Phát triển đô thị thông minh, Đà Nẵng đột phá trong giai đoạn mới
Đô thị thông minh - Ngày đăng : 09:29, 07/04/2021
Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững
TP. Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có vai trò là đô thị lớn, là đầu tàu, động lực phát triển; trung tâm kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.
Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.
Ngày 19/6/2020, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
Ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.
Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030 - tầm nhìn 2045 đã được lập, phản biện và thẩm định một cách kỹ lưỡng, công phu, khoa học và toàn diện. Đồ án cũng được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, được nhiều chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Đà Nẵng thống nhất cao.
Trong đó, Đồ án định vị chiến lược đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; là một cổng vào của Hành lang kinh tế Đông Tây; điểm đến phong cách sống toàn cầu; trung tâm du lịch, dịch vụ và trung tâm kinh tế biển của Việt Nam và khu vực. Đồng thời, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó TP. Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững.
Để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, TP. Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết về Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.
Chương trình cũng đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành xã hội số, công dân số.
TP. Đà Nẵng hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
Triển khai ĐTTM Đà Nẵng: Một số kết quả
Để triển khai ĐTTM/thành phố thông minh (TPTM), TP. Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc tổng thể TPTM với 6 trụ cột và 16 lĩnh vực thông minh, ban hành Đề án xây dựng TPTM giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020, sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; Đến năm 2025, thông minh hóa các ứng dụng; Đến năm 2030, thông minh hóa ứng dụng cộng đồng và hoàn thành xây dựng ĐTTM kết nối đồng bộ với các mạng lưới ĐTTM trong nước và khu vực ASEAN.
Tại hội thảo chuyên đề về Đề án CĐS TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây, TP. Đà Nẵng đã thông tin một số kết quả triển khai thực hiện ĐTTM.
Theo đó, Đà Nẵng đã triển khai nhiều ứng dụng, tiện ích trên môi trường số, dưới dạng app cho điện thoại di động và có được sự sử dụng, tương tác lớn của người dân, doanh nghiệp (DN); dữ liệu số hình thành và ban đầu chia sẻ dữ liệu lẫn nhau; triển khai Cổng dữ liệu mở để cung cấp dữ liệu, công khai thông tin cho người dân, DN.
Cụ thể, theo Đà Nẵng, về quản trị thông minh, thành phố đã triển khai hệ thống giám sát tập trung Mini IOC và 6 dịch vụ ĐTTM cơ bản theo hướng dẫn thí điểm dịch vụ đô thị của Bộ TT&TT (bao gồm: Dịch vụ phản ánh, góp ý; dịch vụ giám sát dịch vụ công; dịch vụ giám sát giao thông; dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát an toàn thông tin (ATTT); dịch vụ giám sát thông tin mạng xã hội) và 12 dịch vụ tăng thêm khác như giám sát môi trường nước, không khí; giám sát tình hình dịch bệnh Covid-19, dữ liệu mở, giám sát hành trình xe rác,…
Về giao thông thông minh, Đà Nẵng triển khai Trung tâm giám sát giao thông và điều khiển đèn tín hiệu; gần 200 camera giám sát giao thông thông minh và ứng dụng nhận dạng biển số và phát hiện vi phạm giao thông; thí điểm camera đo đếm lưu lượng và tự động điều khiển đèn tín hiệu điều khiển giao thông theo thời gian thực…
Ngoài ra, thành phố đã sử dụng các hệ thống quản lý giám sát giao thông do cơ quan trung ương triển khai như: Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình; Phần mềm quản lý giấy phép lái xe; Phần mềm quản lý trạm cân.
Đà Nẵng đang triển khai các dự án chuyên ngành giao thông phục vụ giao thông thông minh như: giám sát bãi đỗ xe, triển khai hệ thống xe buýt chất lượng cao, hệ thống vé tự động, hệ thống quản lý và giám sát đơn vị vận hành, hệ thống bản đồ giao thông, hệ thống thông tin hành khách thời gian thực tại nhà chờ, hệ thống giám sát an ninh trung tâm, hệ thống cơ sở hạ tầng); Cổng thông tin giao thông trực tuyến.
Để thúc đẩy đời sống thông minh, Đà Nẵng đã triển khai Trung tâm giám sát an ninh, trật tự qua camera, đồng thời đã huy động người dân, DN trang bị hơn 34.500 camera giám sát an ninh; thí điểm ứng dụng nhận dạng phục vụ công tác quản lý đô thị…
Về giáo dục thông minh, Đà Nẵng đã triển khai phần mềm tuyển sinh trực tuyến đầu cấp (lớp 1, lớp 6); CSDL dùng chung và Cổng giao tiếp dữ liệu ngành Giáo dục nhằm liên thông tích hợp dữ liệu của các phần mềm quản lý trường học, hình thành CSDL học sinh (quá trình học tập từ lớp 1 đến 12) và giáo viên toàn thành phố; xây dựng Cổng tra cứu điểm thi các cấp (web, SMS, Zalo).
Ngoài ra, thành phố đang triển khai thí điểm mạng lưới thiết bị IoT giám sát trường học; hệ thống âm thanh thông báo đến lớp học; hệ thống ánh sáng học đường gồm hệ thống quản lý trung tâm và hệ thống giám sát ánh sáng của 26 phòng học.
Về y tế thông minh, 100% trạm y tế xã, phường đã triển khai ứng dụng y tế điện tử; Ứng dụng quản lý bệnh viện và khám, chữa bệnh điện tử tại 16/16 trung tâm y tế quận, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa; hình thành Hồ sơ y tế điện tử công dân và quản lý mã (ID) bệnh nhân toàn thành phố.
Đà Nẵng cũng đã triển khai năng lượng thông minh ứng dụng chatbot hướng dẫn hỗ trợ du khách tự động; ứng dụng lưu trú trực tuyến để đăng ký và quản lý du khách lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng (web và app mobile).
Ngoài ra, Đà Nẵng còn triển khai nhiều ứng dụng, nhiều tiện ích và nhiều kênh để người dân, DN sử dụng; và có được sự tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số khá cao. Hệ thống chính quyền điện tử thành phố hiện có 180.000 tài khoản điện tử của công dân, DN để đăng nhập, sử dụng dịch vụ trên mạng của chính quyền thành phố.
Cổng dịch vụ công (DVC) thành phố, còn có Cổng góp ý Đà Nẵng và cứu hộ (1.000 lượt/tháng), ứng dụng Cho và Nhận và Tổng đài 1022 (10.000 lượt/tháng); Chatbot tư vấn tự động (hơn 4.000 lượt tư vấn/tháng), cổng dữ liệu mở, Cổng thông tin điện tử, ứng dụng Danang Smart City,…
So với mục tiêu đặt ra đến năm 2020, Đà Nẵng đã hoàn thành 12/13 nhóm mục tiêu đề ra trong Đề án xây dựng TPTM (01 mục tiêu "thẻ du lịch thông minh" tạm dừng, chuyển sang giai đoạn sau do vướng quy định pháp lý); hoàn thành 11/13 nhiệm vụ đến năm 2025 của Đề án 950.
Xây dựng TPTM cần huy động nguồn lực lớn, từ năm 2014 đến nay, Sở TT&TT Đà Nẵng đã chủ động làm đầu mối, kết nối, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, DN trong nước (Viettel FPT, VNPT, Vietinbank, MoMo, ABB,..) và quốc tế (KOICA, JICA, WeGo, ASCN, Thành phố, Deagu - Hàn Quốc….); đặc biệt là nguồn lực của đơn vị, DN địa phương để triển khai một số hệ thống ứng dụng thông minh mang thương hiệu Đà Nẵng (Make in Da Nang) và đã được nhân rộng thành công tại các địa phương khác.
Qua quá trình triển khai TPTM, đến nay thành phố đã đạt được những thành công bước đầu và được các tổ chức quốc tế ghi nhận như Giải Xuất sắc WeGO Award trong lĩnh vực thu hẹp khoảng cách số do Tổ chức các TPTM bền vững thế giới WeGO trao tặng năm 2014; Giải thưởng ASOCIO Smart City Award do Tổ chức công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng năm 2019; Giải thưởng TPTM Việt Nam 2020 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA) tổ chức, trao giải (giải thưởng duy nhất dành cho nhóm các thành phố/đô thị). Ngoài ra, năm 2020, Đà Nẵng còn nhận được giải Hạ tầng số thông minh (bao gồm cả dữ liệu số), DVC thông minh. Đây là những minh chứng về kết quả phát triển hạ tầng và DVC của Đà Nẵng.
Mới đây nhất, đầu tháng 4/2021, Đà Nẵng vừa lọt top các chính quyền thành phố thông minh khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo bảng xếp hạng của Tổ chức Chiến lược Eden. Theo đó, Đà Nẵng là một trong 30 thành phố có "sáng kiếnTPTM độc đáo và sáng tạo" và một trong 5 thành phố tiêu biểu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cùng với các thành phố lớn khác như Munich, Geneva, Manchester, Orlando, Pittsburgh,...
Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh đã từng chia sẻ quan điểm chủ đạo "TPTM là mô hình quản lý đô thị, trong đó CNTT - truyền thông được sử dụng như một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý", từ năm 2014, UBND thành phố đã phê duyệt "Đề án xây dựng TPTM hơn". Trên cơ sở đó, từ năm 2014 đến nay thành phố đã phối hợp với các DN CNTT hàng đầu (Viettel, VNPT, FPT, Microsoft, Intel,…) triển khai thí điểm các ứng dụng thông minh trong một số lĩnh vực chuyên ngành.
Xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TPTM
Với việc công bố Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP. Đà Nẵng ngày 29/3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư và DN, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới.
Trước đó, trao đổi TTXVN về nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, với sự nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên thực tiễn của thành phố, Đại hội Đảng bộ Đà Nẵng đã xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất là xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững.
Thứ hai là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và CNTT, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TPTM, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
Thứ ba là triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng.
"Việc thực hiện thành công 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá này đồng nghĩa với việc thực hiện thành công giai đoạn đầu Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, đó cũng là mệnh lệnh từ trái tim của mọi cán bộ, đảng viên; là khát vọng chính đáng của mỗi người dân Đà Nẵng hiện nay", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.