Thủ tướng Chính phủ: Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới
Diễn đàn - Ngày đăng : 15:16, 28/03/2021
Sáng 28/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới 2021 - 2025.
Chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay
Thông tin về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ giải pháp đề ra, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, trong nước. Đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tốc độ bình quân tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao, bình quân 10 năm 2011 - 2020 đạt 5,95%/năm. Năm 2020 mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất nặng nề nhưng vẫn đạt 2,91% là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép.
Định hình nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ nền kinh tế khu vực, thế giới, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đến nay quy mô nền kinh tế nước ta nằm trong tốp 40 nền kinh tế thế giới và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 3.500 USD; tính theo sức mua tương đương đã đạt khoảng 10.000 USD.
Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và là một trong những nước có độ mở cao nhất thế giới. Việt Nam đã ký 15 FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) đang đàm phán 2 FTA, có 16 đối tác chiến lược. Về chỉ số quyền lực trong châu Á, xếp hạng Việt Nam năm 2020 tăng từ 13 lên 12/26 quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Phấn đấu trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng
Quan điểm phát triển trong 10 năm tới được đặt ra là: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm an ninh lương thực; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu; Khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước; Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn.
Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số; Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp.
Thủ tướng cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới...
Diễn ra trong 2 ngày 27-28/3, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được truyền hình trực tiếp từ điểm cầu Trung ương tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 67 điểm cẩu các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và được mở rộng đến hơn 7.300 điểm cầu cơ sở.
Lần đầu tiên gần 1 triệu đảng viên (chiếm gần 1/5 số đảng viên toàn quốc) được các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng trong vai trò báo cáo viên trực tiếp quán triệt những nội dung chính của Nghị quyết Đại hội XIII.
Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị (28/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội 10 năm 2021-2030 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2021-2025.
Hai văn kiện này do Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội XIII khởi thảo cách đây hơn 2 năm, kể từ phiên họp đầu tiên của Tiểu ban vào tháng 11/2018, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030 đã xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021 - 2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.
Ba đột phá chiến lược được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.