Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nâng cao chất lượng học tập Nghị quyết Đảng XIII
Bản tin ICT - Ngày đăng : 21:25, 25/03/2021
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị Thông tin chuyên đề quý I năm 2021 dưới sự chủ trì của ông Lại Xuân Lâm - Phó Bí thư Đảng ủy Khối.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trình bày chuyên đề "Dấu ấn nổi bật và những điểm mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Đại hội XIII của Đảng và một số giải pháp thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Đảng tại Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương"; nghe Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày chuyên đề "Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025".
Nêu rõ những dấu ấn nổi bật và những điểm mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Đại hội XIII của Đảng và một số giải pháp thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Đảng tại Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, ông Nguyễn Đức Hà cho biết Ðại hội XIII đã bổ sung những điểm mới trong mục tiêu tổng quát.
Cụ thể bổ sung "năng lực cầm quyền" vào nội dung "nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng" thành "Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng"; bổ sung "hệ thống chính trị" vào nội dung "xây dựng Ðảng" thành "xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị" và nêu yêu cầu xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị "trong sạch, vững mạnh toàn diện"; bổ sung "củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa"; bổ sung "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước", "kết hợp với sức mạnh của thời đại" vào nội dung "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc" thành "khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại", xác định mục tiêu "phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa."
Ðại hội XIII không chỉ xác định mục tiêu cụ thể phát triển đất nước 5 năm tới mà còn xác định mục tiêu cụ thể phát triển đất nước 10 năm tới, 25 năm tới.
Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn; kế thừa và bổ sung, phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực chung của thế giới, Ðại hội XIII xác định mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, đến năm 2030 và năm 2045.
"Ðể thực hiện các mục tiêu trên, các Văn kiện Ðại hội XIII đã đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, mạnh mẽ đáp ứng niềm tin và kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng đất nước ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới", ông Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh.
Đại hội xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm về công tác xây dựng Đảng là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tiếp tục đổi mới, kiện toàn và hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Trình bày chuyên đề "Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, nhiệm kỳ 2020-2025", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh phân tích, làm rõ một số nội dung liên quan đến việc nâng cao chất lượng học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng nói chung và Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nói riêng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Linh, điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải có ý thức nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác học tập, quán triệt Nghị quyết của Đảng nói chung và Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương nói riêng, đồng thời đổi mới cách tổ chức, xây dựng Nghị quyết một cách ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu và nêu rõ điều kiện để thực hiện; phân loại đối tượng theo từng chuyên đề, lĩnh vực, nội dung; đầu tư cơ sở vật chất cho hình thức học tập như: trực tiếp, trực tiếp trên truyền hình, truyền thanh và trực tuyến; lựa chọn báo cáo viên có tâm, có tầm; chú trọng xây dựng chương trình hành động một cách kỹ lưỡng, thuyết phục và có ích.