Cơ chế nào cho doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập áp dụng kỹ thuật số?
Quản trị - Ngày đăng : 09:42, 19/03/2021
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nền tảng, sự nổi trội của kỹ thuật số và kỹ thuật số sẽ chinh phục thế giới vì tính phổ thông trong sử dụng và tính lan toả tới mọi lĩnh vực trong xã hội. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và từ quá trình hội nhập.
Để có hiểu rõ hơn về tác động qua lại giữa áp dụng kỹ thuật số và tăng trưởng kinh tế, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.Phóng viên: Xin ông cho biết, thực trạng của doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào quá trình chuyển đổi số?Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hiện, trên cả nước chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp đang áp dụng chuyển đổi số.Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào quá trình này vì gặp khó khăn về vốn, nhưng cũng một phần xem rằng đây là câu chuyện của doanh nghiệp lớn. Đó là chi phí đầu tư cao, hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế, tổ chức quản lý, quy trình nghiệp vụ, chuỗi cung ứng cần chuẩn hóa.Hiện, các doanh nghiệp lớn còn có bộ phận công nghệ thông tin, riêng doanh nghiệp nhỏ hiểu về công nghệ số đã là khó và hạn chế. Ngoài ra, trong việc chuyển đổi số còn có nhiều rào cản khác như: quy định, quy tắc công ty không phù hợp số hóa; thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động; thiếu hiểu biết, cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp…Theo tôi, việc chuyển đổi số nên được triển khai từ những khâu nhỏ nhất. Nhưng, tại thời điểm này, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ quá trình hội nhập và đặc biệt, dịch COVID-19 đang quay trở lại đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực thay đổi và thích ứng với công nghệ kỹ thuật số.Phóng viên: Vậy, kỹ thuật số được hiểu như thế nào và tác động qua lại giữa áp dụng kỹ thuật số đối với tăng trưởng kinh tế?Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Kỹ thuật số theo nghĩa rộng được hiểu chính là kỹ thuật thông tin truyền thông (ICT) bao gồm các kỹ nghệ hợp thành như: máy tính điện tử; chương trình phần mềm; internet và các hợp phần liên quan; băng thông rộng; điện thoại di động ... Vì vậy, khi nói đến ảnh hưởng của việc đầu tư, phát triển bất kỳ kỹ nghệ hợp thành ICT nào cũng được hiểu đó là đầu tư vào kỹ thuật số.Các nghiên cứu về mối tương quan giữa đầu tư phát triển kỹ thuật số với tăng trưởng kinh tế đối với kinh tế Mỹ và các nước OECD cho thấy, khi tăng 10% sự thâm nhập của inernet có mối tương quan tới 0,9-1,5% tăng trưởng GDP đối với Mỹ và 0,3-0,9% tăng trưởng GDP với các nước OECD.Nếu tăng 10 điểm phần trăm thâm nhập của băng thông rộng dẫn tới GDP tăng 1,38 điểm phần trăm. Đặc biệt, cùng tăng 10 điểm phần trăm trong áp dụng từng loại kỹ nghệ hợp thành ICT khác nhau như: điện thoại di động, internet hay băng thông rộng dẫn tới tăng trưởng GDP ở mức độ khác nhau giữa các nước có mức thu nhập khác nhau.Số liệu giai đoạn 1980-2011 cho thấy, cứ tăng 10 điểm phần trăm trong sử dụng điện thoại di động dẫn tới GDP tăng 0,21 điểm phần trăm ở các nước thu nhập cao và tăng 0,4 điểm phần trăm ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đối với sử dụng internet, số liệu tương ứng là 0,78 và 0,94 điểm phần trăm; 1,19 và 1,35 điểm phần trăm đối với sử dụng băng thông rộng.Mức độ tác động qua lại giữa áp dụng các kỹ nghệ hợp thành ICT và tăng trưởng GDP khác nhau giữa các quốc gia bởi quy mô của nền kinh tế; xu hướng áp dụng công nghệ trong sản xuất và đời sống; đặc trưng văn hoá. Chẳng hạn ở Ecuado, tăng thêm sự thâm nhập của băng thông rộng dẫn đến thu nhập bình quân năm tăng 3,67%. Trong khi đó, sử dụng máy tính làm tăng 3,92% thu nhập bình quân năm, sử dụng internet dẫn tới tăng đến 5,01%.Nghiên cứu trên 20 nước thuộc OECD cho thấy khi tăng 10 điểm phần trăm sử dụng internet trong sản xuất kinh doanh dẫn tới GDP tăng từ 0,3-0,9 điểm phần trăm đối với giai đoạn 1996-2007 và tăng 0,9-1,5 điểm phần trăm với giai đoạn 2002-2007. Hiệu quả sử dụng internet trong sản xuất kinh doanh dẫn đến tăng trưởng GDP ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển.Phóng viên: Như vậy, phát triển và áp dụng kỹ thuật số sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế qua các yếu tố nào?Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Áp dụng kỹ thuật số sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế qua các yếu tố nào như: kích cầu đầu tư và tạo việc làm cho nền kinh tế; chia sẻ thông tin hai chiều; cắt giảm chi phí giao dịch; phát triển giáo dục, đào tạo nghề và kỹ năng của người lao động và tạo lập tự do kinh tế, ổn định xã hội và chính trị.Bên cạnh đó, phát triển và áp dụng kỹ thuật số tác động gián tiếp tới tăng trưởng kinh tế qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tận dụng năng lực của mạng lưới bên ngoài. Đồng thời, thu nhận được thông tin đầy đủ của các tổ chức kinh tế có liên quan cũng như hiệu quả của thể chế tự do kinh tế, ổn định chính trị xã hội.Phóng viên: Thưa ông, đối với nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp, phát triển, áp dụng kỹ thuật số sẽ đem lại những lợi ích gì?Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, phát triển và áp dụng kỹ thuật số sẽ đem lại những lợi ích như: thúc đẩy hoạt động phổ biến và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng các quyết định kinh tế, chất lượng sử dụng nguồn lực; giảm chi phí sản xuất, kích cầu tiêu dùng và đầu tư; thúc đẩy thương mại quốc tế, giảm chi phí giao dịch; nâng cao chất lượng hoạt động và giảm chi phí của các chi nhánh xúc tiến thương mại ở nước ngoài; khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng.Cùng với đó, tạo nền tảng cho các nước đang phát triển bắt kịp các nước phát triển bằng việc nâng cao năng xuất theo phương thức “nhảy cóc”. Đồng thời, thúc đẩy chia sẻ thông tin, đổi mới, tiếp cận nguồn vốn tài chính, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy tiếp cận thị trường; cung cấp thông tin đầy đủ hơn, chất lượng hơn cho các tổ chức kinh tế, tăng cường tính hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.Bên cạnh đó, giảm thiểu sự mất cân đối thông tin giữa người mua và nhà cung cấp, giảm chi phí môi giới và giúp doanh nghiệp tiếp cận và đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô.
Phóng viên: Vậy, bức tranh lao động việc làm của nền kinh tế trong thời gian tới sẽ có gam màu ra sao khi phát triển và áp dụng công nghệ kỹ thuật số?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Trước thực trạng của các hoạt động kinh tế thế giới thay đổi mạnh mẽ, các nhà kinh tế, chính trị và xã hội nhận định: thập niên 2021-2030 là thập niên của nhiều bất định và sự bất định trở thành hiện tượng bình thường, nhiều lĩnh vực kinh tế sẽ có số việc làm mất đi nhiều hơn số việc làm mới được tạo ra.
Nhiều nhà kinh tế, chính trị, xã hội bày tỏ, giống như những người nông dân sống ở những năm 1800 của thế kỷ 19 rất khó nghĩ đến và tin rằng đa số lực lượng lao động sẽ không làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp như hiện nay và không thể hình dung được các loại hình lao động trong xã hội hiện đại. Tương tự như thế, hiện nay chúng ta đang đối đầu với quá trình tự động hoá thay thế người lao động cũng không thể hình dung được các loại việc làm trong nền kinh tế của 100 năm tới.Với tiến bộ nhanh và mạnh của công nghệ sẽ để lại phía sau một bộ phận, có lẽ một bộ phận khá lớn lực lượng lao động không phù hợp với tiến trình phát triển của nền kinh tế. Các nhà kinh tế cho rằng, không có thời điểm nào tốt hơn thời điểm hiện nay đối với đội ngũ lao động có kỹ năng đặc biệt, có trình độ giáo dục cao, đồng thời đây cũng là thời điểm tồi tệ đối với người lao động chỉ có khả năng bình thường. Với sự phát triển và áp dụng mạnh mẽ công nghệ, ngay trong ngắn và trung hạn chúng ta sẽ chứng kiến quá trình chưa từng thấy việc máy móc thay thế người lao động.Nguyên Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Lawrence Summers nhận định: “Thách thức về kinh tế trong tương lai không phải là sản xuất đủ hàng hoá, mà chính là tạo đủ việc làm tốt cho người lao động”. Ngày nay công nghệ có bước phát triển rất nhanh, các nhà kinh tế hoài nghi về việc xã hội có đủ khả năng tạo việc làm tốt thay thế cho người lao động bị mất việc do công nghệ gây ra.Cách tốt nhất để xử lý tác động nghịch của “máy móc có trí tuệ, robot” chiếm việc làm của con người là cùng đồng hành hơn là chống lại chúng. Con người có thế mạnh và duy trì được thế mạnh của mình so với máy móc trên các lĩnh vực như: đưa ra ý tưởng; phát minh sáng chế; sáng lập và quản lý. Máy móc có trí tuệ, robot chỉ hiệu quả trên góc độ thực hành những gì được lập trình sẵn do con người tạo ra.
Vì vậy, trong xã hội với sự phát triển và áp dụng kỹ thuật số, giải pháp khôn ngoan và hiệu quả đó là kết hợp hoàn hảo giữa con người với máy móc. Sự kết hợp này luôn tốt hơn, giỏi hơn, hoàn hảo và hiệu quả hơn máy móc có trí tuệ hay con người thực hiện độc lập, riêng biệt.Việc kết hợp giữa con người và máy móc với mục đích bổ sung thế mạnh và khắc phục điểm yếu cho nhau có lẽ là giải pháp tốt và phù hợp trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.Phóng viên: Để tăng năng suất lao động và đẩy mạnh quá trình ứng dụng kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp thì giải pháp cần thực hiện là gì?Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước mắt, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng đảm bảo chất lượng và triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển và áp dụng kỹ thuật số; Chiến lược đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, tạo căn cứ pháp lý, nguồn lực tài chính để xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển và áp dụng kỹ thuật số.Đồng thời, đào tạo cung cấp lực lượng lao động có chuyên môn, kỹ năng tốt và phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển, áp dụng kỹ thuật số của nền kinh tế; định kỳ sửa đổi, bổ sung và cập nhật các chiến lược này phù hợp với tiến trình phát triển kỹ thuật số trên thế giới.Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, có cơ chế truy cập, chia sẻ thông tin những cơ sở dữ liệu này cho các đối tượng sử dụng phù hợp. Bên cạnh đó, thiết lập và vận hành đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin thị trường cho các tổ chức kinh tế và người tiêu dùng nhằm giảm thiểu bất cập và tác hại do thông tin không đầy đủ gây ra.Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tập đoàn viễn thông có tiềm lực tốt về công nghệ và tài chính khẩn trương xây dựng nền tảng kỹ thuật số vững mạnh, phù hợp với đặc trưng và cơ cấu kinh tế nước ta. Cùng đó, bắt nhịp được tiến trình phát triển và áp dụng kỹ thuật số của thế giới.Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức liên quan khẩn trương triển khai chương trình truyền thông nhằm phổ biến quan điểm, mục tiêu, các giải pháp thực hiện phát triển và áp dụng kỹ thuật số.Đặc biệt phổ biến, đào tạo cho các tổ chức và khu vực doanh nghiệp hiểu rõ những nội dung về phát triển và áp dụng kỹ thuật số ở Việt Nam phù hợp với đặc trưng riêng của từng tổ chức, với khu vực doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau.Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng cơ chế và một số giải pháp tài chính phù hợp nhằm cung cấp, hỗ trợ tín dụng cho các tổ chức, đặc biệt khu vực doanh nghiệp thực hiện xây dựng và áp dụng kỹ thuật số trong hoạt động, sản xuất kinh doanh và hội nhập tiến trình áp dụng kỹ thuật số trên thế giới.Phóng viên: Xin cảm ơn Ông!