Canada hỗ trợ Việt Nam thực hiện nâng cao an toàn thực phẩm
Truyền thông - Ngày đăng : 11:11, 04/04/2021
Dự án SAFEGRO do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) làm đầu mối, tổ chức thực hiện.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, mục tiêu tổng thể của Dự án là hỗ trợ phát triển và thực thi các quy định về ATTP được xây dựng trên cơ sở khoa học và phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ. Dự án cũng sẽ thu hút các nhà sản xuất (bao gồm các nông hộ nhỏ) và khu vực tư nhân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh, thân thiện môi trường và phát triển hệ thống truy suất nguồn gốc bền vững.
Trong khi đó, mục tiêu cụ thể của Dự án là cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương trong thực thi các quy định, chính sách về ATTP; giúp những cơ quan này tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm cũng như công nghệ, phương pháp kiểm soát tiên tiến liên quan đến chất lượng, ATTP từ các tổ chức nghiên cứu, quản lý và doanh nghiệp sản xuất của Canada.
Dự án giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của người sản xuất, các bên tham gia chuỗi giá trị ở cả thị trường trong và ngoài nước thông qua cải thiện vấn đề ATTP; nâng cao vị thế của người tiêu dùng nhằm gia tăng nhu cầu thực phẩm an toàn, giá cả hợp lý ở Việt Nam.
Ngoài ra, Dự án cũng hướng đến mục tiêu hỗ trợ thay đổi hành vi của người sản xuất, thúc đẩy thực hành nông nghiệp bền vững với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là vấn đề phát thải khí nhà kính.
Mới đây, Ban chỉ đạo Dự án "ATTP vì sự phát triển" (SAFEGRO) đã họp xem xét, phê duyệt kế hoạch năm của Dự án.
Các đại biểu tham dự buổi họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Dự án: "Dự án sẽ đưa các chuyên gia hàng đầu của Canada hỗ trợ hệ thống quản lý, rà soát chính sách, hệ thống thanh kiểm tra, kiểm định ATTP, áp dụng công nghệ sáng tạo của Canada trong quản lý, thông tin để nâng cao giá trị gia tăng cho chuỗi nông sản lựa chọn". Dự án sẽ hỗ trợ làm việc với khối quản lý Nhà nước, viện trường, doanh nghiệp và tổ nhóm nông dân, người sản xuất nhỏ tham gia cung cấp sản phẩm cho 2 thị trường chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Truyền thông về ATTP cũng là điểm nhấn của Dự án nhằm cung cấp thông tin đến nhiều đối tượng, trong đó có người tiêu dùng...".
Dự án "ATTP vì sự phát triển" SAFEGRO với nguồn kinh phí 15,3 triệu Đô la Canada (khoảng 280 tỷ đồng), thực hiện trong 5 năm tài chính (2020 - 2025). Chính phủ Việt Nam cũng sẽ đóng góp bằng hiện vật trị giá khoảng 100.000 Đô la Canada gồm: cử cán bộ tham gia, bố trí văn phòng làm việc triển khai dự án tại Việt Nam...
Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Dự án, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị phía Canada phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cùng các cơ quan liên quan hoàn thiện kế hoạch hoạt động của Dự án năm 2021 để tiến tới hai bên ký Biên bản ghi nhớ.
Thứ trưởng cũng giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản là đầu mối phía Việt Nam để phối hợp với phía Canada trong việc rà soát, cập nhật và hoàn thiện văn kiện dự án.
"Bộ NN&PTNT cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai Dự án thành công" - ông Tiến khẳng định.
Ông Jared Brading, Tham tán phát triển/Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo Dự án chia sẻ, Canada và Việt Nam đang có mối quan hệ đối tác toàn diện, quan hệ của hai nước đang có những bước tiến triển tích cực. Dự án này sẽ góp phần vào cải thiện hệ thống nông nghiệp ở Việt Nam và toàn cầu.
Trước đó, để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước về ATTP, thiết lập cơ chế hợp tác và giải quyết các vấn đề về ATTP, bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe động vật và cùng hợp tác hỗ trợ nhau thực thi cam kết trong Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP mà hai nước là thành viên, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada xây dựng Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực Vệ sinh ATTP và Kiểm dịch động thực vật.
Dự án "ATTP vì sự phát triển" SAFEGRO gồm 3 hợp phần:
Hợp phần 1: Tạo môi trường chính sách thuận lợi, nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật của cơ quan quản lý trung ương và địa phương tại Việt Nam về ATTP trong những chuỗi giá trị được chọn nhằm đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Hợp phần 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có các nông hộ nhỏ, nông dân nghèo và các tác nhân khác tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là phụ nữ tại Việt Nam để cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và quốc tế.
Hợp phần 3: Gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với nông sản thực phẩm an toàn và giá cả phải chăng ở Việt Nam.