"Tương lai" phát triển ngân hàng số phải bắt đầu từ "hiện tại"
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:05, 08/04/2021
CĐS ngân hàng là một xu hướng bắt buộc
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, chú trọng mạnh mẽ đến việc phát triển kinh tế số, điều này được thể hiện trên các văn bản ban hành như: Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt; Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo; Nghị định 165/2018/NĐ-CP ngày 10/2/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính...
Việc ra đời các văn bản quan trọng trên đã tạo ra những cơ hội phát triển, thay đổi cho các hệ thống tổ chức tài chính, nhất là với các ngân hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc các ngân hàng phải "thay đổi", "chuyển mình" mạnh mẽ tiến đến các mô hình ngân hàng số chính là một hướng đi đúng đắn, bắt kịp với xu hướng số hóa toàn cầu. Điều này không chỉ mang lại nhiều lợi ích về tăng trưởng doanh thu cho các ngân hàng, đây còn là động lực, nhiệm vụ quan trọng giúp các hệ thống ngân hàng số nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng tới mọi người dân, tăng cao doanh thu tài chính so với các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Nhờ việc thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo trên, đến nay kết quả đạt được: Có hơn 70 tổ chức tín dụng thực hiện giao dịch tài chính qua kênh Internet hoặc điện thoại di động (ĐTDĐ). Tính đến hết tháng 10/2020, các giao dịch thanh toán qua ĐTDĐ đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2019; giao dịch thanh toán qua Internet đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cũng tính đến hết năm 2020, có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số (CĐS), 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược CĐS hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh CNTT, theo hanoimoi.com.vn.
"Việc số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận được với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói", theo Báo cáo từ Vụ Thanh toán NHNN.
Còn theo Báo cáo của EY, đến nay các tổ chức tin dụng, ngân hàng đã tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ đạt: 73% ngân hàng quy trình hoạt động liên tục; 47,6% hệ thống quản lý quan hệ khách hàng; 42,8% chữ ký điện tử, chữ ký số nội bộ; 70% các tổ chức tín dụng có mức độ sẵn sàng triển khai từ mức trung bình trở lên với các công nghệ.
"Tương lai" phát triển ngân hàng số phải bắt đầu từ "hiện tại"
Nói về tầm quan trọng của việc CĐS các ngân hàng cũng như cần thiết phải có chiến lược CĐS - một nhiệm vụ quan trọng trong xu hướng bắt buộc đó, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tập trung, tích cực nghiên cứu để sớm đưa ra chiến lược CĐS ngành ngân hàng.
Các tổ chức tín dụng, nhất là đối với ngân hàng luôn mong muốn NHNN sớm xây dựng được cơ chế thử nghiệm, vận hành chiến lược CĐS trong nội bộ tổ chức và sau đó phát triển mở rộng đến toàn hệ thống các ngân hàng trên toàn quốc.
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Dương, ông Nguyễn Thương Lạng, chuyên gia kinh tế, chuyên nghiên cứu các vấn đề về chính sách nêu ý kiến: Chiến lược CĐS ngân hàng là một vấn đề lớn, sống còn của các ngân hàng. Do đó, để các ngân hàng phát triển vững mạnh, chúng ta cần tăng cường tổ chức thêm các "chuỗi" hội thảo, diễn đàn để tham vấn, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà hoạch định về vấn đề này.
"Đây là cơ sở, nền móng để các ngân hàng Việt Nam muốn phát triển, tăng trưởng hiệu quả trong cuộc cách mạng hội nhập kinh tế, thời đại 4.0", Chuyên gia Lạng nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia Lạng, chúng ta cần đánh giá, lượng hóa qua con số cụ thể về những tác động khi số hóa toàn ngành ngân hàng, vì điều này sẽ tạo ra những giá trị ảnh hưởng không chỉ trực tiếp đối với nền kinh tế số Việt Nam mà còn phát sinh các vấn đề khác.
Nói đến các vấn đề phát sinh, ông Lạng cho rằng, khi số hóa toàn ngành ngân hàng, liệu nó có tác động, ảnh hưởng tạo ra sự "thải loại" co bớt các chi nhánh, phòng giao dịch các ngân hàng? Loại khỏi bao nhiêu lao động trong lĩnh vực này? Luật pháp và chính sách Việt Nam cần đi theo hướng nào?....
Để giải quyết tốt các vấn đề được coi là "sứ mạng" phát triển các ngân hàng số, ông Lạng cho rằng, nhất thiết giờ đây cần sử dụng các hệ thống các chuyên gia trong nước và quốc tế, các tập đoàn công nghệ lớn... Đặc biệt, trước khi nói đến "tương lai" cho các ngân hàng số, chúng ta cần quyết tâm cao thực hiện mục tiêu của "hiện tại". Làm tốt "hiện tại", điều cần thiết giờ đây là phải xây dựng, hình thành, ban hành cụ thể được bộ khung chiến lược CĐS ngân hàng Việt Nam.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, giờ đây câu chuyện CĐS ngân hàng hay xây dựng ngân hàng số đang là một đích đến nên đòi hỏi một sự chuyển đổi căn bản, tích cực để chạy đua với thời gian.
Chúng ta đang có nhu cầu thị trường tiềm năng, khi chúng ta mang tất cả lên thế giới ảo, mạng, số, thì chiến lược kinh doanh của các ngân hàng phải được xây dựng, vận hành trên thế mạnh là những công cụ ứng dụng công nghệ, hạ tầng công nghệ tương thích, những nền tảng số.
Ngoài việc làm tốt điều này, các ngân hàng phải luôn đổi mới, tạo "chiến lược kinh doanh thật" vì đây là chất riêng tạo ra "chất cạnh tranh" cho mỗi ngân hàng, mỗi mỗi định chế tài chính nói chung.
Hành lang pháp lý - Thách thức cần cân nhắc
Giờ đây, nhìn về thực tế câu chuyện triển khai ngân hàng số của Việt Nam thời gian qua đang đi đúng với xu hướng của thế giới cũng như chủ trương của Chính phủ về tiêu dùng không tiền mặt, đẩy mạnh các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Về phía các ngân hàng, luôn nhận thức đây là cơ hội phát triển, do đó các ngân hàng luôn có "sự lột xác" để hướng đến sự thay đổi toàn diện, căn bản trong cách thức hoạt động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, để không mình không bị tụt hậu, không phải là mắt xích rỗng trong hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, trong những cơ hội phát triển, thay đổi trên không phải lúc nào cũng chỉ là những thuận lợi, mà đối nghịch với nó là những thách thức, khó khăn.
Chia sẻ về điều này, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng – NHNN, cho rằng, hiện nay ngành ngân hàng đang chứng kiến sự thâm nhập ngày càng sâu của các tập đoàn công nghệ tiêu dùng lớn vào các lĩnh vực dịch vụ truyền thống như thanh toán, chuyển tiền và tín dụng... Chính điều này đang làm mờ đi ranh giới về ngành khó phân biệt đâu là thương mại điện tử, đâu là dịch vụ tài chính ngân hàng đưa đến thách thức lớn cho cơ quan quản lý.
Nói về thách thức trong quá trình số hóa các ngân hàng, theo ông Hòe, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa đồng bộ, còn thiếu hoặc chồng chéo nên chưa đáp ứng được yêu cầu tạo thuận lợi để hệ thống ngân hàng thích ứng với bối cảnh số hóa.
Hơn nữa, các ngân hàng đang đối đầu với các đối thủ mới như: các ngân hàng ảo, công ty tài chính lớn, các hoạt động ngân hàng nằm ngoài phạm vi các ngân hàng (banhking beyond banks); các cuộc tấn công mạng; chất lượng nguồn nhân lực...
Để giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, ông Hòe kiến nghị, Chính phủ cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (regulator sandbox), sandbox cho mobile money; các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu và kết nối kinh doanh (Open API); chú trọng thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp về quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật, đảm bảo dữ liệu người dùng...
Trên quan điểm đồng tình với ông Hòe về các kiến nghị trên, bà Nguyễn Thùy Dương cho rằng, hành lang pháp lý là thách thức mà chúng ta cần cân nhắc. Tuy nhiên, chúng ta chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới.
Cũng đề cập đến thách thức hành lang pháp lý, ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng Ban Nghiên cứu & Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vẫn còn khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số, các văn bản pháp lý ban hành còn chậm và mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ; chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập.
"Các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử; quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số...", Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề xuất.
Như vậy, để đảm bảo tương lai phát triển các ngân hàng số, giờ đây điều quan trọng NHNN cần sớm ban hành kế hoạch cụ thể về chiến lược CĐS cho hệ thống các ngân hàng Việt Nam, nếu tập trung làm tốt, thực hiện được điều này, chúng ta sẽ tạo ra "tầm nhìn" bao quát đảm bảo sự phát triển cho các ngân hàng số của hiện và tương lai.