VINASA tiếp tục sứ mệnh tiên phong thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:00, 22/03/2021
Nhiều thành quả hoạt động được ghi nhận
Đại hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) lần thứ V nhiệm kỳ 2021 – 2025 vừa được tổ chức thành công với sự tham gia của 260 đại biểu, đại diện cho 438 doanh nghiệp (DN) hội viên. Đại hội có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Khối DN Trung ương Phạm Tấn Công; Đại diện của Bộ Nội vụ, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các Bộ, Ngành trung ương.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận nỗ lực, sáng tạo của các doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam, với vai trò nòng cốt quy tụ của VINASA, cũng như nỗ lực của Bộ TT&TT trong thời gian qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ này, đã đóng góp chung vào những thành tựu phát triển của đất nước. VINASA và cộng đồng DN CNTT đã tích cực tham gia kiến nghị, đề xuất đối với việc hoạch định các chính sách phát triển, ứng dụng CNTT.
VINASA đã hình thành những nhóm tư vấn không chỉ trực tiếp đến liên quan đến CNTT mà còn tham gia vào tư vấn chung về chính sách phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, để chúng ta có những bước đi rất sớm, chủ động chuẩn bị, sẵn sàng đón những cơ hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Đại hội
Phó Thủ tướng nhắn nhủ: "Với sự chuyển giao thế hệ tại Đại hội lần này, bằng các công cụ CNTT, Ban Chấp hành mới của VINASA cần đặc biệt chú ý đến nhiệm vụ quy tụ những trí thức, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, tham gia tư vấn hoạch định chính sách cho chính phủ trong thời kỳ mới...".
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ IV (2016 - 2020) là VINASA đã hoàn thiện được hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho sự phát triển của các DN CNTT Việt Nam:
• Về tư vấn chính sách: Hội đồng Tư vấn Chính sách và nhóm Think Tank
• Về CĐS: thành lập Liên minh CĐS (2019)
• Về khoa học công nghệ (KHCN): Viện KHCN VINASA (VSTI, năm 2011)
• Về đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Học viện VINASA, Học viện CĐS VINASA (2020)
• Về Hỗ trợ khởi nghiệp: CLB Nhà đầu tư khởi nghiệp công nghệ số (VDI, năm 2020), VINASA Digital Acelerator (VDA, năm 2021)
• Về hỗ trợ phát triển thị trường: Ban Dịch vụ và Phát triển DN (BDS) thuộc Văn phòng VINASA
• Về truyền thông, quảng bá thương hiệu: Tạp chí Nhịp Sống Số (Năm 2017)
• Về phát triển thị trường quốc tế: Ban Hợp tác quốc tế, và Ủy ban Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (năm 2007)
Đây là các mảng hoạt động hỗ trợ tích cực cho nhu cầu kinh doanh, mở rộng thị trường và truyền thông, quảng bá thương hiệu cho các DN hội viên.
Nhắc lại vai trò, sứ mệnh tiên phong đổi mới của ngành bưu điện 30 năm trước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là thời điểm ngành CNTT lại được trao lại sứ mệnh tiên phong đổi mới để nắm bắt cơ hội của CMCN lần thứ tư. Trong đó, VINASA, cộng đồng DN phần mềm, dịch vụ CNTT phải nhận trọng trách tiên phong thúc đẩy CĐS với tư duy mới, cách làm mới. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, bên cạnh việc hướng ra thị trường nước ngoài, VINASA và các DN thành viên cần có nhiều giải pháp thiết thực, thật dễ sử dụng, hướng đến số đông để giải những bài toán đặt ra trong thực tiễn nhằm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS, ứng dụng CNTT đem lại tác động, thay đổi tích cực trong xã hội.
Trong nhiệm kỳ IV của Ban chấp hành VINASA, ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT vẫn tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao dẫn đầu và đặc biệt là có đóng góp quan trọng vào sự phát triển, hiện đại hóa của các ngành kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội đất nước. Cụ thể, ngành công nghiệp ICT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,1%/năm, trở thành một trong những ngành kinh tế có doanh thu lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước.
Năm 2020, doanh thu ước đạt 120 tỷ USD, trong đó doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số đạt trên 6 tỷ USD cao gấp 2 lần so với doanh thu năm 2015 (3 tỷ USD). Năng suất và giá trị sản lượng lao động trong ngành cũng cao hơn các ngành kinh tế khác từ 3 - 10 lần, mức cao nhất đạt trên 20.000 USD/người/năm. Tỷ lệ hàm lượng giá trị Việt Nam trong doanh thu của ngành rất cao, đạt tới 90 – 95%.
Đội ngũ DN phần mềm và dịch vụ CNTT đã có sự lớn mạnh nhanh chóng cả về số lượng, qui mô, trình độ công nghệ và về quản trị DN. Số lượng những công ty lớn với quy mô trên dưới 1.000 lao động đã được bổ sung nhiều tên tuổi mới. Bên cạnh FPT, MISA, CMC, TMA, VNG... là RikkeiSoft, KMS, GMO-Z.com Runsystem..., và một số lượng lớn các DN phát triển lên ngưỡng 500 – 900 lao động như: VMG, Luvina, Fujinet, NTQ, VTI…Số lượng các doanh nghiệp có quy mô 100 – 400 cũng xuất hiện rất nhiều tên tuổi mới: VNEXT, Deha, Nal, Beetsoft, HBLab…
So với 5 năm trước, hầu hết các DN đã có bước phát triển lên một tầng mới. Xét về trình độ công nghệ, trong các lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, dữ liệu lớn hay di động, nhiều DN của Việt Nam đã đạt trình độ ngang với các DN trên thế giới. Rất nhiều DN đang đem những kinh nghiệm, công nghệ, quy trình tích lũy sau nhiều năm làm cho đối tác nước ngoài để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao Make in Vietnam dành cho thị trường Việt Nam.
Ghi nhận những đóng góp của Hiệp hội cho nền CNTT nước nhà, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Cộng đồng DN phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã lớn mạnh. Chúng ta có quyền tự hào về cộng đồng này, về những đóng góp của họ cho đất nước. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có được sự lớn mạnh này. Không phải ngẫu nghiên mà có được, đó là do sự lựa chọn chiến lược đúng, do người Việt Nam phù hợp với phát triển CNTT nói riêng và công nghệ nói chung, do đất nước 35 năm đổi mới, chính trị ổn định và liên tục phát triển với tốc độ cao, do khát vọng của những người làm CNTT như anh Trương Gia Bình, do lao động quên mình, lao động quên ngày đêm của những người làm CNTT, của cộng đồng DN CNTT chúng ta…".
Góp phần hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ số
Hướng về chặng đường phía trước, với tinh thần "Tiên phong - Hợp tác - Sáng tạo", Đại hội VINASA lần thứ V, nhiệm kỳ 2021 – 2025 đã đặt ra những mục tiêu mới, cũng như có những thay đổi về cơ cấu, nhân sự và chiến lược hoạt động.
Ban chấp hành và Ban lãnh đạo VINASA đã có sự trẻ hóa toàn diện, với sự tham gia của nhiều doanh nhân trẻ đang dẫn dắt các DN ICT hàng đầu Việt Nam. Trọng trách Chủ tịch VINASA nhiệm kỳ mới được trao cho Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa.
Phương hướng và chiến lược hoạt động của Hiệp hội sẽ tập trung vào 4 định hướng lớn: Xây dựng các hệ sinh thái công nghệ; Phát triển các nền tảng (Platform); Chú trọng chiến lược AI; Tham gia phát triển nguồn nhân lực CNTT, thông qua việc triển khai 3 lĩnh vực đào tạo chính gồm công nghệ, CĐS, đô thị thông minh.
Ban lãnh đạo VINASA đã vạch rõ 12 hoạt động trọng tâm thời gian tới, bao gồm: Chính sách; Chính phủ số; Thành phố thông minh; Thúc đẩy startup công nghệ; Công nghệ AI; CĐS DN; CĐS nông nghiệp; CĐS du lịch; Đào tạo CĐS, đô thị thông minh, AI…; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng vị thế trên trường quốc tế; Phát triển Hiệp hội trong và ngoài nước; Truyền thông, marketing cho ngành và DN.
Ban lãnh đạo mới của VINASA nhiệm kỳ V (2021-2025) đã được bầu và chính thức ra mắt với Chủ tịch, 08 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Ban Thường vụ và 40 Ủy viên Ban Chấp hành. Chủ tịch Hiệp hội: Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc Công ty CP FPT; Các phó Chủ tịch gồm: Ông Lê Xuân Hoà - Phó Chủ tịch VINASA; Ông Lữ Thành Long - Chủ tịch HĐQT Công ty CP MISA; Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển CVPM Quang Trung; Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Tổng Thư ký VINASA; Ông Mai Duy Quang - Giám đốc TFI Accelerator; Ông Ngô Diên Hy - Tổng Giám đốc Tổng Công ty CNTT VNPT; Ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch HĐQT BKAV; Ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel (Viettel TS) .
Nhìn nhận lại chặng đường đã qua của Hiệp hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét: "Cách đây 20 năm, VINASA đã được thành lập với sứ mệnh xây dựng và kiến tạo nền công nghiệp mới của quốc gia. VINASA đã phát triển, đã gắn liền với một chặng đường phát triển của đất nước, đã trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp vững mạnh với hơn 400 DN thành viên. Ngày ấy, Chủ tịch Trương Gia Bình 45 tuổi. Và ngày hôm nay sẽ có có một người mới 45 tuổi nhận ngọn cờ từ tay anh Bình để đi tiếp".
Theo Bộ trưởng, "Ngọn cờ ấy không thay đổi, đó là khát vọng hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ, là khát vọng chinh phục thế giới bằng công nghệ, là tinh thần tiên phong đi đầu. Nhưng sẽ là sứ mệnh mới, sứ mệnh CĐS quốc gia, sứ mệnh Make In Vietnam, sứ mệnh biến Việt Nam thành quốc gia số, quốc gia thông minh nhất, sứ mệnh đi ra toàn cầu đóng góp cho sự phát triển của nhân loại, sứ mệnh tạo lên những tên tuổi lớn ảnh hưởng toàn cầu, sứ mệnh Việt Nam hùng cường thịnh vượng để không kẻ thù nào dám đến xâm phạm, để Việt Nam luôn có hoà bình".
Để tiếp tục nhận được những kinh nghiệm, kiến thức vô giá của thế hệ đi trước, Đại hội đã quyết định thành lập Hội đồng sáng lập VINASA bao gồm những nhà sáng lập, những lãnh đạo Hiệp hội khóa trước. Hội đồng bao gồm 10 thành viên: Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA khóa I, II, III, IV; Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch VINASA khóa I, II, III, IV; Ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch VINASA khóa I, II, III, IV; Ông Phạm Tấn Công - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINASA khóa I, II, III; Ông Trương Hoài Trang - Phó Chủ tịch VINASA khóa I, II; Ông Chu Tiến Dũng - Phó Chủ tịch VINASA khóa II; Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch VINASA Khóa IV; Ông Nguyễn Trung Chính - Phó Chủ tịch VINASA khóa IV; Ông Nguyễn Đoàn Hùng - Phó Chủ tịch VINASA Khóa IV; Ông Nguyễn Việt Hải - Phó viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA".
Hội đồng sáng lập VINASA
Trên cương vị mới, Tân Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Văn Khoa cho biết: "Đại diện cho Ban chấp hành Nhiệm kỳ V, chúng tôi cam kết kế thừa một cách tốt nhất những thành tựu và tâm huyết mà các vị trong Hội đồng sáng lập cũng như nhiệm kỳ trước đã gây dựng và truyền lại. Đồng thời, Vinasa cũng nhận trách nhiệm tiên phong trong hợp tác - đổi mới – sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam theo Nghị quyết mà Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra".
Chính thức hoạt động từ tháng 4/2002, đến nay VINASA đã là một tổ chức xã hội nghề nghiệp uy tín, với 438 đơn vị hội viên là các DN hàng đầu trong ngành, chiếm tới 60% nhân lực và 70% năng lực sản xuất của ngành phần mềm Việt Nam. Hiệp hội được Ban Đối ngoại Trung ương Đảng cho phép đại diện Việt Nam tham gia 03 Hiệp hội chuyên ngành quốc tế bao gồm: Tổ chức Liên minh Dịch vụ CNTT thế giới (WITSA), Tổ chức Công nghiệp điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO), Liên minh CNTT Châu Á – Thái Bình dương và có quan hệ hợp tác song phương với các hiệp hội về CNTT của hơn 80 nền kinh tế trên thế giới.
Đại hội nhận định: Với bối cảnh quốc tế thuận lợi; chủ trương, chính sách, đường lối phát triển trong nước và nguồn nhân lực dồi dào, ngành Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn để không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam mà còn tạo vị thế vững chắc trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhắn nhủ với Hiệp hội: "Hãy giữ lấy triết lý ban đầu của những người sinh ra nó. Đó là khát vọng tiên phong trong sự nghiệp hưng thịnh quốc gia bằng công nghệ số, đồng thời cũng nhận lấy những sứ mệnh mới để góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045".