Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện quy chế dân chủ
Bản tin ICT - Ngày đăng : 09:41, 22/03/2021
Năm 2021 là Năm đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
Năm 2021 được chọn là Năm đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Bởi đây là năm sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI "về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở".
Theo đó, năm 2021, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở sẽ gắn với việc triển khai các nội dung liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Cụ thể, nội dung chính là tập trung vào quan điểm của Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về "Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở", nhiệm vụ theo Kết luận số 120-KL/TW và nội dung quyền làm chủ của nhân dân trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các nhiệm vụ nhằm bảo đảm quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013; thực hiện hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, triển khai hiệu quả phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Bên cạnh đó, vai trò quan trọng của nhân dân tiếp tục được khẳng định, đề cao trong chiến lược phát triển đất nước, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy sức sáng tạo, nguồn lực trong nhân dân; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm hại đến quyền làm chủ của nhân dân… trong giai đoạn mới.
Theo Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Lam, thời gian tới, việc thực hiện cơ chế dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện cần đảm bảo công khai, minh bạch, trách nhiệm, đặc biệt động viên nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QCDC cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy trách nhiệm của các thành viên phù hợp với nhiệm vụ chính trị được phân công.
Căn cứ vào chương trình công tác năm 2021, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại các địa phương, bộ, ngành dự kiến diễn ra vào quý II-2021, nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Kết luận số 120-KL/TW; từ đó kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện QCDC ở cơ sở.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Ảnh: Quang Vinh)
Theo Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam cùng với việc thực hiện hoàn thiện tiêu chí "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát", Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh tới mục tiêu "dân thụ hưởng". Từ đó, các cơ quan, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ, bộ, ngành rà soát tổng thể lại chính sách, các định hướng đầu tư, bảo đảm để người dân được thụ hưởng thành tựu phát triển.
Đặc biệt, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cán bộ, đảng viên làm mất dân chủ cơ sở hoặc ban hành các văn bản làm hạn chế quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường, xử lý nghiêm theo quy định những người lợi dụng QCDC, làm mất ổn định chính trị - xã hội; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, giao nhiệm vụ cho cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi để cho các tổ chức, hội hợp pháp, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể để hoạt động thuận lợi, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, Ban Dân vận các cấp cần tiếp tục tham mưu cho các cấp ủy Đảng, bộ, ngành rà soát toàn bộ văn kiện Đại hội lần thứ XIII Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng các cấp; thực hiện đầy đủ những nội dung liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân nói chung và thực hiện QCDC nói riêng, trong đó chú trọng đến tiêu chí "dân thụ hưởng".
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện QCDC ở cơ sở
Để thực hiện tốt QCDC ở cơ sở, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, các cấp các ngành cần quan tâm tới các hoạt động đối thoại với người dân, coi hoạt động đối thoại là việc làm thường xuyên để quyết kịp thời những vấn đề mà người dân đặt ra.
Bên cạnh đó, việc thực hiện QCDC ở cơ sở cần gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện hiệu quả chương trình cải cách hành chính, không để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức viên chức; đồng thời, cần nâng cao chất lượng của công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức tiếp cận thông tin nhất là các chính sách pháp luật liên quan trực tiếp để người dân trên cơ sở đó tự giác thực thi pháp luật và thực hiện tốt quyền dân chủ trực tiếp theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong bối cảnh thông tin phát triển mạnh mẽ, công tác tuyên truyền vận động ngoài việc ứng dụng khoa học công nghệ yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận phải có kỹ năng tiếp xúc với dân để đối thoại, tuyên truyền giải thích hiệu quả. Đặc biệt khi trình độ dân trí ngày càng cao, dân chủ mở rộng, muốn công tác dân vận đạt hiệu quả cao nhất cần phải có cơ chế để công khai minh bạch thông tin đến với người dân nhất là các hoạt động điều hành của bộ máy chính quyền, bộ máy Đảng, Nhà nước.
Như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là do dân", trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở các cấp cần tiếp tục phát huy và mở rộng dân chủ trong Đảng cũng như hoạt động quản lý và điều hành của cơ quan Nhà nước, chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các lĩnh vực của đời sống xã hội…; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó đảm bảo sự phát triển của đất nước.