Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo ATTP theo chuẩn quốc tế
Truyền thông - Ngày đăng : 19:39, 26/03/2021
Nâng cao chất lượng và đảm bảo ATTP rau quả
Theo Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030", nhiều nhóm giải pháp đồng bộ đã được xác định.
Trong đó có các nhóm giải pháp: Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển chế biến rau quả; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào chế biến, bảo quản rau quả; Phát triển hệ thống logistics và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) rau quả, thì các giải pháp căn cơ được xác định đó là đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các văn bản quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả và thực phẩm có nguồn gốc thực vật; quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, sản xuất kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm hóa chất bảo quản).
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm rau quả, ưu tiên các mặt hàng rau quả chế biến có khối lượng lớn. Đi đôi với xây dựng và áp dụng mức giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRLs) đầy đủ, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế của các nước nhập khẩu; phổ biến, hướng dẫn cho nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng.
Đặc biệt, phải áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, ISO…) trong các cơ sở chế biến rau quả xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo chuẩn quốc tế. Đồng thời, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc.
Một mô hình trồng nấm theo hướng an toàn sinh học đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu. (Ảnh: Bình Minh)
Từ ATTP đến mục tiêu xuất khẩu rau quả chất lượng "top 5" thế giới
Trong các nhiệm vụ chính, thì nhiệm vụ phát triển thị trường tiêu thụ rau quả định hình rõ đối với thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với thị trường trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả, thiết thực cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tôn vinh sản phẩm rau quả Việt Nam chất lượng cao, ATTP. Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm; đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm rau quả hiện đại, phù hợp.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu được gắn với các nhiệm vụ chính như, tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các rào cản kỹ thuật, thuế quan để định hướng cho sản xuất, chế biến rau quả trong nước. Đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường trọng điểm; tiếp tục tìm kiếm, khai thác các thị trường mới mà quả Việt Nam có lợi thế về chủng loại, chất lượng, mùa vụ. Tiếp đó, tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm rau quả chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng đến nhà phân phối lớn, hệ thống siêu thị, người tiêu dùng các nước; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm rau quả nổi tiếng của Việt Nam.
Việt Nam có nhiều vùng miền có lợi thế tạo ra sản phẩm rau quả chất lượng, an toàn để xuất khẩu. (Ảnh: Bình Minh)
Theo Quyết định phê duyệt do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng mới ký ban hành, mục tiêu chung "Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030" đó là đến năm 2030, ngành chế biến rau quả phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững; đáp ứng được yêu cầu sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ; có trình độ công nghệ tiên tiến được gắn với các vùng sản xuất rau quả tập trung, sản lượng hàng hóa lớn; sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP, có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao; góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, sẽ đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả từ 8 đến 10 tỷ USD. Trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên. Tổn thất sau thu hoạch rau quả giảm bình quân trên 1,0%/năm. Trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến.
Mặt khác, công suất chế biến rau quả phấn đấu sẽ đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp gần 2 lần so với năm 2020. Thu hút đầu tư mới 50 đến 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao. Trong đó, phát triển chế biến rau quả đặc sản địa phương, vùng miền và sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) nhằm ổn định, nâng cao chất lượng, ATTP và kéo dài thời gian sử dụng.