Lào Cai siết chặt công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2021
Truyền thông - Ngày đăng : 15:31, 07/04/2021
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP ở các cấp, thông qua hoạt động hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý về ATTP trong tình hình mới theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Lào Cai siết chặt công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2021. (Ảnh: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai)
Theo đó, Kế hoạch tập trung vào 3 nội dung chính là: hậu kiểm bảo đảm chất lượng thực phẩm, gồm tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm trong tất cả các khâu; tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm: Thực hiện hậu kiểm về công bố sản phẩm; điều kiện bảo đảm ATTP; thực phẩm nhập khẩu; ghi nhãn thực phẩm theo quy định; quảng cáo các nhóm thực phẩm; sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: Hậu kiểm việc chấp hành các quy định chung về bảo đảm ATTP, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm; kiểm soát bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn và thức ăn đường phố.
Đối với cơ quan quản lý về ATTP: Kiểm tra, chấm điểm, xếp loại trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cơ quan quản lý ATTP tại tuyến huyện, xã, tập trung vào các nội dung, như việc triển khai công tác bảo đảm ATTP theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quản lý; công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tổ chức ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về ATTP; công tác kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm; giải quyết sự cố về ATTP; công tác báo cáo.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu hoạt động hậu kiểm không được chồng chéo, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hậu kiểm nhóm sản phẩm/sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra hoặc kiểm tra giảm và kiểm soát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, lễ hội và các cơ sở thuộc diện không phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo ATTP đúng theo quy định của pháp luật. Đánh giá tình hình về ATTP đối với các nhóm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhằm định hướng giải pháp quản lý; đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính về ATTP.
Đồng thời, tuyên truyền chính sách pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan trong lĩnh vực ATTP. Ngăn chặn được cơ bản tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; quảng cáo thực phẩm vi phạm; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của các Sở, ngành theo quy định.