Đại biểu Quốc hội kỳ vọng một nhiệm kỳ Chính phủ năng động, tích cực đổi mới
Diễn đàn - Ngày đăng : 19:52, 08/04/2021
Như vậy, sau khi được kiện toàn, bộ máy Chính phủ gồm 28 thành viên. Đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính và 5 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành.
Trong 22 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, có 10 người giữ cương vị "Tư lệnh" ngành từ đầu nhiệm kỳ và 12 Bộ trưởng, Trưởng ngành mới.
Nhân sự được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm vào các vị trí "Tư lệnh" ngành mới đều là những đồng chí đã có kinh nghiệm từ địa phương và trong lĩnh vực được phân công. Các đại biểu Quốc hội đặt nhiều kỳ vọng vào nhiệm kỳ tới sẽ tạo ra nhiều đột phá.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng các đồng chí được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm sáng ngày 8/4. (Ảnh: VGP)
Huy lực nguồn lực của cả nước cho đầu tư phát triển
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) nhận định, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chính phủ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn với một thể chế về chính sách còn tồn tại ngổn ngang nhiều vấn đề. Đó là thể chế về kinh tế thị trường chưa hoàn thiện. Thể chế về tổ chức bộ máy đang trong quá trình hoàn thiện. Đặc biệt là thể chế về nhân sự còn nhiều bất cập từ việc lựa chọn theo tiêu chí hình thức hay nội dung, theo tiêu chí bằng cấp hay thực chứng, đấy là thách thức để lựa chọn đội ngũ cộng sự cho mình.
Áp lực nữa là về tồn tại trong đầu tư công, tài chính công. Vận hành như thế nào để tạo ra xung lực mới, khi mà gần như không có thay đổi về nguồn lực, trong khi dư địa huy động nguồn lực còn hẹp hơn.
Theo ông Vân, "đó là những áp lực, thách thức với tân Thủ tướng, gỡ được là cái tài của người lãnh đạo".
"Tôi tin tân Thủ tướng sẽ có nghệ thuật để tạo xung lực mới", ông Vân nói và góp ý Chính phủ cần huy động sức mạnh, gây dựng niềm tin của nhân dân trong xã hội. Chỉ có dân chủ mới huy động tối đa được các nguồn lực trong đó. Tài lực là một nguồn lực thôi, nguồn lực lớn nhất là trí tuệ, sức mạnh của cả dân tộc.
Đại biểu Y Khút Niê, đoàn Đắk Lắk. (Ảnh: VOV)
Chính phủ phải đồng lực, đồng lòng, đoàn kết thực hiện để chính sách mới đi vào cuộc sống
Đại diện cho cử tri Đắc Lắk, đại biểu Y Khút Niê cho biết, ông kỳ vọng dù ai và ở lĩnh vực nào thì người mới tiếp nhận có sự kế thừa, phát huy các chủ trương, kế hoạch đã triển khai từ trước; đồng thời, sâu sát và có kế hoạch cụ thể để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Luật của Quốc hội.
Với một Chính phủ năng động, đổi mới thì các thành viên Chính phủ phải đồng lực, đồng lòng, đoàn kết thực hiện. Có như vậy các chính sách mới đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong các "Tư lệnh" ngành nhiệm kỳ mới, ông đặc biệt đặt kỳ vọng đổi mới ở Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bởi nông nghiệp là một trong những thế mạnh của Việt Nam. Ngành này cũng có mối quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực của các bộ, ngành khác. Ông mong muốn "Tư lệnh" ngành này có bước đi phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động để ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân...
"Tôi hy vọng nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới sẽ có tiếp cận mới về phong cách, phương pháp, từ đó xác lập nguồn lực đầu tư cho xã hội, tạo chuyển biến thực chất về kinh tế - xã hội thông qua những quyết sách đột phá" đại biểu đoàn Đắc Lắk kỳ vọng.
Đồng bộ hệ thống luật pháp, hạn chế độ "vênh" giữa các luật
Việc kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ chốt để sớm đi vào vận hành theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cho thấy sự quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, điều này được thể hiện ngay trong Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Trước một nhiệm kỳ mới, chúng ta ghi nhận khí thế và khát vọng để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh, sánh vai với các cường quốc.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), các đại biểu Quốc hội có chung niềm tin là chúng ta đã có một nhiệm kỳ thành công với những thành tựu. Do đó, ông kỳ vọng bộ máy lãnh đạo Chính phủ, các "Tư lệnh" ngành trong nhiệm kỳ tới sẽ kế thừa và phát huy những thành tích của nhiệm kỳ trước, khắc phục những tồn tại trong thời gian qua.
"Tôi cho rằng, một trong những phần việc quan trọng nhất của Quốc hội là lập pháp. Do đó, nhiệm kỳ tới cần sớm đồng bộ hệ thống luật pháp, hạn chế độ "vênh" giữa các luật; trong đó, đặc biệt chú trọng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thể chế cho những mô hình mới, sáng tạo để có điều kiện phát huy, phát triển trong thời gian tới", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.