Logistics: Ngành học của nền kinh tế thời đại số

Diễn đàn - Ngày đăng : 14:17, 29/03/2021

Đáp ứng nhu cầu của xã hội, những năm gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã mở thêm những ngành đào tạo liên quan đến logistics.

Đáp ứng nhu cầu của xã hội, những năm gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã mở thêm những ngành đào tạo liên quan đến logistics.

Sự phát triển của nền kinh tế thời đại số dẫn tới nhu cầu của thị trường lao động cũng dần chuyển dịch, đem tới nhiều cơ hội cho nhóm ngành Logistics và Quản trị chuỗi cung ứng.

Logistics: Ngành học của nền kinh tế thời đại số - Ảnh 1.

Logistics là ngành học nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh những năm gần đây.

Lĩnh vực logistics đang phát triển như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất.

Nền kinh tế phát triển, khả năng giao thương càng lớn thì công việc của ngành này càng nhiều, nhu cầu về dịch vụ logistics tăng cao, đòi hỏi về một lượng nhân lực lớn và có chất lượng cao làm việc cho ngành này.

Ở Việt Nam, hiện doanh nghiệp vận tải và logistics đang hoạt động với các tập đoàn logistics hàng đầu như: Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel; Công ty Cổ phần Gemadept; Công ty Cổ phần Transimex… với nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngày càng cao. Điều này đã mở ra cơ hội lớn trong việc tìm kiếm việc làm và có mức thu nhập hấp dẫn đối với các bạn trẻ theo học ngành logistics.

Theo số liệu từ viện Nghiên cứu phát triển Logistics, hơn 50% doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay thiếu đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn về quản lí chuỗi cung ứng và logistics, khoảng 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên.

Những năm về trước, ngành này chỉ được đào tạo tại một số ít trường về giao thông vận tải nhưng một vài năm gần đây, khi nhu cầu giao thương, vận chuyển quốc tế tăng mạnh, ngành này được mở ra ở nhiều trường và trở thành một trong những ngành thu hút rất lớn sự quan tâm của thí sinh.

Năm 2021, theo phương án tuyển sinh của trường Đại học Giao thông vận tải, trường này sẽ tuyển 110 chỉ tiêu ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Mùa tuyển sinh năm nay, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thông báo tuyển sinh 120 chỉ tiêu ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Một trong những ngành nằm trong chương trình đào tạo tài năng Elitech của trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021 là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Năm 2021, trường Đại học Quốc tế Sài Gòn có thêm 3 ngành mới: Tâm lý học theo hướng chuyên sâu tham vấn và trị liệu; ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; khối ngành kế toán gồm 2 chuyên ngành kế toán doanh nghiệp và kế toán kiểm toán.

Đại học Thăng Long chính thức tuyển sinh cho ngành học Logistic và quản trị chuỗi cung ứng bắt đầu từ năm học 2020 với 50 chỉ tiêu thì đến năm 2021, số lượng chỉ tiêu ngành này đã lên tới 150.

Không chỉ các trường đại học, những năm gần đây nhiều trường cao đẳng cũng mở đào tạo ngành Logistics. Danh sách này năm nay có thêm trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, trường Cao đẳng Thương mại… Chưa kể, những trường đại học lớn như Đại học Ngoại Thương, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Hàng Hải, Đại học Rmit đã có truyền thống, thương hiệu đào tạo ngành với điểm chuẩn trúng tuyển luôn nằm trong top đầu.

Ngoài Logistics, những ngành đào tạo liên quan tới nhân lực ngành thống kê, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) đang là một xu hướng “hot” trong kỷ nguyên công nghệ 4.0. Đông đảo doanh nghiệp, tổ chức đang đổ tiền đầu tư, săn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này.

Tại Đại học Kinh tế TP.HCM, ba ngành học đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các bạn trẻ là ngành toán Kinh tế (gồm các chuyên ngành Toán tài chính; Phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm), thống Kê kinh tế (chuyên ngành Thống kê kinh doanh) và Khoa học dữ liệu.

Trong đó, chuyên ngành Toán tài chính (Financial mathematics) còn được gọi là Kỹ thuật tài chính (Financial engineering) hay Tài chính tính toán (Computational Finance) cung cấp các công cụ và kiến thức từ lĩnh vực tin học, thống kê, toán ứng dụng để giải quyết các bài toán tài chính. Sau khi học xong chương trình chuyên ngành Toán tài chính, người học có thể làm việc tại các ngân hàng; các quỹ đầu tư; các công ty tài chính; bảo hiểm; chứng khoán; các tổ chức định chế tài chính...

Chuyên ngành Phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm là một chuyên ngành hấp dẫn thuộc lĩnh vực toán ứng dụng trong tài chính - bảo hiểm. Nó đóng vai trò trung tâm trong các chương trình an ninh tài chính của xã hội và các biện pháp bảo vệ tài chính trong cuộc sống cá nhân.

Bên cạnh các công ty bảo hiểm, tư vấn, cơ hội việc làm của các chuyên gia định phí bảo hiểm còn rộng mở ở các lĩnh vực khác như lập kế hoạch hưu trí, quản lý rủi ro trong các định chế tài chính, giảng dạy và nghiên cứu tại các trường Đại học, CĐ và viện nghiên cứu.

Tại Việt Nam, sự bùng nổ của thị trường tài chính trong những năm gần đây khiến nhu cầu về chuyên gia phân tích rủi ro và định phí bảo hiểm càng trở nên cấp thiết hơn, nền công nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam thật sự đang rất “khát” nhân sự định phí.

Ngành Logistics và Chuỗi cung ứng của nhà trường cung cấp cho sinh viên những kiến thức về các loại hình dịch vụ logistics, thị trường vận tải, đặc điểm sản xuất kinh doanh cũng như các chỉ tiêu khai thác và hiệu quả kinh doanh trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải; kiến thức về cảng biển, hoạt động của cảng, quản trị cảng trên quan điểm hệ thống logistics; thương vụ cảng biển, chứng từ trong vận tải biển, bộ, sắt, hàng không và vận tải đa phương thức; kiến thức về hợp đồng thương mại và vận tải về cơ sở pháp lý, khiếu nại, bảo hiểm…

D.Ngân