ương và các địa phương, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Cùng với đó là ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển công nghệ, nghiên cứu bổ sung công nghệ mới như chuỗi khối (block chain) trong giao dịch điện tử lĩnh vực đất đai; ứng dụng chuẩn giao tiếp mở giữa các cổng thông tin, thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL quản lý đất đai theo công nghệ tiên tiến thế giới; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong thu thập, phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý...

Ứng dụng CNTT - Một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong CĐS ngành TN&MT

Ngành TN&MT xác định ứng dụng CNTT đang là một trong những nhiệm vụ trọng yếu trong CĐS, đổi mới toàn diện, áp dụng khoa học công nghệ, sáng tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao. Đây là cơ sở quan trọng, là phương thức giúp cho ngành TN&MT thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững toàn diện, đặc biệt là đối với CSDL đất đai.

Tại cuộc họp trực tuyến triển khai công tác năm 2021, Bộ TN&MT đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để từng lĩnh vực, đơn vị cùng thực hiện nhằm đưa ngành TN&MT hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Theo đó, các đơn vị tổ chức triển khai ngay kế hoạch CCHC, kế hoạch ứng dụng CNTT; tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện cung cấp DVCTT trên Cổng DVCQG đối với thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất; từng bước thực hiện CĐS trong tất cả các lĩnh vực của ngành TN&MT...

Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành TN&MT sẽ hướng tới mục tiêu trong công tác quản lý, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành cơ bản dựa trên dữ liệu và kết quả phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ số, thông minh. Bộ TN&MT sẽ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kinh tế - kỹ thuật bắt kịp thay đổi nhanh chóng của công nghệ, bảo đảm phát triển, vận hành CPĐT, tiến trình CĐS của ngành.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm triển khai năm 2021, Bộ TN&MT sẽ thực hiện triển khai CPĐT, CĐS như: Triển khai các DVCTT thiết yếu; rà soát, tái cấu trúc quy trình, xây dựng giải pháp kỹ thuật triển khai các dịch vụ công thiết yếu; triển khai thực hiện kết nối, liên thông CSDL đất đai quốc gia...

Đồng thời, nhằm thúc đẩy, tạo hiệu ứng lan tỏa, căn cứ vào dữ liệu hiện có, Bộ TN&MT sẽ triển khai quyết liệt nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin tham vấn, giải đáp và đánh giá thực thi chính sách pháp luật TN&MT trên công nghệ AI, góp phần giải quyết công tác hướng dẫn, giải đáp thực thi pháp luật, tăng năng suất, giảm áp lực cho khối lượng công việc lớn của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ.

XT