Người dân là trung tâm triển khai các dịch vụ ĐTTM tại Thừa Thiên Huế
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:04, 12/04/2021
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Để thực hiện những mục tiêu trên, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung phát triển ứng dụng CNTT, chính quyền điện tử (CQĐT) và ĐTTM.
Kết quả triển khai dịch vụ ĐTTM tỉnh Thừa Thiên Huế
Theo Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT, Thừa Thiên Huế là một trong số ít các địa phương sớm phê duyệt Đề án "Phát triển dịch vụ ĐTTM trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025" tại Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 10/08/2018 của UBND tỉnh. Theo đó, tỉnh đã xác định rõ bài toán đặt ra ngay từ đầu là tập trung phát triển dịch vụ ĐTTM, từng bước tiến tới hoàn thiện mô hình phát triển ĐTTM toàn diện của tỉnh. Tỉnh đã ban hành đầy đủ các quy chế cần thiết để phục vụ cho việc quản lý, vận hành và duy trì hoạt động của các hệ thống dịch vụ ĐTTM.
Về kết quả triển khai dịch vụ ĐTTM, Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả như dịch vụ phản ánh hiện trường đã được cung cấp cho người dân thông qua các kênh Zalo, Facebook, Hotline và ứng dụng di động Hue-S. Dịch vụ đã tập hợp các hệ thống phản ánh phân tán từ các kênh khác nhau vào 01 hệ thống duy nhất do Trung tâm CNTT của Sở TT&TT tự phát triển.
Dịch vụ phản ánh hiện trường không chỉ cho phép người dân phản ánh đối với cơ quan chính quyền mà còn cho phép phản ánh về các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Người dân có thể phản ánh đối với mọi lĩnh vực và mọi ý kiến của người dân đều được chính quyền lắng nghe, quan tâm và xử lý. Chỉ riêng trong năm 2020 có tổng cộng 24.768 ý kiến phản ánh. Các ý kiến phản ánh sau khi xử lý đều được đăng tải công khai, trừ các nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục.
Trong khi đó, hệ thống camera giám sát đã kết nối khoảng 200 camera với Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM (IOC), quản lý vị trí trên nền tảng bản đồ số Open Street Map để giám sát tình hình giao thông và an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Một số camera giao thông đã có ứng dụng AI giúp nhận diện biển số, nhận diện vi phạm giao thông. Đến nay, hệ thống đã kết nối với hệ thống xử phạt nguội của Công an tỉnh để xử lý. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp các hệ thống thông tin, dữ liệu của các ngành, lĩnh vực khác để giúp chính quyền phản ứng nhanh nhất.
Về dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng, hiện tại tỉnh sử dụng song song 3 hệ thống do Viettel, AIC và DN CNTT tại Huế triển khai. Dịch vụ quan trắc, quản lý, giám sát hồ đập đã triển khai hệ thống giám sát cho 02/8 hồ đập trong tỉnh, lấy dữ liệu tự động thông qua giao diện lập trình ứng dụng (API) và hiển thị lên màn hình tại Trung tâm IOC. Ngoài ra, hệ thống đã tích hợp với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đồng bộ dữ liệu.
Dịch vụ giám sát môi trường đã triển khai lắp đặt và quan trắc các vấn đề, bao gồm cấp thoát nước, quan trắc chất lượng không khí, quan trắc nước thải, đo lượng mưa, cảnh báo ngập lụt,... Tất cả đều được kết nối lấy dữ liệu từ cảm biến về Trung tâm IOC.
Hệ thống giám sát tàu thuyền trên biển được Viettel và VNPT cùng tham gia triển khai. Hệ thống giám sát dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), dịch vụ hành chính công đã tích hợp với hệ thống cung cấp DVCTT của tỉnh để đồng bộ dữ liệu tự động, giám sát, thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính về Trung tâm IOC. Hệ thống theo dõi chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã tích hợp các chỉ tiêu phục vụ theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, lĩnh vực trong tỉnh. Hệ thống giám sát an toàn an ninh mạng, hiện tại Huế đang sử dụng song song 03 hệ thống SOC khác nhau do Viettel, AIC và Cục ATTT cung cấp giải pháp. Tỉnh đã thiết lập quy trình xử lý sự cố mất an toàn an ninh mạng.
Về ứng dụng di động Hue-S, đến nay ứng dụng đã đạt 300.000 lượt tải trên hai nền tảng Android và iOS, theo đó người dân và du khách để tương tác với chính quyền và truy cập các tiện ích đối với mọi mặt của đời sống xã hội. Ứng dụng đã trở thành 1 kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân, được người dân đón nhận tích cực.
Trung tâm IOC của tỉnh trong khuôn viên trụ sở của Sở TT&TT, đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2019 với chức năng giám sát toàn bộ các dịch vụ ĐTTM nêu trên. Trung tâm được vận hành theo cơ chế "được Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền" trong một số hoạt động điều phối thông tin, giám sát và đôn đốc các đơn vị thực hiện.
Nền tảng ĐTTM được triển khai thử nghiệm tích hợp với trục liên thông dữ liệu LGSP của tỉnh để lấy dữ liệu từ các hệ thống chính quyền điện tử (cổng dịch vụ công, hệ thống quản lý văn bản,...), và liên kết thông qua API với nhiều hệ thống thông tin từ các sở, ban ngành phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên nhiều lĩnh vực.
Người dân làm trung tâm trong triển khai các dịch vụ ĐTTM
Với những kết quả triển khai ĐTTM của Thừa Thiên Huế, Cục Tin học hoá cho biếtviệc phát triển dịch vụ ĐTTM được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, đặt đầu bài cụ thể với DN để triển khai, giúp giải quyết đúng vấn đề nhức nhối của địa phương trong thời gian vừa qua nên một số dịch vụ đã được người dân đón nhận tích cực.
Lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan cùng tham gia triển khai, bảo đảm dữ liệu được chia sẻ thông suốt giữa các cơ quan để phục công tác triển khai. Nhận thức của cán bộ, công chức trong tỉnh có nhiều chuyển biến, không còn ai thờ ơ, đứng ngoài cuộc trong triển khai.
Tỉnh đã chú trọng yếu tố lấy người dân làm trung tâm trong triển khai các dịch vụ ĐTTM. Các dịch vụ gắn liền với nhu cầu thiết thực của người dân, được thiết kế để đơn giản hóa việc tương tác giữa người dân với chính quyền.
Kết quả triển khai dịch vụ ĐTTM của tỉnh đã kế thừa và gắn kết chặt chẽ với những kết quả đạt được trong xây dựng CQĐT và định hướng triển khai chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh trong thời gian tới. Trong quá trình tổ chức triển khai, tỉnh đã chú trọng công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng người sử dụng để khai thác hiệu quả các dịch vụ đã triển khai.
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Bộ TT&TT với tỉnh Thừa Thiên Huế về triển khai CQĐT, dịch vụ ĐTTM và CĐS tại tỉnh Thừa Thiên Huế cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Theo đó, trong những năm qua, việc triển khai CQĐT xuất phát từ nhu cầu quản lý, lấy phương châm đi từ "dễ đến khó", "đi tắt đón đầu". Quá trình rút kinh nghiệm từ việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về CNTT trong thời gian vừa qua trong khi tỉnh có nguồn lực về tài chính khó khăn trong việc triển khai ứng dụng CNTT không lớn. Phiên bản triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế là phiên bản dịch vụ ĐTTM cuối cùng từ các phiên bản khác.
Trong hơn 10 năm triển khai CQĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo các sở, ngành triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ CQĐT sang Chính quyền số, xây dựng hạ tầng công CNTT - truyền thông đồng bộ. Tỉnh đang dần hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu đặt tại Sở TT&TT nhằm lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn (big data) và triển khai các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh và các dịch vụ ĐTTM.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, người dân được tiếp cận các ứng dụng và nhà nước sẵn sàng là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của ĐTTM. Hiện nay, trong các dịch vụ ĐTTM cung cấp thì dịch vụ phản ánh hiện trường được người dân hưởng ứng và sử dụng nhiều nhất. Các dịch vụ ứng dụng đã và đang góp phần nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động quản lý nhà nước, gia tăng mức độ hài lòng của người dân, DN đối với hoạt động của chính quyền.
Kế thừa và khai thác hiệu quả những kết quả đã đạt được về triển khai ĐTTM
Theo Cục Tin học hoá, phát triển ĐTTM là nội dung còn mới ở Việt Nam, các nội dung triển khai về ĐTTM tương đối rộng, đa dạng và phong phú, do vậy, việc tổ chức triển khai cần phải thận trọng và bài bản, căn cứ vào thực trạng và nhu cầu của tỉnh để giải quyết các vấn đề tồn tại khi triển khai dịch vụ ĐTTM, bảo đảm gắn kết với phát triển CQĐT, chính quyền số của địa phương.
Theo đó, Cục Tin học hoá đề nghị Sở TT&TT tiếp tục rà soát các nội dung triển khai để tham mưu với Lãnh đạo tỉnh triển khai phù hợp với các điều kiện của địa phương; Phân tích làm rõ hiệu quả kinh tế, xã hội, tài chính của các dịch vụ phát triển ĐTTM được đề xuất triển khai.
Sở TT&TT nghiên cứu xây dựng và sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành Kiến trúc ICT và Bộ chỉ số ĐTTM (KPI) sát với thực tế của địa phương, định kỳ thực hiện đo lường kết quả để có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình triển khai.
Ngày 03/3/2021, Cục Tin học hóa đã ban hành văn bản số 213/THH-CPĐT về việc hướng dẫn mô hình tổng thể, yêu cầu chức năng, tính năng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0).
Hiện nay, Cục Tin học hóa cũng đang nghiên cứu để định hướng cho các địa phương trong việc triển khai CĐS và phát triển ĐTTM, bảo đảm kế thừa và khai thác hiệu quả những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước đây.