Thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn
Truyền thông - Ngày đăng : 16:22, 01/04/2021
Chăn nuôi bò lấy sữa đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm. (Ảnh: Bình Minh)
9 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm
Theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, có 9 nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về công tác ATTP trong năm 2021 cần cấp bách thực hiện.
Cụ thể thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo điều hành gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản với các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh COVID còn tiếp diễn.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo ATTP hài hòa với các chuẩn mực quốc tế; tích cực triển khai các Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh rà soát, loại bỏ các loại vật tư nông nghiệp không 2 bảo đảm chất lượng, an toàn khỏi danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Mô hình trồng râu an toàn tại Đà Lạt vừa phục vụ cung cấp thực phẩm vừa phục vụ du lịch. (Ảnh: Bình Minh)
Đáng chú ý, trọng tâm trọng điểm thứ ba, ngành NN&PTNT xác định cần nhân rộng, mở rộng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, làng nghề thực phẩm, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.
Tiếp đó, trọng tâm thứ tư cần gia tăng số lượng và đa dạng thông tin, tuyên truyền pháp luật ATTP. Đi liền với nhiệm vụ thứ năm là triển khai diện rộng Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT và Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT để quản lý tổng thể, toàn diện điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn; chuyển mạnh sang hậu kiểm, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cũng như các tổ chức được chỉ định phục vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thứ sáu, duy trì triển khai các chương trình giám sát vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản; kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý, tổ chức thanh tra đột xuất, xử phạt nghiêm vi phạm. Tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, chợ đầu mối nông sản thực phẩm an toàn.
Thứ bảy, chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam. Phối hợp với các Bộ, Ngành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong bối cảnh Covid-19.
Thứ tám, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương tổ chức lực lượng quản lý chất lượng, ATTP, chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao cho cán bộ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Tổ chức đánh giá, chỉ định, giám sát cơ sở kiểm nghiệm vật tư nông nghiệp, ATTP theo quy định.
Thứ chín, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao năng lực kiểm soát ATTP trong các chuỗi giá trị nông sản.
Bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam
Để kế hoạch hành động được thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, Bộ NN&PTNT yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ được phân công chủ trì chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai từng nhiệm vụ cụ thể. Các cơ quan có trách nhiệm phải báo cáo kết quả thực hiện trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện.
Trong khi đó, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có trách nhiệm chủ trì theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo Bộ.
Đối với các Ban Quản lý ATTP, Sở NN&PTNT phải xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp 2021 tại địa phương trình UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và tổ chức triển khai bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động bảo đảm ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2021 trên địa bàn quản lý.
Theo Bộ NN&PTNT, mục tiêu của kế hoạch nhằm, bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông lâm thủy sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan; đảm bảo mục tiêu chung của toàn Ngành nông nghiệp về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và phát triển bền vững.
Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT hướng tới mục tiêu cụ thể: - 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo đúng kế hoạch và chỉ đạo đột xuất của Bộ, Chính phủ. - 100% nhiệm vụ kế hoạch của Bộ về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện; - Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98,5% so với 98% năm 2020. - Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 75% so với 72% năm 2020 - Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm qui định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2020; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. |