Thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay (Bài 1: Tồn tại nhiều bất cập)
Truyền thông - Ngày đăng : 08:42, 26/03/2021
Tuy nhiên, cũng chính sự ra đời ồ ạt của các thương hiệu này lại dẫn đến những tồn tại bất cập của thị trường thực phẩm an toàn, như: thật - giả khó phân biệt, sự hoài nghi liệu có an toàn như mong đợi, thông tin thực phẩm liệu có đáng tin cậy, chỉ dành cho người giàu…
Thực phẩm an toàn: bắt nguồn từ nỗi sợ
Sự hình thành của thực phẩm an toàn Việt Nam đã bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỉ trước, mang tính tự nhiên nhiều hơn là phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về thực phẩm an toàn như IFOAM.., và không phải xuất phát từ thị trường trong nước, mà do phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm an toàn đều là khai thác từ tự nhiên, với các sản phẩm như: gia vị các loại, mật ong, tinh dầu, thảo dược các loại…, chè và rau an toàn. Sau đó, bắt nguồn từ sự "sợ hãi" của người tiêu dùng với tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn ở thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất đã phải tìm hướng mới cho thực phẩm là thực phẩm an toàn.
Trên thực tế, chỉ cần vào Google, đánh từ khóa "thực phẩm bẩn", có tới hơn 17 triệu kết quả được trả về chỉ trong 0,47 giây. Những phát biểu của các chuyên gia, những người nổi tiếng về thực phẩm bẩn thậm chí còn trở thành câu cửa miệng của nhiều người tiêu dùng, như: "con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế".
Điều này được chứng minh bởi số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ta đang ở mức cao. Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%). Tính đến tháng 10 năm 2020, cả nước xảy ra 81 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.040 người bị ngộ độc, trong đó có 21 người tử vong.
Trước tình hình đó, người tiêu dùng đã phải tìm cách tự bảo vệ mình bằng việc tìm kiếm những thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Những thuật ngữ sản phẩm an toàn, thực phẩm an toàn dần trở nên phổ biến hơn và các sản phẩm này ngày càng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị. Từ khóa "Thực phẩm an toàn" được Google trả về với hơn 96 triệu kết quả trong 0,73 giây là một minh chứng cho điều này.
Thực trạng thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam
Một vấn đề đặt ra từ rất lâu nhưng vẫn chưa có cách giải quyết về vấn đề thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam. Đó là những tồn tại trong lĩnh vực này như khó phân biệt thật giả, chất lượng có tốt như quảng cáo, thông tin chưa đầy đủ và giá cả.
Có một thực tế là người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn thật, đâu là thực phẩm đội lốt thực phẩm an toàn. Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để hi vọng vào một sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bằng cách tìm đến những nơi bán thực phẩm với giá cao, như siêu thị, nhưng vẫn chưa chắc chắn vì thực tế đã có nhiều vụ việc trà trộn rau không an toàn vào siêu thị đã bị phanh phui mặc dù các sản phẩm đó đều có gắn mác là an toàn.
Gần đây nhất, có thể kể đến các vụ việc của một siêu thị ở Hà Nội, một trong các hệ thống siêu thị lớn và đã tồn tại khá lâu ở Việt Nam. Sau sự phản ánh của người tiêu dùng, phóng viên đã đến trực tiếp các siêu thị đó để tác nghiệp, kết quả là hầu hết các mặt hàng hoa quả, thực phẩm và một số đồ gia dụng hoàn toàn không có tem mác xuất xứ, một số khay thực phẩm còn không có cả thời hạn sử dụng…
Sự nhập nhằng của các siêu thị một phần là do người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm "sạch" và đâu là thực phẩm "bẩn", họ chỉ còn biết trông mong vào uy tín và lương tâm của người bán, nhưng đứng trước mức lợi nhuận khủng do những hành vi gian dối mang lại, các siêu thị vẫn "sẵn sàng" lừa dối khách hàng. Điều đó làm cho thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn ở Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn khi niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm này không còn nhiều.
Vấn đề thứ hai là sự tin tưởng của người tiêu dùng về việc liệu sản phẩm có tốt như quảng cáo. Bên cạnh rất nhiều các thông tin thực phẩm an toàn là tốt cho sức khỏe, nhiều chất dinh dưỡng, an toàn… thì vẫn còn nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo "chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng để chứng minh thực phẩm an toàn tốt hơn thực phẩm thông thường". Thực phẩm an toàn được sản xuất một cách "tự nhiên" cũng chỉ có thể cung cấp được các chất dinh dưỡng và hạn chế các chất có hại tương tự như thực phẩm "thông thường" mà thôi. Thậm chí, thực phẩm an toàn còn "có phần" kém hơn do khó bảo quản hơn nên hàm lượng dinh dưỡng kém đi trong quá trình tồn trữ, vận chuyển.
Như vậy, theo các chuyên gia thì thực phẩm an toàn không hẳn là chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm an toàn thúc đẩy hành vi mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính người tiêu dùng Việt Nam chuộng thực phẩm an toàn còn do xuất phát từ nỗi "sợ hãi" với thực phẩm bẩn tràn lan. Thực tế này đã làm xuất hiện một số khách hàng hoài nghi về chất lượng của thực phẩm an toàn, qua đó hoài nghi về các tuyên bố dinh dưỡng của người bán hàng, cũng như nhà sản xuất thực phẩm an toàn.
Mặc dù thực phẩm an toàn đã trở thành một phong trào tiêu dùng trong thời gian gần đây, nhưng theo ý kiến của chuyên gia về vấn đề này, một trong các nguyên nhân làm thị trường thực phẩm an toàn kém phát triển là do người tiêu dùng còn chưa hiểu biết một cách thấu đáo về thực phẩm an toàn, thiếu các thông tin để truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu và không hiểu về quá trình sản xuất. Các bước trong quá trình cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng như: sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển… người tiêu dùng cũng không nắm được, thiếu các thông tin.
Khi sử dụng công cụ tìm kiếm Google, trong 0,73 giây có hơn 96 triệu kết quả trả về cho nội dung "thực phẩm an toàn". Tuy nhiên, các thông tin trên internet cũng ở trong tình trạng "không thể kiểm soát", thật giả khó phân biệt, từ thông tin một số nhà sản xuất không tuân thủ quy định sau đó báo chí làm trầm trọng hóa vấn đề, người tiêu dùng trở nên hoang mang sợ hãi. Lợi dụng tâm lý đó, các nhà sản xuất thực phẩm, trong đó có thực phẩm an toàn, ra sức thổi phồng sự thật về thực phẩm mà họ sản xuất, cung cấp những thông tin không đúng sự thật về các loại thực phẩm, như thực phẩm an toàn là sạch nhất, là dinh dưỡng tốt nhất, an toàn nhất cho sức khỏe… Trong khi đó, theo các chuyên gia thì chỉ cần thực phẩm an toàn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về dinh dưỡng là đủ.
Một sự thật nữa mà ai cũng nhìn thấy là dường như tại Việt Nam, thực phẩm an toàn chỉ dành cho người có tiền. Các loại thực phẩm đang được dán nhãn an toàn ở Việt Nam hiện có giá cao gấp nhiều lần thực phẩm thông thường, các sản phẩm rau, củ, nấm có giá đắt hơn khoảng 4 đến 5 lần, thịt lợn đắt hơn khoảng 3 lần. Do đó, thực phẩm an toàn thường chỉ dành cho những gia đình có mức thu nhập từ khá, thậm chí giàu có trở lên. Những đặc điểm thường gắn với nhóm khách hàng tiêu dùng này là: học vấn cao, thường sống ở thành phố lớn, thường là người có chức vụ hoặc nhân viên văn phòng, họ không phải là người lao động tự do…
(Còn nữa)