Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn)

Truyền thông - Ngày đăng : 11:10, 04/04/2021

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như tìm giải pháp nhằm phát triển thị trường này một cách hiệu quả nhất.

Đảm bảo an toàn thực phẩm – Khi các Bộ ngành vào cuộc

Trên thế giới, an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu với nỗi lo sức khỏe cộng đồng. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018 đã lựa chọn ngày 7/6 hàng năm là Ngày An toàn Thực phẩm thế giới. Còn ở Việt Nam, năm 2019, chúng ta cũng lần đầu tiên tổ chức sự kiện vào ngày này.

Theo thống kê, mỗi năm, hàng nghìn cơ sở kinh doanh ăn uống mới được mở ra tại Việt Nam, với đủ mọi loại hình và quy mô từ những nhà hàng lớn đến các cơ sở kinh doanh nhỏ tại nhà. Do đó, lực lượng lao động tham gia vào quá trình chế biến thực phẩm được tăng lên và thay đổi liên tục. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và thực hành tốt trong chế biến thực phẩm cho lực lượng lao động này là rất cần thiết.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn) - Ảnh 1.

Thực phẩm an toàn cần được quản lý từ nơi sản xuất đến kinh doanh.

Bộ Công thương thời gian qua tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối thực phẩm, bao gồm: Tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến bảo đảm chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ; tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm....

Tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường xuất khẩu hàng Việt Nam vào các chuỗi siêu thị của doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam, đưa hàng Việt ra nước ngoài, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công, khoa học công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối; Phối hợp với các Bộ ngành kiểm soát và ngăn chặn việc sản xuất kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn) - Ảnh 2.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương. (Ảnh: baocongthuong)

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công thương tiếp tục xác định công tác quản lý an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, và tập trung vào một số nội dung sau: Thứ nhất, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể chính trị-xã hội về tuyên truyền, vận động, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý; gắn trách nhiệm của người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, chống sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn.

Đi tìm giải pháp phát triển cho thị trường thực phẩm an toàn

Thực phẩm an toàn trong thời gian tới vẫn sẽ là sản phẩm được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị Việt Nam quan tâm. Sự phát triển sản phẩm an toàn là một xu thế rất khó đảo ngược, tuy nhiên tốc độ phát triển của thị trường này vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Với sự xuất hiện của Nghị định 109 và bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thực phẩm an toàn, hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường đã dần được hoàn thiện. Song, để thị trường thực phẩm an toàn phát triển nhanh và lành mạnh còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất là, phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn về thực phẩm an toàn. Khi sự hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn tăng lên, người tiêu dùng sẽ trở thành người tiêu dùng "thông thái", họ sẽ sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, từ đó tạo ra một tác động kép là ủng hộ các nhà sản xuất làm ăn chân chính và hạn chế các nhà sản xuất làm ăn chụp giật, lừa đảo, gian dối. Những hành vi "nhập nhèm", "tự xưng", "tự phong", "trà trộn", "đội lốt" trong thị trường thực phẩm an toàn của những nhà sản xuất, nhà phân phối cơ hội, không đàng hoàng sẽ bị đào thải, thị trường thực phẩm an toàn sẽ trở lên lành mạnh hơn.

Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 2: Lối đi cho thị trường thực phẩm an toàn) - Ảnh 3.

Các cơ quan liên ngành kiểm tra mặt hàng rau an toàn tại hệ thống siêu thị.

Thứ hai là, Nhà nước sớm ban hành bộ hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ tạo điều kiện cho thị trường thực phẩm an toàn hoạt động. Phải nghiên cứu kĩ các điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất làm ăn chân chính phát triển; đồng thời phải xây dựng bộ công cụ kiểm tra, giám sát thật mạnh, nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm; cùng với đó là các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để những người có ý đồ không tốt, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, sự buông lỏng quản lý của cơ quan hữu quan mà thực hiện các hành vi vi phạm.

Thực phẩm là một ngành hàng quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn tới không chỉ sức khỏe của một người, mà của cả một thế hệ, một dân tộc. Vì vậy, các chính sách đưa ra phải đầy đủ để khuyến khích, thúc đẩy khát khao làm giàu chính đáng của những cá nhân, tổ chức tham gia vào kênh phân phối, đồng thời ngăn chặn những người có mong muốn làm ăn bất chính, họ có muốn cũng không dám làm.

HM