Trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số
Xã hội số - Ngày đăng : 22:22, 31/03/2021
Hoạt động khởi động cho chiến lược phát triển AI tại Việt Nam
Trung tâm nghiên cứu quốc tế về trí tuệ nhân tạo (AI), kết quả hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Naver (Hàn Quốc), vừa được ra mắt ngày 31/3.
Là đơn vị trực thuộc Viện CNTT-TT của Đại học Bách khoa Hà Nội, trong mục tiêu dài hạn, Trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI sẽ là nơi kết nối các đơn vị nghiên cứu về AI trong phạm vi cả nước, cũng như tăng cường liên kết và hợp tác với các trung tâm AI hàn lâm và công nghiệp mạnh trên thế giới. Trung tâm không những triển khai các nghiên cứu cơ bản tạo ra công nghệ lõi “Make in Vietnam” mà còn chú trọng đến phát triển ứng dụng AI trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.
Cùng với việc công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI, tại sự kiện, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng công bố các quyết định nhân sự lãnh đạo Trung tâm này. Giáo sư Hồ Tú Bảo, một trong những nhà khoa học người Việt có uy tín hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và học máy được bổ nhiệm làm Giám đốc Khoa học của Trung tâm.
Ban điều hành Trung tâm còn có Tiến sĩ Nguyễn Phi Lê đảm nhận vai trò Giám đốc, Giám đốc điều hành Naver Việt Nam Park Dongjin giữ chức vụ đồng Giám đốc và Tiến sĩ Đinh Viết Sang giữ chức Phó Giám đốc.
Có mô hình gọn nhẹ theo hướng mở, hiện tại Trung tâm có 8 nhóm nghiên cứu gồm: nhóm tối ưu, nhóm các hệ thống phân tán, nhóm xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhóm thị giác máy, nhóm mạng thông minh, nhóm học máy, nhóm công nghệ phần mềm thông minh và nhóm tin sinh học.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược đã đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng, nhưng lại có cách đi khá chắc chắn với 3 trụ cột chính được đảm nhiệm bởi 3 Bộ: KH&CN, TT&TT và GD&ĐT cũng như các bộ, ngành khác liên quan đến ứng dụng AI.
“Khi cùng các bộ, ngành xây dựng Chiến lược này để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, chúng tôi luôn tin rằng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là trụ cột quan trọng nhất cho sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam và đặc biệt cho phát triển AI tại Việt Nam”, ông Duy chia sẻ.
Kết nối, hội tụ tài năng về trí tuệ nhân tạo
Theo Viện trưởng Viện CNTT-TT Tạ Hải Tùng, Trung tâm được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp. Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị đối tác là Tập đoàn Naver sẽ cùng đầu tư xây dựng và vận động Trung tâm vì mục đích phát triển nghiên cứu nền tảng chuyên sâu và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực AI.
Trung tâm hiện có hơn 50 nhà khoa học của Đại học Bách khoa Hà Nội và một số chuyên gia hàng đầu đến từ các trường/viện và tập đoàn công nghệ trong một số lĩnh vực liên quan đến AI và ứng dụng như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, tối ưu hóa, mạng máy tính, tin học y sinh, công nghệ phần mềm thông minh…
Thông qua hợp tác, tập đoàn Naver tài trợ, đặt hàng các đề tài nghiên cứu, mời các chuyên gia trong mạng lưới Naver Labs từ châu Âu sang trao đổi học thuật và thực hiện các dự án, cũng như cung cấp học bổng cho sinh viên sang thực tập tại các Labs trong mạng lưới.
Nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của Trung tâm là phải làm sao hội tụ và kết nối được các tài năng trong lĩnh vực AI, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phân tích: Một trung tâm, một viện hay một trường không thể có năng lực tốt nhất để làm mọi thứ. Cũng như mỗi người dù có giỏi đến đâu cũng có một giới hạn nhất định. Vì thế, điều quan trọng với dự án này là phải hợp tác, liên kết tốt.
“Sự hợp tác, liên kết ở đây không chỉ là trong Viện, trong trường mà còn là vượt ra ngoài trường, trong nước và cả quốc tế. Sự liên kết, hợp tác đó mới tạo ra giá trị, tạo ra sức mạnh để chúng ta phát triển. Có như vậy, chúng ta mới có thể theo kịp và đồng hành với thế giới, trước khi nói đến việc dẫn dắt”, ông Sơn nêu quan điểm.
Chia sẻ bên lề sự kiện, Giáo sư Hồ Tú Bảo nhận định, nghiên cứu về AI giữa Việt Nam và các nước như Nhật và Mỹ đang có sự chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ ngày càng được thu hẹp. Đó là nhờ đội ngũ nhân lực của Việt Nam đi học ở nhiều nước hay đang làm việc cho các tổ chức lớn. Họ là những người rất giỏi nên đây chính là cơ hội để chúng ta tăng tốc phát triển. “Dự án thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi, trở thành nơi kết nối lực lượng làm AI”, ông Bảo tin tưởng.
Tổng giám đốc điều hành Naver, ông Choi In Hyuk cho biết Naver rất ấn tượng trước sự phát triển của CNTT Việt Nam những năm qua và thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng mở rộng đào tạo nhân tài cấp cao về AI.
“Cùng với việc xây dựng “Vành đai nghiên cứu AI toàn cầu”, Naver sẽ cùng Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển Trung tâm nghiên cứu quốc tế về AI trở thành một trong những trung tâm mạnh, tạo ra những sản phẩm AI có thể cạnh tranh với các công ty công nghệ lớn ở Mỹ, Trung Quốc”, ông Choi In Hyuk cam kết.