Bí thư Đà Nẵng: Chuyển đổi số là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:56, 22/03/2021
Chủ trì hội thảo gồm Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng; Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam.
Hội thảo lần này nhằm tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia đối với dự thảo đề án Chuyển đổi số tại Đà Nẵng. Từ đó hoàn thiện nội dung của đề án, để triển khai trong thực tế.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định 5 lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Trong đó có 1 lĩnh vực gắn với triển khai chuyển đổi số. Đó là phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Bốn lĩnh vực còn lại gồm phát triển dịch vụ logistics, du lịch; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp cũng đều cần đến nền tảng chuyển đổi số.
“Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP đã xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”, ông Quảng cho biết.
Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh, việc triển khai chuyển đổi số tại Đà Nẵng không chỉ góp phần cho chuyển đổi số của quốc gia, mà là một trong các “giải pháp chính” để xây dựng, phát triển TP theo Nghị quyết 43.
“Chuyển đối số là động lực để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển của TP. Góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị trong nước và khu vực ASEAN...”, ông Quảng nói.
Bí thư Nguyễn Văn Quảng cũng nêu ra các thuận lợi của Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi số như: Triển khai chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Chính trị, Chính phủ giao phó và đang được xác định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP.
Đồng thời, Đà Nẵng kế thừa kinh nghiệm và kết quả khá cơ bản từ 10 năm triển khai chính quyền điện tử và 2 năm triển khai Đề án thành phố thông minh; nền công nghiệp công nghệ thông tin đã dần hình thành, hiện nay đã đóng góp vào 7,8% GRDP của TP, người dân có dân trí cao, bước đầu hình thành thói quen tiếp cận, sử dụng dịch vụ trực tuyến...
Theo ông Quảng, dữ liệu số là tài nguyên để xử lý, phân tích, dự báo và tối ưu hóa hoạt động, quản lý kinh tế, xã hội. Bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai chuyển đổi số ở Đà Nẵng còn có nhiều khó khăn, thách thức, cần sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan TƯ, sự tư vấn của các chuyên gia.
“Đà Nẵng xác định quan điểm chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi. Lấy xây dựng chính quyền số làm động lực và dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.