Tối thiểu 30.000 doanh nghiệp được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS mỗi năm
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:30, 30/03/2021
Tối thiểu 30.000 DN/năm được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS
Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định Phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) CĐS. Theo đó, Chương trình có mục tiêu đẩy nhanh việc CĐS trong SME thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do Chương trình lựa chọn; các hoạt động của Chương trình nhằm giúp các SME tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Cụ thể, Chương trình sẽ lựa chọn và huy động được các nền tảng số xuất sắc tham gia Chương trình với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các SME sử dụng nền tảng số để đẩy nhanh CĐS DN.
Chương trình cũng đặt mục tiêu tối thiểu 50.000 người/năm được tiếp cận Chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về CĐS cho DN; Tối thiểu 30.000 DN/năm được trải nghiệm các nền tảng số để CĐS DN; Thiết lập được Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy CĐS.
Các DN, đặc biệt là SME, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu CĐS để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Các DN nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số, và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động CĐS trong DN có thể tham gia chương trình.
Chương trình có các hoạt động chính như: Lựa chọn các nền tảng xuất sắc tham gia Chương trình, trong đó có tổ chức đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phù hợp; Trao đổi, ký kết thoả thuận với DN cung cấp nền tảng số xuất sắc tham gia Chương trình; Rà soát định kỳ Danh sách các nền tảng số tham gia Chương trình; Xây dựng, vận hành Cổng thông tin điện tử của Chương trình, cụ thể sẽ xây dựng và duy trì, vận hành Cổng thông tin điện tử của Chương trình tại địa chỉ http://smedx.vn và http://smedx.mic.gov.vn để cung cấp thông tin về Chương trình; cung cấp kiến thức, tài liệu về CĐS DN; là đầu mối cho các SME đăng ký tham gia Chương trình và sử dụng các nền tảng số của Chương trình; là sàn giao dịch hỗ trợ các SME CĐS và truyền thông, tuyên truyền.
Chương trình cũng sẽ triển khai các khoá tập huấn, đào tạo về CĐS cho DN; tư vấn, hỗ trợ DN CĐS; Tổ chức hội thảo, hội nghị và phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương và các hiệp hội, các bên có liên quan để triển khai Chương trình; Xây dựng các tài liệu, công cụ, cơ sở dữ liệu hỗ trợ; tổ chức Mạng lưới chuyên gia tư vấn CĐS cho các SME.
Theo Quyết định, Bộ TT&TT giao Cục Tin học hoá chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ SME CĐS theo các quy định hiện hành.
Góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
SME đóng vai trò rất quan trọng, là động lực phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 800.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó 98% là SME, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách hàng năm, và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch cùng sự thúc đẩy của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cuộc sống con người, từ thói quen tiêu dùng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đã và đang thay đổi nhanh chóng theo hướng số hóa.
Theo đó, từ tháng 1/2021, Bộ TT&TT đã chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đã có những hoạt động đầu tiên khởi động chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS - SMEdx 2021 bằng các nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: "Chương trình hướng tới mục tiêu kép đó là vừa góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển năng lực DN công nghệ số Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và đi ra toàn cầu".
Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan cùng với các DN nền tảng số xuất sắc Make in Vietnam sẵn sàng đồng hành cùng với các DN nhỏ và vừa để giải quyết "nỗi đau", các vấn đề mà bất cứ DN nhỏ và vừa nào cũng có thể gặp phải đó là tìm kiếm đầu ra của sản phẩm, đó là vấn đề quản lý, tối ưu chuỗi cung ứng hay có thể thanh toán, quản trị nội bộ DN, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng cho biết chúng ta cần những nền tảng số xuất sắc vì các nền tảng số tham gia chương trình phải có khả năng sẵn sàng mở rộng nhanh chóng cung cấp dịch vụ tốt, ổn định cho số lượng khách hàng tăng đột biến với chi phí thấp và chỉ những DN với nền tảng số xuất sắc, có năng lực công nghệ mới có thể đáp ứng được điều này.
Chương trình như là một phép thử đối với các DN số và các nền tảng số Make in Vietnam. Phần thưởng khi vượt qua được phép thử này chính là cơ hội được khách hàng biết đến và sử dụng lâu dài, ổn định.
Đối với các SME, Thứ trưởng cho biết chương trình như là một địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng các SME trong suốt quá trình CĐS. SME với năng lực hạn chế, đa số còn lạ lẫm với khái niệm CĐS có thể nhanh chóng bắt tay vào thực hiện CĐS thông qua các nền tảng số xuất sắc với nhiều chính sách ưu đãi mà không phải thực hiện bất cứ một cam kết nào.
Theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, qua chương trình, các SME có thể tìm hiểu về CĐS, học hỏi các phương pháp CĐS phù hợp cho DN mình. Bên cạnh đó, tính năng quan trọng nhất của SMEdx là các DN có thể tìm hiểu và lựa chọn ngay các nền tảng số mà mình cần dùng để đăng ký triển khai sử dụng kèm theo nhiều ưu đãi lớn.
Các nền tảng CĐS tại SMEdx đều là các nền tảng có uy tín, được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi giới thiệu để cộng đồng SME dùng thử, trải nghiệm và vận dụng vào các nghiệp vụ cụ thể của mình. Từ đó, từng bước thay đổi nhận thức, biến đổi tư duy và hành động mạnh mẽ, tham gia hiệu quả hơn vào thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy sự hoàn thiện quốc gia số.
Lợi ích cho DN CĐS
Theo nhận định của các chuyên gia, CĐS thành công sẽ hỗ trợ DN cắt giảm các chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng, tăng trưởng bền vững.
Khi quá trình CĐS chưa được áp dụng trong DN, khoảng cách giữa các phòng ban là một trong những vấn đề được chủ DN quan tâm. Bởi nếu không có sự tương tác chặt chẽ, các phòng ban không thể làm việc hiệu quả cùng nhau. CĐS giúp các nhân viên ở các phòng ban khác nhau gắn kết, tương tác, trao đổi với nhau nhiều hơn. Bên cạnh việc làm tốt chuyên môn, việc trao đổi với các phòng ban khác cũng sẽ đẩy nhanh hiệu quả công việc của mỗi cá nhân.
CĐS cũng giúp DN hoạt động 24/7 và không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế lỗi nhờ dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ hiện đại. Song song với đó, nhân viên cũng có thêm thời gian để hoàn thiện, nâng cao chuyên môn và nghiên cứu cải thiện và tối ưu hơn giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy rõ rằng, hiện tại, DN nào ứng dụng thành công nền tảng số hóa thì việc triển khai và vận hành đạt hiệu quả cao hơn các DN khác. Đồng thời, CĐS không chỉ nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN mà còn tác động đến khả năng sống còn của DN.
CĐS còn giúp DN chiếm ưu thế hơn trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm thúc đẩy tiến trình mua bán và doanh thu vượt trội hơn so với các phương thức tiếp thị truyền thống.